Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Thuận Châu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp

Phát huy tiềm năng, lợi thế về khí hậu và đất đai, huyện Thuận Châu tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây ăn quả. Nhiều mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nhân rộng tại các xã, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Giọng nữ
Gian hàng trưng bày thanh long tại Tuần văn hóa, thể thao và du lịch vùng cao huyện Thuận Châu.

Hiệu quả cây ăn quả trên đất dốc

Năm 2015, huyện Thuận Châu có 4.254 ha cây ăn quả các loại nhưng năng suất thấp, chất lượng quả không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Các sản phẩm quả chưa có thương hiệu, nhãn hiệu và doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ nhỏ lẻ. Thực hiện Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, Ban Thường vụ Huyện ủy Thuận Châu đã ban hành các văn bản về triển khai trồng cây ăn quả trên đất dốc và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, phát triển cây ăn quả gắn với ứng dụng công nghệ cao chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, phát triển du lịch.

Đồng chí Thào A Súa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, cho biết: Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công rõ nhiệm vụ, gắn với trách nhiệm của tập thể và người đứng đầu để thực hiện hiệu quả. Chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ tư vấn; tổ thẩm định các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Phối hợp tổ chức các đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm về phát triển cây ăn quả tại các huyện trong tỉnh, như: Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Bắc Yên, thành phố Sơn La. Tham gia đoàn công tác của tỉnh học tập kinh nghiệm tại các tỉnh: Tây Ninh, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế.

Nông dân xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu kiểm tra diện tích thanh long ruột đỏ.

Thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, từ 8 ha cây ăn quả năm 2015, đến nay, xã Chiềng Pha phát triển lên 130 ha cây ăn quả các loại. Ông Cà Văn Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã, thông tin: Xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, các đơn vị cung cấp cây giống, tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân. Chỉ đạo cán bộ khuyến nông về các bản hướng dẫn các hộ dân phương pháp trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Đến nay, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả và được nhân rộng. Kinh tế phát triển năm 2023, xã về đích nông thôn mới; năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm chỉ còn 5,67%

Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gia đình ông Bùi Văn Chung, bản Hưng Nhân, xã Chiềng Pha được hỗ trợ 100 triệu đồng triển khai mô hình trồng thanh long ruột đỏ, quy mô 1,2 ha. Gia đình ông đầu tư thêm hơn 400 triệu đồng cải tạo đất và xây dựng hệ thống tưới ẩm tiết kiệm nước. Đến nay, gia đình có 1.500 trụ thanh long và 6.000 m2 trồng cây cam, bưởi; năm 2024 thu về gần 500 triệu đồng tiền bán các loại quả.

Ông Chung chia sẻ: Quá trình triển khai mô hình, được cán bộ khuyến nông giúp đỡ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng bệnh cho cây. Ngoài ra, tôi thường xuyên tìm hiểu trên sách, báo, internet, học hỏi một số mô hình trồng thanh long ở các huyện để áp dụng vào sản xuất. Tôi mong muốn, các cơ quan chức năng hỗ trợ liên kết đầu ra ổn định cho sản phẩm để gia đình yên tâm đầu tư phát triển.

Nông dân xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu kiểm tra diện tích cây ăn quả.

Năm 2019, gần 2 ha cây chè bị chết do sương muối nên gia đình ông Nguyễn Bá Vụ, bản Đông Quan, xã Phổng Lái chuyển đổi sang trồng mận hậu và bưởi.  Ông Vụ cho hay: Để cây sinh trưởng và phát triển, sau mỗi vụ thu hoạch, tôi đều chú trọng tỉa cành, tạo tán cho cây ăn quả; đầu tư phân bón, thường xuyên kiểm tra phát hiện sinh vật gây hại để phòng trừ. Từ vườn cây ăn quả, mỗi năm gia đình thu về trên 200 triệu đồng.

Việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã mang lại hiệu quả kinh tế, môi trường. Sản xuất cây ăn quả cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/ha/năm; những diện tích được đầu tư thâm canh cao, sử dụng giống mới có thể thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Việc phát triển cây ăn quả còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, tạo cảnh quan gắn với du lịch sinh thái.

Xây dựng vùng sản xuất chuyên canh 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững, ngày 4/3/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thuận Châu đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu thu hoạch quả vú sữa. Ảnh PV

Ông Hà Trung Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, thông tin: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, huyện khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo mỗi xã lựa chọn ưu tiên phát triển một số loại nông sản chủ lực và nhóm nông sản mà địa phương có lợi thế để tạo ra vùng nông sản tập trung, quy mô hàng hóa lớn.

Đồng hành cùng người dân, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án, như: Di dân tái định cư thủy điện Sơn La; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn; chính sách phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho nhà máy chế biến… để cải tạo, trồng mới diện tích cây ăn quả chất lượng cao.

Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo lợi thế vùng: Vùng thấp phát triển các loại cây ăn quả nhiệt đới, như: Xoài, nhãn, chuối, bưởi; vùng cao phát triển một số loại cây, như: mận, sơn tra. Đến tháng 3/2025, toàn huyện có 6.333 ha cây ăn quả, trong đó có 2.432 ha cây sơn tra; 3.911 ha cây ăn quả, tăng 48% so với năm 2015, sản lượng quả các loại gần 12.000 tấn.

Nông dân xã Liệp Tè, huyện Thuận Châu chăm sóc xoài.

Toàn huyện có hơn 3.500 ha cây ăn quả được trồng bằng các giống chất lượng cao. Hình thành 11 chuỗi sản xuất giá trị gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, gồm xoài, cam, bơ, thanh long ruột đỏ, rau quả trái vụ. Có 25 cơ sở trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với trên 400 ha; có 7 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; 10 mã số vùng trồng cây ăn quả các loại, trong đó, 2 mã vùng trồng cây xoài, với 17 ha đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản... Giai đoạn 2021-2024, toàn huyện xuất khẩu hơn 200 tấn quả xoài và 405 tấn quả chuối sang thị trường Trung Quốc, 71 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga và thị trường các nước. 

Tăng cường liên kết, huyện tư vấn, hướng dẫn thành lập các HTX hoạt động lĩnh vực trồng cây ăn quả; tổ chức tập huấn, hướng dẫn trồng và chăm sóc cây ăn quả. Dự báo thị trường để chủ động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”. Định kỳ tổ chức gặp mặt HTX, hộ sản xuất kinh doanh giỏi để nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho HTX trong quá trình hoạt động. 

Thành viên HTX sơn tra Nặm Búa, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu trao đổi kỹ thuật chăm sóc cây sơn tra.

Anh Thào A Hồng, bản Nặm Búa, xã Long Hẹ đã liên kết với 121 hộ thành lập HTX sơn tra Nặm Búa, quy mô sản xuất hơn 200 ha cây sơn tra. Anh Thào A Hồng, Giám đốc HTX, chia sẻ: Vụ sơn tra năm 2024, HTX đã bán hơn 100 tấn quả tươi và chế biến 30 tấn quả tươi thành sơn tra khô. Từ trồng sơn tra, nhiều thành viên có thu nhập từ 50 -100 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX đang kết nối với doanh nghiệp trong và ngoài huyện tìm hướng sơ chế, sản xuất quả sơn tra thành các sản phẩm, như trà sơn tra, nước uống từ sơn tra, sơn tra sấy khô…  

Khơi dậy tiềm năng đất đai, huyện Thuận Châu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất gắn với mở rộng và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Với các giải pháp đồng bộ, địa phương phấn đấu thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo, xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới. 

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thương lái vào tận vườn thu mua quả

    Thương lái vào tận vườn thu mua quả

    Kinh tế -
    Với trên 1.600 ha cây ăn quả các loại, sản lượng đạt hơn 20.000 tấn/năm, xã Chiềng Mung là một trong những địa phương có sản lượng cây ăn quả lớn của tỉnh. Thời điểm này, nông dân trong xã đang tập trung chăm sóc nhãn, thanh long, đảm bảo năng suất, chất lượng mùa vụ.
  • 'Linh hoạt, sáng tạo vận hành chính quyền 2 cấp

    Linh hoạt, sáng tạo vận hành chính quyền 2 cấp

    Thời sự - Chính trị -
    Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, quá trình triển khai mô hình chính quyền 2 cấp bước đầu sẽ có một số khó khăn, vướng mắc nhưng các địa phương cần tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính và chuyển đổi số, đẩy mạnh kết nối dữ liệu, bảo đảm người dân có thể tiếp cận dịch vụ công nhanh chóng, minh bạch, thuận lợi.
  • 'Tập huấn “Tiếp cận thị trường và marketing sản phẩm nông nghiệp”

    Tập huấn “Tiếp cận thị trường và marketing sản phẩm nông nghiệp”

    Nông nghiệp -
    Trong 3 ngày (14-16/7), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị tập huấn “Tiếp cận thị trường và marketing sản phẩm nông nghiệp” cho cán bộ khuyến nông tỉnh, cán bộ kỹ thuật Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực trên địa bàn tỉnh; thành viên HTX và nông dân xã Mường Bú, xã Mai Sơn.
  • 'Những giá trị lịch sử mãi trường tồn

    Những giá trị lịch sử mãi trường tồn

    Thời sự - Chính trị -
    Đảng và Nhà nước ta đang triển khai nhiều hoạt động chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Với dã tâm chống phá Việt Nam, trên nền tảng mạng xã hội, các thế lực thù địch đang tăng cường lan truyền các bài viết, thông tin xuyên tạc sự kiện lịch sử này với nhiều chiêu thức tinh vi.
  • 'Chăm lo cho đoàn viên, người lao động

    Chăm lo cho đoàn viên, người lao động

    Xã hội -
    Sau sắp xếp tổ chức theo mô hình mới, Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý 184 công đoàn cơ sở, gồm 45 đơn vị khối sự nghiệp và 139 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã, nghiệp đoàn, với 12.486 đoàn viên, người lao động. Hướng về cơ sở, lấy người lao động làm trung tâm, đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, phát huy vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên.
  • 'Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

    Quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

    Văn hóa - Xã hội -
    Toàn tỉnh hiện có 4 tôn giáo chính: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cơ đốc giáo, với 37.485 tín đồ. Có 5 tổ chức tôn giáo được chấp thuận thành lập và 40 điểm nhóm đạo được cấp phép sinh hoạt tập trung. Chú trọng quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện để đồng bào tôn giáo thực hành tín ngưỡng theo pháp luật, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
  • 'Ánh điện thắp sáng bản làng biên giới

    Ánh điện thắp sáng bản làng biên giới

    Nông thôn mới -
    Với sự hỗ trợ của Nhà nước, chung tay góp sức của các doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm và đóng góp của nhân dân, những tuyến đường liên bản, nội bản, ngõ, xóm ở xã biên giới Chiềng Sơn được thắp sáng ánh điện khi màn đêm buông xuống, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn, đảm bảo an ninh trật tự.
  • 'Nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực

    Nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực

    Nông thôn mới -
    Đoàn xã Phiêng Pằn thành lập trên cơ sở sáp nhập các đoàn xã Phiêng Pằn, Nà Ớt, Chiềng Lương, có 743 đoàn viên, sinh hoạt tại 53 chi đoàn. Với tinh thần xung kích, tình nguyện và trách nhiệm vì cộng đồng, các đoàn viên thanh niên đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.