Nghiêm cấm tụ tập, xả rác thải đầu nguồn nước sinh hoạt

Những ngày nắng nóng, thay vì giải nhiệt mùa hè tại các bể bơi, các điểm du lịch, nhiều người lại chọn tụ tập, vui chơi tại khu vực đầu nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, tổ 4, phường Chiềng An, thành phố Sơn La. Nhưng điều đáng lên án, là họ ngang nhiên xả rác nơi đây, làm ảnh hưởng đến nguồn nước cung cấp cho một nửa dân cư của Thành phố.

Giọng nam

Công nhân Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 thu gom rác thải đầu nguồn nước.

 Ngổn ngang rác thải

Chiều ngày 2/5, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ nhân dân về tình trạng tụ tập vui chơi, xả thải rác bừa bãi khu vực mó nước hang Thẳm Tát Tòng, nhóm phóng viên Báo Sơn La đã trực tiếp xuống hiện trường để xác minh.

Mó nước hang Thẳm Tát Tòng, là nguồn cung cấp nước chính cho Nhà máy cấp nước của Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1. Đến được khu vực này, nhóm phóng viên phải vượt qua quả đồi, với quãng đường dốc cao, hẹp, cua tay áo khoảng 1 giờ đồng hồ.

Túi bóng, chai nước sau sử dụng vứt bừa bãi.

Tại mó nước, dưới cái nắng gay gắt, công nhân Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 đang miệt mài thu gom rác dưới lòng suối và lật từng bụi cỏ dọc bờ thu gom, phân loại rác thành các loại khác nhau để xử lý.

Anh Lưu Văn Lợi, Đội phó Đội quản lý mạng lưới, Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1, cho biết: Vào mùa nắng nóng, người dân địa phương thường tập trung đến khu vực này để vui chơi, bất chấp những cảnh báo của địa phương. Việc tụ tập vui chơi, nấu nướng rồi xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước và mất mỹ quan khu vực không phải diễn ra lần đầu.  

Một bàn đá ngồi chơi ngay giữa dòng suối đầu nguồn được người dân tạo ra.

Ông Trần Xuân Long, Phó Giám đốc Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1, thông tin: Mó nước là nguồn cung cấp nước chính cho Xí nghiệp cấp nước Thành phố, công suất 10.000 m3/ngày, đêm. Sau xử lý sẽ cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 16.000 hộ dân tại các phường Chiềng An, Tô Hiệu, Quyết Thắng, Chiềng Cơi và Chiềng Lề. Ngay khi nắm bắt được thông tin nhân dân phản ánh, Xí nghiệp cử nhân viên lên dọn rác thải và thu gom, xử lý theo quy định. Đồng thời, Xí nghiệp đề xuất với các cấp chính quyền địa phương chung tay bảo vệ nguồn nước, nâng cao ý thức của người dân giữ gìn vệ sinh nước đầu nguồn.

Rất nhiều loại rác thải được công nhân Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1 thu gom.

Mó nước hang Thẳm Tát Tòng chảy qua các khe đá, tạo thành một dòng suối nhỏ nông nhưng nước trong vắt và mát lạnh. Ven suối, có nhiều tàu lá chuối được người dân cắt trải ra để làm chỗ ngồi rồi vứt lại, ngay cạnh là chai nhựa, túi bóng, vỏ bánh, kẹo, trái cây... bừa bãi, đe dọa nguồn nước sạch và cảnh quan thiên nhiên nơi đây. 

Rác thải người dân vứt lại trên bờ khu vực đầu nguồn nước.

Bà Quàng Thị Khay, tổ 4, phường Chiềng An, bức xúc: Từ tháng 3 trở lại đây, cứ tầm 10 giờ sáng, tôi thấy rất đông người vào mó nước. Điển hình, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa rồi, mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến đây. Phía trước cổng nhà tôi luôn tấp nập người qua lại, thậm chí còn đánh cả ô tô tới. Tôi đã gặp và báo với công nhân của Xí nghiệp cấp nước Thành phố. Đã thấy phường làm biển cấm vào khu vực treo ở ngay đầu đường đi lên mó nước; công nhân xí nghiệp lên dọn vệ sinh. Tôi mong cấp uỷ, chính quyền vào cuộc bảo vệ nguồn nước để người dân sử dụng đảm bảo sức khoẻ.

Chung tay bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

Ngày 14/8/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1973/QĐ-UBND phê duyệt kết quả lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho các nhà máy cấp nước: Nhà máy cấp nước số 1, số 2 thành phố Sơn La lấy nguồn nước từ hang thẳm Tát Tòng và suối Nậm La; Nhà máy cấp nước Mai Sơn lấy nguồn nước từ suối Nậm Pàn. Theo quyết định, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt có tổng chiều dài đường biên là 217,6 km, trùng với đường biên vùng ô nhiễm nặng và vùng ô nhiễm, tổng số mốc cần cắm là 1.093 mốc.

Biển báo và mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước đã cắm, nhưng người dân vẫn trồng cây ăn quả trên khu vực đất được khoanh vùng bảo vệ.

UBND tỉnh Sơn La cũng giao Sở Tài Nguyên và Môi trường đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn theo quy định.

Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, UBND Thành phố đã tổ chức cắm 9 biển cảnh báo đầu nguồn nước. Đối với sự việc một bộ phận người dân thiếu ý thức đến mó nước hang Thẳm Tát Tòng tắm, xả rác thải bừa bãi, UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng, UBND phường Chiềng An kiểm tra, thu gom, xử lý rác thải, thanh thải dòng suối không để ô nhiễm nguồn nước. UBND phường Chiềng An đã làm biển cấm vào khu vực mó nước phía đầu đường đi lên. Rất mong, người dân khi phát hiện có người vào mó nước thông báo ngay cho tổ, bản, UBND phường để ngăn chặn, xử lý theo quy định.

Trước đó, ngày 29/12/2023, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3860/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn thành phố Sơn La giai đoạn 2024 - 2030 (của Công ty cổ phần cấp nước Sơn La), gồm các nội dung chính về đánh giá hiện trạng hoạt động của hệ thống cấp nước; xác định phân tích và đánh giá mức độ các nguy cơ, rủi ro đối với hệ thống cấp nước... xây dựng các tiêu chí, các chỉ số giám sát và giới hạn kiểm soát để đánh giá việc triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn; quản lý cơ sở dữ liệu có liên quan về cấp nước an toàn; lập các chương trình và kế hoạch triển khai; kế hoạch đánh giá kết quả thực hiện cấp nước an toàn, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh kế hoạch cấp nước an toàn...

Biển cấm vào mó nước đầu nguồn cần được thay thế bằng biển dễ quan sát hơn.

Về lâu dài để bảo vệ nguồn nước, ông Nguyễn Thế Phương thông tin thêm: UBND Thành phố tiếp tục duy trì việc tổ chức ký cam kết bảo vệ môi trường giữa Chủ tịch UBND Thành phố với Chủ tịch UBND các xã, phường; giữa Chủ tịch UBND các xã, phường với các cơ sở sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các xã, phường rà soát các mó nước đầu nguồn, hỗ trợ làm tường rào bảo vệ nguồn nước; tuyên truyền người dân chấp hành thực hiện nghiêm không đổ chất thải, rác thải, xả nước thải, đưa các chất thải, các chất độc hại khác vào nguồn nước và các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước... Đồng thời, Thành phố sẽ lắp đặt các camera tại đầu nguồn mó nước để theo dõi và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định.

Khu vực xử lý nước tại Nhà máy nước, Xí nghiệp cấp nước Thành phố số 1.

Với việc quan sát bằng mắt thường, cũng dễ nhận thấy rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến chất lượng nguồn nước sinh hoạt tại đây. Xung quanh khu vực mó nước không có hàng rào bảo vệ để nhân dân biết đó là nguồn nước sinh hoạt; mốc cắm thì ở cách xa hàng chục mét, bị cây cối che lấp. Thêm nữa, việc trồng cây ăn quả trên khu vực đất được khoanh vùng bảo vệ cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm do thuốc trừ sâu, phân bón. 

Biển báo khu vực đầu nguồn nước sinh hoạt  khu vực Nậm Lộng trên đường vào mó nước bị gió lốc làm đổ.
(Ảnh chụp chiều ngày 2/5)

Bảo vệ nguồn nước sinh hoạt là trách nhiệm chung của cộng đồng. Việc tụ tập vui chơi, xả rác thải ra mó nước đầu nguồn của một bộ phận người dân cần được quyết liệt ngăn chặn và chấm dứt. Về phía UBND Thành phố cần tập trung chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Minh Thu - Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi

    Nông nghiệp -
    Toàn tỉnh đang có hơn 138.800 con chó, mèo cần được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh dại bùng phát trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai tiêm vắc xin dại cho đàn chó, mèo.
  • 'Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Nâng cao chất lượng huấn luyện dân quân tự vệ

    Quốc Phòng - An Ninh -
    Hằng năm, huấn luyện dân quân tự vệ ở huyện Thuận Châu luôn có sự đổi mới theo hướng thiết thực, chất lượng, bám sát chức năng, nhiệm vụ trên từng địa bàn; nội dung, hình thức phong phú. Qua đó, chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng dân quân tự vệ được nâng lên, góp phần đảm bảo công tác quốc phòng - an ninh tại địa phương.
  • 'Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Sốp Cộp phát triển kinh tế thương mại - dịch vụ

    Kinh tế -
    Với lợi thế là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện, xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp luôn tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư mở rộng dịch vụ, thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
  • 'Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm

    Kinh tế -
    Khu công nghiệp Mai Sơn những tháng đầu năm 2025 luôn hối hả, với 3 dự án xây dựng nhà máy đang triển khai. Cùng với thu hút đầu tư, các cấp, ngành của tỉnh đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho các dự án đang triển khai tại Khu công nghiệp Mai Sơn nhằm sớm đưa các nhà máy vào hoạt động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
  • 'Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Đổi thay ở các bản biên giới Mộc Châu

    Nông thôn mới -
    Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm vươn lên thoát nghèo của nhân dân, diện mạo 10 bản biên giới của thị xã Mộc Châu có nhiều khởi sắc; cuộc sống của nhân dân ngày một ấm no.
  • 'Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Tạo sự đồng thuận trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

    Xây dựng Đảng -
    Kịp thời nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đề xuất các giải pháp tuyên truyền phù hợp, tạo sự đồng thuận, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tổ chức điều tra dư luận xã hội liên quan đến việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
  • 'Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Thoát nghèo từ mô hình trồng cà chua, dâu tây

    Gương sáng bản làng -
    Những ngày cuối tháng 3, chúng tôi có dịp đến bản Pặt, xã Mường Chùm, huyện Mường La. Đây là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã, nơi có nhiều gương nông dân làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo. Tiêu biểu là chị Lò Thị Thưa với mô hình trồng dâu tây và cà chua, vừa đem lại thu nhập cao, vừa tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.