Mùa xuân về, những cánh đào phai đã bung nở, tô điểm cho sắc xuân trên khắp các bản vùng cao biên giới Yên Châu. Nhờ các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đời sống, an sinh xã hội đối với đồng bào vùng biên giới được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây đang ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Chúng tôi về bản Đin Chí, những nương lúa, ngô đã được thay thế bằng màu xanh của cây mận, cây mía. Hơn 3 năm trước, gia đình anh Vàng A Hồ chỉ trồng ngô, lúa nương, thu nhập không ổn định. Năm 2020, được tuyên truyền, vận động trồng mía, anh đã trồng 2 ha mía. Anh Hồ cho biết: Năm nay, gia đình thu 125 tấn mía, được Công ty cổ phần Mía đường Sơn La về tận nương mua với giá 980 đồng/kg, thu nhập hơn 130 triệu đồng/vụ. Gia đình còn trồng 1,5 ha mận hậu, thu 12 tấn quả, tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Tết năm nay, gia đình có nhiều tiền để sắm sửa, vui xuân.
Ông Vì Lâm Tới, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng On phấn khởi: Sau khi học tập thực tế các mô hình, Đảng ủy xã tuyên truyền, vận động nhân dân trồng 17,8 ha mía tại bản Ta Liễu, sản lượng đạt 623 tấn/năm; trồng 1 ha cây cà gai leo tại bản Nà Đít, sản lượng hơn 1,5 tấn/năm, thu nhập hơn 40 triệu đồng; mô hình nuôi 1.000 con gà đen tại bản Nà Dạ và Suối Cút, đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, bán ra thị trường được giá 120.000 đồng/kg... Từ các mô hình thí điểm, đến nay, xã có gần 300 ha mận hậu; 90 ha mía, nhiều mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xã xuống gần 40%.
Câu chuyện ở xã Chiềng On là một minh chứng rõ nét cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện về phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh các xã biên giới. Huyện đã phân công các cơ quan, đơn vị, đoàn thể giúp đỡ xã; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế đã từng bước làm thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Đồng chí Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, thông tin: Huyện Yên Châu có 4 xã biên giới gồm: Chiềng On, Chiềng Tương, Phiêng Khoài và Lóng Phiêng; trên 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Dựa trên tiềm năng, lợi thế từng xã biên giới, huyện đề ra giải pháp đối với từng vùng; khuyến khích nhân dân chuyển đổi các loại cây trồng kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, trồng mía; liên kết thành lập HTX trong tiêu thụ sản phẩm gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi đại gia súc; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, hình thành các chợ đầu mối nông sản, bao tiêu sản phẩm cho nhân dân.
Đồng thời, huyện tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế dành cho các xã biên giới, như Dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam-Lào” được triển khai, phát triển chuỗi sản xuất gai xanh gắn với tiêu thụ bền vững, đã trồng trên 140 ha cây gai xanh tại các xã biên giới, thu nhập 60-80 triệu đồng/ha/năm.
Tham gia Dự án “Giảm nghèo thông qua phát triển sản xuất nông nghiệp và thương mại vùng biên giới Việt Nam - Lào”, bà con xã Chiềng Tương được hỗ trợ không hoàn lại 50% tiền giống, phân bón, 50% còn lại doanh nghiệp tạm ứng cho các hộ và trừ dần vào tiền bán vỏ gai cho doanh nghiệp từ năm thứ hai trở đi. Hiện nay, xã đã đăng ký trồng gần 20 ha cây gai xanh. Anh Tếnh Lao Bông, bản Pa Khôm, xã Chiềng Tương nói: Gia đình trồng 2 ha cây gai xanh. Vụ đầu tiên, thu được 3 tạ vỏ gai khô/ha, giá thu mua 35.000 đồng/kg. Lợi thế là cây gai xanh cho thu hoạch 3-4 vụ/năm.
Trong 3 năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 7 nhà văn hóa, 2 tuyến đường, 1 công trình nước sinh hoạt tập trung, 1 chợ trung tâm, 3 dự án bố trí, sắp xếp dân cư, 9 công trình trường học tại các xã biên giới, tổng mức đầu tư trên 145 tỷ đồng. Năm 2024, dự án đường giao thông Chiềng Khoi - Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông; thúc đẩy kinh tế - xã hội ở các xã vùng cao, biên giới của huyện phát triển.
Năm mới, khí thế mới, huyện Yên Châu tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%/năm. Đồng thời, củng cố và tăng cường niềm tin của đồng bào các dân tộc với cấp ủy đảng, chính quyền, tạo động lực để bà con đoàn kết, phấn đấu xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!