Với kinh nghiệm hơn 15 năm sản xuất, kinh doanh các đồ ăn dân tộc, cơ sở sản xuất của chị Vì Thị Hồng ở xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, đã góp phần nâng cao giá trị các món ăn dân tộc của địa phương, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chia sẻ về quá trình sản xuất, kinh doanh, chị Hồng, cho biết: Tôi là người dân tộc Thái, nên các sản phẩm thịt hun khói, chẳm chéo, nhất là thịt trâu, bò hun khói, là món ăn gắn bó với các gia đình đồng bào dân tộc Thái từ lâu đời. Năm 2009, tôi đã chế biến một số món ăn truyền thống của dân tộc để bán cho khách hàng trong xã và huyện. Để có món thịt trâu, bò hun khói thơm ngon, tôi lựa chọn loại thịt tươi, cơ sở cung cấp thịt uy tín, sau đó sơ chế loại bỏ gân, mỡ, rồi tẩm ướp thịt với nhiều loại gia vị như mắc khén, tỏi, ớt, gừng... sử dụng loại củi nhãn để hun, sấy để thịt có hương vị đặc trưng. Tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.
Từ năm 2016, chị Hồng bắt đầu mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt trâu hun khói; đầu tư kinh phí nâng cấp lò sấy, mua máy hút chân không, tủ lạnh để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Năm 2023, chị tiếp tục nghiên cứu cho ra thị trường sản phẩm thịt bò muối chua và ba chỉ lợn hun khói. Các sản phẩm được đóng gói, đóng hộp đẹp mắt, chất lượng nâng cao, sản phẩm có mặt tại nhiều cửa hàng trong tỉnh và xuất bán tại một số tỉnh, thành phố, như Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội... Mỗi năm, cơ sở của gia đình chị chế biến và xuất bán từ 700 - 900 kg thịt trâu, bò, lợn, lạp sườn, cá hun khói, 150 - 200 kg chẳm chéo khô, ướt, thu gần 400 triệu đồng/năm.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, sản xuất thêm các sản phẩm mang đặc trưng ẩm thực dân tộc Thái, thời gian tới, cơ sở của chị Vì Thị Hồng sẽ hoàn thiện hồ sơ thành lập HTX, xây dựng sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giữ gìn nét văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!