Đảm bảo mức lương hưu tối thiểu cho người lao động khi giảm số năm đóng BHXH

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 91.476 người tham gia BHXH, đạt 13,34% lực lượng lao động. Việc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 theo hướng giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, sẽ tạo điều kiện cho người lao động tham gia muộn, có thời gian tham gia BHXH ngắn, được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của người lao động, tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn đặt ra.

Giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho người dân tại Bộ phận một cửa BHXH tỉnh.

Theo quy định hiện nay, thời gian người lao động tham gia BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải đủ 20 năm, dẫn tới nhiều người có thời gian tham gia BHXH chưa đủ, nhưng đã hết tuổi lao động mà không được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, còn có các trường hợp, còn tuổi lao động, đã đóng BHXH một thời gian dài, song lại không có việc làm ổn định để tiếp tục tham gia BHXH. Đây là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều lao động rút BHXH một lần, chủ yếu là lao động trẻ tuổi, ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, để đáp ứng nhu cầu cá nhân người lao động.

Chị Lò Thị Hiền, ở xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, là một trong hơn 300 người trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán BHXH một lần từ đầu năm đến nay. Chị Hiền làm công nhân tại một khu công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh, được Công ty đóng BHXH đã hơn 10 năm. Tuy nhiên, đến năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên chị không tiếp tục đi làm và đã quyết định rút BHXH một lần. 

Một trong những vấn đề được người lao động quan tâm là, khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm thì mức lương hưu được thụ hưởng sau 15 năm đóng BHXH cũng sẽ giảm, nếu tính theo công thức tính hiện hành.

Phân tích về vấn đề này, ông Đinh Thanh Tùng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, cho biết: Việc rút ngắn thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay sẽ làm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH đối với mọi người dân, khuyến khích nhiều người dân trong độ tuổi lao động tham gia, tăng diện bao phủ BHXH; tạo cơ hội, điều kiện cho nhiều lao động hiện nay đủ tuổi, có từ đủ 15 năm đóng BHXH trở lên nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH được nhận lương hưu sớm hơn mà không phải đóng thêm; giúp nhiều lao động có cơ hội bảo lưu thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ hưu trí thay vì lựa chọn hưởng BHXH 1 lần. Vì thực tế giải quyết hồ sơ cho thấy, có nhiều người lao động hưởng BHXH 1 lần khi đã có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên.

Ông Tùng cho biết thêm: Theo quy định hiện hành, để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương đóng BHXH, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm và lao động nam đóng BHXH 35 năm. Nếu đóng tối thiểu 20 năm như quy định hiện nay, thì người lao động được nhận 45%. Còn nếu theo đề xuất của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trường hợp giảm xuống 15 năm thì mức hưởng tương ứng khoảng 34% và còn phải chờ đến tuổi mới được hưởng lương hưu. Rõ ràng, khi rút ngắn thời gian đóng tối thiểu xuống 15 năm thì mức hưởng sẽ giảm, lương hưu vì vậy sẽ thấp. Do vậy, khi rút ngắn thời gian đóng BHXH thì cũng cần phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ để đưa ra công thức tính lương hưu phù hợp, đảm bảo mức sống cơ bản cho người lao động khi hưởng lương hưu.

Ca sản xuất của công nhân Công ty cổ phần May Sơn La.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương, nêu thực tế: Nhiều người lao động, nhất là công nhân đi làm ở các khu công nghiệp sau khi đóng BHXH được 10 đến 12 năm nghỉ việc đã phải rút BHXH một lần thay vì tiếp tục đóng để hưởng lương hưu. Nguyên nhân chủ yếu là do sau khi nghỉ việc, cuộc sống lao động gặp khó khăn khó, không tìm việc làm mới. Có người 50 tuổi đóng BHXH được 15 năm, nhưng khi nghỉ việc không có doanh nghiệp nào thuê, không có lương nên đành phải rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống thay vì đóng tiếp. Do vậy, cần có quỹ hỗ trợ người lao động cho vay với lãi suất thấp, tạo thêm việc làm để họ ổn định cuộc sống, có điều kiện tiếp tục tham gia đóng BHXH hướng tới hưởng lương hưu. Cùng với đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng BHXH, cũng có thể tăng tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu lên theo hướng nhiều nấc. Ví dụ như 10 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu bằng 45%, cứ đóng thêm 1 năm thì sẽ tăng 3% và 15 năm là 60%, để người lao động có mức lương hưu đảm bảo hơn, thu hút được người lao động tham gia BHXH.

Hằng tháng, BHXH tỉnh đang thực hiện chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp cho trên 32 nghìn người, với tổng số trên 143 tỷ đồng, đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho người thụ hưởng. Từ thực tế trên cho thấy, việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cũng cần phải bảo đảm quỹ lương hưu cho người lao động chi trả mức sống tối thiểu.

Quàng Hưởng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới