Tuổi trẻ Yên Châu lập thân, lập nghiệp

Phong trào đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp đang được Huyện đoàn Yên Châu chú trọng triển khai tới các cơ sở đoàn, giúp nhiều đoàn viên, thanh niên có việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng.

Giọng nữ
ĐVTN xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, trao đổi kỹ thuật chăm sóc mận hậu.

Bí thư Huyện đoàn Yên Châu Vì Thị Đông, cho biết: Huyện có trên 10.500 đoàn viên thanh niên sinh hoạt tại 15 cơ sở đoàn. Thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, lập nghiệp, Huyện đoàn đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên, như: Vay vốn phát triển kinh tế; định hướng nghề nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; diễn đàn, tọa đàm hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng cho thanh niên khởi nghiệp; hướng dẫn quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh niên...

Hiện nay, huyện có 26 mô hình phát triển kinh tế, 15 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế tại các xã, thị trấn. Tiêu biểu như: Sản phẩm tỏi đen, đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Tuổi trẻ 26/3; nuôi bò nhốt chuồng tại xã Chiềng Khoi; trồng mận tại xã Lóng Phiêng, Yên Sơn; trồng xoài tại xã Chiềng Hặc, Sặp Vạt; trồng tỏi ở xã Chiềng Đông… có thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ/năm. Hằng năm, Huyện đoàn phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện triển khai từ 5-10 hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất cho 300 lượt ĐVTN; duy trì các đội trí thức trẻ tình nguyện tổ chức hoạt động tham gia hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, Huyện đoàn thực hiện tốt việc quản lý, hỗ trợ ĐVTN tiếp cận vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ hàng hóa... Đến nay, đã nhận ủy thác từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho 1.674 hộ thanh niên vay trên 98 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, đoàn viên thanh niên đã nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn hỗ trợ 1 dự án vay vốn khởi nghiệp, phát triển kinh tế tại xã Chiềng Pằn, với tổng kinh phí 100 triệu đồng.

Đoàn viên Tráng Lao Cự, bản Lao Khô 2, xã Phiêng Khoài, là một trong những gương mặt tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế. Anh Cự chia sẻ: Gia đình tôi có 1 ha trồng mận và 3.000 m2 ruộng lúa. Được Huyện đoàn tư vấn, hỗ trợ, cuối năm 2023, gia đình tôi đã vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để chăm sóc vườn mận và đầu tư giàn, chuyển đổi 1.500 m2 lúa ruộng sang trồng bí xanh, sản lượng đạt 13 tấn quả, bán giá trung bình từ 12-14.000 đồng/kg, trừ chi phí thu 150 triệu đồng. Trồng bí xanh đem lại thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng lúa.

Đến thăm mô hình 2 ha mận hậu của gia đình anh Bùi Văn Vinh, bản Kim Sơn 2, xã Yên Sơn. Thời điểm này anh đang tập trung chăm sóc cây mận sau thu hoạch. Anh Vinh tâm sự: Sau khi tham quan một số mô hình trồng mận và tự tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc mận qua sách, báo, internet, năm 2021, tôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc mận hậu chín sớm. Mận chín sớm thường thu hoạch quả vào tháng 2, do trái vụ nên bán được giá. Vụ mận hậu năm nay, gia đình tôi thu được 13 tấn quả, trừ chi phí thu trên 300 triệu đồng. Gia đình tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên tại địa phương.

Thực hiện hiệu quả sự hỗ trợ của các cơ sở đoàn cho ĐVTN, thời gian tới, Huyện đoàn Yên Châu tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, như tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao... tạo thuận lợi cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy sức trẻ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bài, ảnh: Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới