Ở Tây Bắc có một thứ quả hình thù kỳ lạ, thân dẹt, dài ngoẵng, chỉ có vào mùa hè, tên gọi của loại quả này nghe cũng rất lạ tai - quả núc nác. Người Tây Bắc coi núc nác là một sản vật không dễ tìm, vì quả chỉ có một mùa trong năm và cũng chẳng dễ hái vì quả mọc trên ngọn cây cao vút. Với người miền núi, núc nác vừa là một món ăn mang đậm hương vị núi rừng, vừa là một bài thuốc dân gian được bao thế hệ lưu truyền có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Quả núc nác được bày bán tại chợ Nà Si, huyện Mai Sơn.
Cây núc nác thường chỉ mọc ở trên rừng, quả có màu xanh đậm, rộng khoảng 5-7cm, dài từ 40 - 80cm, có quả dài gần 1 mét, quả thường ra thành chùm ở đầu cành trên những cây cao. Ban đầu, núc nác chỉ là loại quả rừng, có thể chế biến thành những món ăn dân giã. Dần dần, núc nác được biết đến nhiều hơn khi được bày bán phổ biến ở những khu chợ vùng cao mỗi khi vào mùa như một nguyên liệu độc đáo cho những món ăn mang hương vị núi rừng. Cứ vào khoảng từ tháng 6 đến tháng 9, núc nác bắt đầu vào mùa đậu quả.
Đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La có nhiều cách chế biến món ăn từ quả núc nác, trong đó, phổ biến nhất là món nộm. Núc nác hái về phải còn tươi nguyên, chọn những quả bánh tẻ, độ dài chừng 40-60cm, đặt lên bếp củi nướng cháy vỏ. Sau đó cạo lớp vỏ cháy đen bên ngoài, rửa sạch rồi thái ngang quả thành từng miếng mỏng, trộn với gia vị: tỏi, ớt, rau thơm, mắc khén, rắc thêm lạc rang giã nhỏ là đã có một món ăn dậy mùi hấp dẫn.
Cầu kỳ hơn là món núc nác xào thịt bò, hay núc nác xào thịt lợn ba chỉ, với những cách chế biến đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào thói quen nấu nướng, hay cách gia giảm gia vị, cùng sự sáng tạo trong quá trình chế biến của người nội trợ. Dù làm nộm, hay xào, để núc nác dậy mùi thơm thì đều nướng qua trên bếp củi đến khi vỏ cháy xém, rồi mới đem ra chế biến. Núc nác khi ăn có vị đắng nhẹ, cùi giòn mềm, khi kết hợp với các gia vị sẽ mang đến cảm nhận rất đặc biệt, vừa ngăm ngăm đắng, vừa có chút ngọt hậu vị, lạ miệng và kích thích vị giác.
Từ những bữa cơm giản đơn của đồng bào miền núi, núc nác dần xuất hiện thường xuyên hơn trong thực đơn của những gia đình ở thành phố muốn đổi vị cho bữa ăn gia đình. Những ai thích vị đắng của núc nác thì chỉ cần luộc sơ, thái miếng, ăn ghém với lá chát, chấm chẳm chéo. Vị chát của lá rừng cùng vị cay nồng của bát chéo giúp dung hòa cái đắng hăng hăng của núc nác hãy còn tươi nguyên. Núc nác có hương vị lạ lẫm đối với những người lần đầu ăn thử, nhưng ăn một lần là nhớ, là đủ ấn tượng với ẩm thực tuy giản dị mà đặc sắc của Tây Bắc.
Theo đồng bào nơi đây, núc nác còn được biết đến là bài thuốc dân gian có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Núc nác vị đắng, tính mát, được cho là hỗ trợ cho hoạt động của chức năng gan, là bài thuốc giải độc cơ thể, giải nhiệt tốt, phòng chống bệnh về đường hô hấp. Vậy nên, núc nác được đồng bào miền núi rất quý, mang cây giống về trồng gần nhà, vừa lấy quả làm nguyên liệu chế biến món ăn, vừa để làm cây thuốc nam khi cần có thể dùng đến.
Thảo Nguyên
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!