Ẩm thực độc đáo của đồng bào dân tộc Thái Sơn La

Sơn La được du khách biết đến là vùng đất nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện, hiếu khách, có ẩm thực độc đáo của các dân tộc. Trong đó, ẩm thực của đồng bào Thái là sự kết hợp tinh tế các nguyên liệu và phương thức chế biến được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

 

 

 

Ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái Sơn La giới thiệu tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch

các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XIV.

                 

Món nướng của người Thái Sơn La thường mang hương vị đậm đà, giàu chất dinh dưỡng được tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ. Gia vị để ướp là tiêu rừng hay còn gọi là “mắc khén”, ớt, tỏi, gừng, muối. Trước khi đem ướp với thịt, các gia vị còn được nướng, rang lên để khơi dậy vị thơm đặc trưng. Thịt trâu hoặc bò, lợn bản được thái miếng, ướp gia vị, dùng xiên hoặc kẹp tre tươi đặt lên than hồng; hoặc thịt băm nhỏ, bóp nhuyễn với trứng, gói lá chuối, lá dong, kẹp lại, nướng trên than đỏ hoặc vùi tro nóng; khi chín, thịt rất thơm, ăn không ngán. Món cá nướng hấp dẫn bởi hương thơm của cá, vị cay của ớt, mắc khén. Món cá nướng gập còn gọi là “pa pỉnh tộp”, người dân chọn những con cá chép, trôi hay trắm, rô phi rồi mổ lưng, để nguyên nội tạng, bỏ mật. Gia vị cho vào bụng cá gồm: Mắc khén, gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng... Sau khi cá được nhồi ra vị, ngấm đều, gập đôi lại, rồi kẹp lại nướng trên than củi hồng. Người nướng cẩn thận để cá không bị ám khói, giữ được hương vị đặc trưng. Cá chín đều không khô, không cháy, vàng ươm toả mùi thơm cay cay của mắc khén, vị béo, ngọt của cá và các loại gia vị tạo cảm giác cho du khách nhớ mãi không quên.

                 

Cùng với món nướng, những món truyền thống của đồng bào Thái được chế biến từ gạo nếp là cơm lam, xôi ngũ sắc. Để làm món cơm lam, gạo nếp nương, ngâm ủ qua đêm. Sau đó cho vào ống tre, thêm nước vừa đủ và nút lại bằng lá chuối, đốt trên bếp lửa đến khi vỏ ống nứa cháy sém lan tỏa mùi thơm từ gạo, ống nứa không còn nước là chín. Sau đó chẻ tách từng phần cật chỉ còn lại lớp lụa mỏng bó chặt từng cây cơm trắng nõn. Đối với món xôi ngũ sắc, người dân thường chọn gạo nếp tan hạt mẩy, chắc, bóng; ngâm vào nước lá cây “khảu cắm” tạo thành các màu xôi khác nhau: trắng, tím, đỏ, vàng, xanh, tượng trưng cho âm, dương, ngũ, hành, tình đoàn kết các dân tộc anh em.

                 

Bên cạnh những món ăn chính, thì món nộm cũng hấp dẫn du khách thập phương. Nguyên liệu để làm các món nộm rất đa dạng và dễ tìm kiếm. Khi chỉ là các loại rau rừng, hoa ban, hoa chuối, kết hợp thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng. Một trong những món nộm đặc trưng là món nộm da trâu mang lại cảm giác thú vị khi thưởng thức. Da trâu rất dày và cứng nên phải chế biến rất cầu kỳ, khéo léo, tỉ mỉ để lớp da trâu mềm, dai ngon sần sật, chua chua, ngọt ngọt còn có vị bùi của lạc rang. Đặc biệt, món ăn này có vị chua thơm, thanh thanh không phải từ dấm hay chanh mà từ nước măng chua. Nước măng chua làm cho da trâu trở nên mềm, giòn và không bị ngấy. Chính vì sự kết hợp hoàn hảo này đã tạo nên một món ăn đặc sản lạ miệng dành cho du khách.

                 

Nói đến ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La, không thể không nhắc đến món canh bon. Những nguyên liệu để chế biến món ăn rất cầu kỳ, thành phần chính chỉ gồm lá “bon”, cà rừng, ớt, mắc khén, hành củ, bạc nhạc bò hoặc thịt bò, muối, mì chính, lá lốt... Cây bon sau khi hái về rửa sạch, tước bỏ vỏ rồi ngâm qua nước muối loãng. Sau đó, đem bon thái nhỏ cho vào nồi nấu với thịt bò hoặc xương bò. Sau khi thịt và bon trong nồi đã nhừ, người nấu cho rau và các gia vị đã chuẩn bị vào nồi canh và nêm sao cho vừa ăn. Khi thưởng thức canh bon, thực khách sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng của mắc khén, vị bùi ngậy của bon, vị cay của ớt, quện với vị ngọt của thịt tất cả tạo nên hương vị đậm đà không thể trộn lẫn với bất kỳ món canh nào khác. Bên cạnh các món ăn kể trên, các món đồ chấm cũng là điểm nhấn đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của đồng bào Thái Sơn La. Từ hạt mắc khén, ớt nướng và rất nhiều loại gia vị khác, người chế biến đã làm nên món chẩm chéo mang vị cay, nồng đặc trưng, không thể thiếu trong mỗi bữa cơm của người dân địa phương.

                 

Còn nhiều món độc đáo của đồng bào các dân tộc Sơn La khó có thể thể kể hết. Đến với Sơn La, đừng quên thưởng thức những món ăn mang hương vị riêng có của vùng đất Tây Bắc này!.

 

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới