Gần đây, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xuất hiện ở 4 xã của huyện Vân Hồ, gồm: Liên Hòa, Song Khủa, Xuân Nha và Lóng Luông. Huyện Vân Hồ đã chỉ đạo tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, khống chế, ngăn chặn không để lây lan ra diện rộng.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vân Hồ, cho biết: Trung tâm đã phối hợp với các xã tổ chức khoanh vùng dịch; vận động các hộ chăn nuôi thực hiện tiêu hủy gia súc mắc bệnh theo đúng quy định, không giết mổ, bán gia súc mắc bệnh. Trung tâm cấp cho 4 xã 502 lít hóa chất phun tiêu độc, khử trùng vùng dịch, hỗ trợ các hộ điều trị trâu bò mắc bệnh. Trong tổng số 38 con bị mắc bệnh, có 8 con bị chết và phải tiêu hủy, với trọng lượng 875 kg; 24 con bò đã khỏi triệu chứng, còn 6 con đang tiếp tục theo dõi.
Tại xã Lóng Luông, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 3 bản với 12 con bò mắc bệnh của 10 hộ. Anh Giàng A Váng, bản Co Lóng, xã Lóng Luông, nói: Gia đình tôi có 8 con bò, phát hiện 1 con có triệu chứng bỏ ăn, sốt và nổi cục trên da, tôi đã báo với chính quyền và được cán bộ thú y hướng dẫn mua thuốc về điều trị, cách ly con bò bị mắc bệnh, phun thuốc khử trùng chuồng trại, tiêm vắc xin phòng bệnh cho những con còn lại. Do kịp thời phát hiện, bò nhà tôi đã được điều trị khỏi bệnh.
Xã Song Khủa, huyện Vân Hồ, có trên 3.600 con trâu, bò. UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Ông Mùi Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Bệnh viêm da nổi cục xuất hiện từ tháng 8 tại bản Song Hưng với 4 con bò bị mắc bệnh, trong đó có 1 con bị chết đã được tiêu hủy. Xã đã kịp thời chỉ đạo cách ly trâu, bò mắc bệnh; khử trùng chuồng trại, vận động bà con tiêm vắc xin cho đàn gia súc. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại xã đã được kiểm soát, số bò mắc bệnh đã khỏi.
Bệnh viêm da nổi cục được xác định lây truyền chủ yếu qua các loại côn trùng đốt, như: Muỗi, ve, mòng,... bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch; thời gian ủ bệnh trung bình 4-14 ngày, bệnh rất dễ lây lan. Huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã theo dõi tình hình đàn trâu, bò; khi phát hiện trâu, bò có dấu hiệu bất thường và nghi mắc bệnh viêm da nổi cục thì báo ngay cho cơ quan chuyên môn để kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.
Tuyên truyền cho nhân dân về diễn biến, nguy hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò. thực hiện nghiêm nguyên tắc 5 không (không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển; không giết mổ, tiêu thụ; không vứt ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi). Đồng thời, vận động bà con tiêm phòng vắc xin từ sớm, vệ sinh chuồng trại thường xuyên.
Toàn huyện Vân Hồ có trên 40.200 con trâu, bò. Từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai tiêm trên 43.300 liều vắc xin lở mồm long móng, ung khí thán, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục... cho đàn trâu, bò. Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, chính quyền các xã và sự phối hợp của các hộ chăn nuôi, đến nay tình hình bệnh viêm da nổi cục ở Vân Hồ đã được kiểm soát.
Tại xã Liên Hòa và Xuân Nha đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới và đã công bố hết dịch; xã Song Khủa qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới, chờ quyết định công bố hết dịch; chỉ còn xã Lóng Luông đang trong tình trạng theo dõi, vì chưa qua thời gian sau 21 ngày.
Tuy nhiên, người dân vẫn còn tâm lý chủ quan, thả rông trâu bò, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục đạt thấp, mới đạt 1,74%. Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi cần chủ động làm tốt công tác phòng dịch, nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ cho đàn trâu bò, bảo vệ tài sản của gia đình và các hộ xung quanh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!