Giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống để phát triển du lịch

Tại tổ dân phố Na Áng và Vạt Hồng, phường Mường Sang, thị xã Mộc Châu, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái trắng vẫn được bà con quan tâm gìn giữ, từng bước đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần quảng bá bản sắc dân tộc và tạo sinh kế bền vững từ chính giá trị truyền thống.

Giọng nữ

Nơi cao nguyên Châu Mộc, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái đã có lịch sử hàng trăm năm. Từ thuở nhỏ, các bé gái đã được các mẹ, các bà dạy cách xe sợi, dệt vải, thêu thùa. Lớn lên cùng tiếng khung cửi, những sơn nữ nơi đây đã thành thạo việc dệt vải, nhuộm màu, thêu hoa văn lên từng tấm khăn, chiếc áo, như một cách gìn giữ hồn cốt bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội và áp lực cạnh tranh từ các sản phẩm dệt may công nghiệp, nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Mộc Châu đang dần mai một. Số hộ còn giữ nghề không nhiều, phần lớn chỉ dệt thủ công với quy mô nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính.

Với mục đích bảo tồn, phát huy nghề dệt của dân tộc, bà Hoàng Thị Loát, người con dân tộc Thái ở tổ dân phố Na Áng, phường Mường Sang, đã cùng những người tâm huyết thành lập HTX Làng nghề thổ cẩm Hoàng Long. Đến nay, HTX có 21 thành viên, trong đó hơn 10 nghệ nhân lành nghề vẫn miệt mài ngày đêm bên khung cửi để thêu dệt từng họa tiết văn hóa truyền thống.

Du khách trẻ tham quan gian trưng bày của HTX Làng nghề thổ cẩm Hoàng Long.

Bắt nhịp xu hướng phát triển hiện đại, các thành viên HTX luôn tìm tòi, sáng tạo, cải tiến, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng để sản xuất ra những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, nhưng đảm bảo giữ gìn những giá trị truyền thống. Trước đây, nếu như chất liệu thổ cẩm chủ yếu được sử dụng để làm đệm, gối, chăn, thì nay còn được sử dụng để làm túi xách, lót cốc, giày dép, ví tiền và nhiều vật dụng trang trí khác.

Hiện nay, các sản phẩm thổ cẩm của HTX không chỉ được cung ứng tại địa phương mà còn được sản xuất theo đơn hàng đi các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhờ đó, đầu ra của các sản phẩm được đảm bảo hơn, số lượng bán ra từ vài chục chiếc nay đã tăng lên hàng trăm chiếc cho mỗi đơn hàng. Nghề dệt thổ cẩm mang đến cho mỗi thành viên trong HTX khoản thu nhập trên dưới 20 triệu đồng/tháng.

Không chỉ dừng lại ở việc giữ nghề, những người làm nghề còn hướng tới việc đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Mộc Châu. Các tấm khăn, áo, túi thổ cẩm không chỉ mang giá trị thẩm mỹ mà còn chứa đựng những câu chuyện văn hóa bản địa, trở thành món quà lưu niệm ý nghĩa với du khách.

Chia sẻ về định hướng sắp tới, bà Loát cho biết: HTX sẽ mở các lớp dạy nghề cho người dân trong bản, đồng thời tổ chức các buổi trải nghiệm nghề dệt cho du khách. Đây không chỉ là cách để truyền nghề, giữ lửa đam mê, mà còn là hướng đi để phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại địa phương.

Truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ.

Ngoài HTX Làng nghề thổ cẩm Hoàng Long, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn được gìn giữ và phát triển tại bản du lịch cộng đồng bản Vặt, tổ dân phố Vạt Hồng – nơi sinh sống của 126 hộ dân với 480 nhân khẩu, đều là người Thái trắng. Hiện nay, trong bản có 6 hộ còn duy trì nghề dệt, thành lập tổ dệt truyền thống vừa để sản xuất, vừa phục vụ khách du lịch trải nghiệm, mua sắm sản phẩm thổ cẩm.

Du lịch phát triển đã mở ra hướng đi mới cho nghề truyền thống. Từ đầu năm đến nay, bản đã đón khoảng 1.000 lượt khách, mang về doanh thu gần 200 triệu đồng. Không chỉ là nguồn thu, du lịch còn giúp nâng cao ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa cho thế hệ trẻ. Vào cuối tuần, các cháu học sinh được tham gia học và thực hành dệt tại tổ dệt của bản, tiếp nối nghề truyền thống theo cách tự nhiên, gần gũi.

Ông Hà Văn Trọng, Tổ trưởng tổ dân phố Vạt Hồng, chia sẻ: Chúng tôi xác định nghề dệt không chỉ là văn hóa, mà còn là sinh kế. Bản sẽ tiếp tục vận động các hộ giữ nghề, kết hợp với du lịch để đưa thổ cẩm thành sản phẩm đặc trưng, gắn liền với hình ảnh của bản làng người Thái ở Mộc Châu.

Hướng dẫn xe chỉ bằng dụng cụ truyền thống.

Nghề truyền thống được du khách tiếp cận qua những buổi trải nghiệm, làm ra những sản phẩm từ chính đôi tay của mình. Từ việc ngồi thử dệt trên khung cửi, nghe các nghệ nhân kể về ý nghĩa từng chi tiết hoa văn, đến việc mua những món đồ thủ công tinh xảo, du khách tiếp cận văn hóa không qua sách vở, mà bằng cảm xúc thật. Chị Nguyễn Thu Trang, một du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Tôi rất ấn tượng khi được tận tay dệt thử và hiểu thêm về ý nghĩa hoa văn trên vải. Mỗi sản phẩm đều chứa đựng câu chuyện riêng của bà con đồng bào Thái, khiến chuyến đi trở nên đặc biệt và đáng nhớ hơn.

Du khách trải nghiệm đeo khăn Piêu dệt thủ công.

Thị xã Mộc Châu xác định rõ, việc phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa, mà còn là một trong những yếu tố thúc đẩy du lịch cộng đồng. Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hoá - Khoa học và Thông tin, thị xã Mộc Châu, cho biết: Thị xã đã hỗ trợ các tổ chức, cá nhân bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm, trong đó ưu tiên việc đưa nghề vào hoạt động du lịch trải nghiệm, thúc đẩy việc đào tạo kỹ năng cho lao động trẻ. Đồng thời, kết nối các sản phẩm thổ cẩm với các điểm du lịch, chợ phiên, khu lưu trú. Mục tiêu là hình thành chuỗi sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của người Thái tại Mộc Châu, giúp người dân có thêm nguồn thu từ chính nghề truyền thống của mình.

Việc gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm không chỉ giúp cộng đồng người Thái bảo tồn bản sắc văn hóa, mà còn mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch bền vững. Khi nghề truyền thống được “thổi hồn” bằng những trải nghiệm du lịch, Mộc Châu không chỉ giữ được hồn cốt bản làng, mà còn tạo thêm sinh kế cho người dân ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

 

Linh Trang (CTV)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới