Nhớ mùa măng đắng

Măng đắng đầu mùa không đắng gắt mà vẫn kén người ăn nhưng lại là món ẩm thực đặc sắc của Sơn La - Tây Bắc. Măng đắng dường như là thứ gắn liền với cuộc sống của đồng bào miền núi mà hễ cứ nói về Sơn La là không thể không nhắc tới.

 

Măng đắng rừng được người dân bày bán bên đường.

 

Người Sơn La coi măng đắng không chỉ là món ăn thuần túy, măng đi vào đời sống, văn hóa và cả tập quán tín ngưỡng của mỗi dân tộc. Trong tiềm thức mỗi người miền núi, măng đắng mọc là dấu hiệu gọi mưa xuân về thấm đẫm những mảnh nương sau mùa đông dài khô khốc giúp hạt giống nảy mầm. Thế nên, mùa măng đắng mọc là mốc đánh dấu cho một vụ gieo hạt mới, là lúc bà con tất bật chuẩn bị tra hạt, xuống giống. Những ngày xưa còn gian khó, ngày giáp hạt, chỉ có măng đắng rừng sẵn đó giúp bao nhà đi qua mùa đói với những bữa cơm vội trên nương. Ấy thế nên măng đắng với người miền núi quý lắm, thân thương lắm!

Tôi cũng từng đi qua tuổi thơ gắn liền với những mùa măng đắng đong đầy kỷ niệm. Khi những cơn mưa xuân lất phất bay, sương mù giăng mắc, cái rét hãy còn sắc đậm len vào da thịt, mùa măng đã bắt đầu gọi mời, gợi nhắc ký ức thời thơ bé lớn lên cùng núi, cùng rừng. Những ngày tết còn chưa hết, đám trẻ con trong bản đã í ới gọi nhau rồi đứa đeo dao, đứa vác thuổng, đứa mang gùi kéo nhau vào rừng tre tìm măng. Những cơn mưa mù khiến rừng tre chìm trong màn sương mờ ảo, tranh tối tranh sáng cùng với cái rét buốt đầu tháng Giêng ở miền núi cũng chẳng thể làm “nhụt chí” đám trẻ chúng tôi trong “hành trình” truy tìm sản vật của núi rừng.

Măng đầu mùa chưa nhiều nên không dễ tìm, chúng tôi bảo nhau bỏ cả dép, bỏ ủng, dùng đôi chân trần sục sạo dưới những đám lá khô phủ dày trên mặt đất. Chỉ cần bàn chân cảm nhận được cái gì đó nhô lên, sắc nhọn là trong lòng đã khấp khởi mừng thầm, chắc mẩm chân mình đã “dò” được búp măng quý giá. Vội vàng bới đám lá khô, dùng dao đào vài đường để tìm búp măng, mấy đứa xung quanh thấy “động tĩnh” cũng chạy ùa đến xúm vào cùng tìm. Hễ thấy măng là phải đào thật sâu, lấy gốc măng thật dài để mấy đứa chia nhau thưởng thức ngay cùi măng ngọt lịm. Không phải lúc nào cảm giác của đôi chân cũng thật sự chính xác, có lúc dẫm vào gốc gây nhọn cũng tưởng là búp măng vừa nhú, thậm chí có lúc không may bị gai đâm hay gốc tre đã cắt cứa vào chảy máu.

Bây giờ thì khác, nếu không muốn vất vả đi đào măng trong những cánh rừng tre âm u ngày mưa rét, chỉ cần ra chợ là có vô số măng xếp đầy trên các sạp hàng. Măng đắng có nhiều loại, giá bán cũng phải chăng, cách chế biến cũng đa dạng khi kết hợp với các loại thực phẩm khác và gia vị để tạo nên những món ăn ngon, hương vị đặc biệt chứ không đơn điệu chỉ có nướng, luộc, xào chay như ngày nhỏ tôi vẫn thấy. Dù là vậy, nhưng cái vị măng đắng gắt trong bữa cơm chiều, mùi măng cháy vỏ thơm thơm khi vùi bếp củi dường như vẫn luôn phảng phất trong trí nhớ mỗi khi tới mùa măng.

Thêm một mùa măng đắng về, khoảng cách với tuổi thơ áo quần bết bẩn, ríu rít rừng tre cùng đám bạn thêm xa. Nhưng vẫn còn đó ký ức về một thời gian khó, búp măng đắng nuôi ta lớn lên theo những năm tháng vụng dại, gợi nhắc người ly quê nhớ về nguồn cội mà tìm về yêu thương.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới