Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 59/CĐ-TTg tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.

Trái cây Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu.
Trái cây Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu.

Công điện nêu rõ, những năm qua, sản xuất nông lâm thủy sản, nhất là lương thực nước ta luôn ổn định, duy trì được đà tăng trưởng khá, năm sau cao hơn năm trước, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD (là mức cao kỷ lục).

Thời gian gần đây, đặc biệt trong thời gian tới tình hình thương mại toàn cầu có thể sẽ có biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung và sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để sản xuất theo hướng bền vững.

Để chủ động ứng phó với các tác động từ bất ổn thương mại, bảo đảm ổn định sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công thương, Tài chính, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát tình hình, diễn biến thương mại toàn cầu, chủ động chỉ đạo, triển khai kịp thời, linh hoạt các giải pháp phù hợp, hiệu quả để chủ động ứng phó với những thách thức do bất ổn thương mại; cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản chủ động có các giải pháp chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách nhập khẩu, chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu nhằm ổn định sản xuất, xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường: tiếp tục tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm để bảo đảm nguồn cung đáp ứng đầy đủ nhu cầu trong nước, đồng thời phục vụ xuất khẩu, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Chủ động phối hợp các bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp phù hợp để bảo đảm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Tập trung chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, bền vững, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Phối hợp các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng thị trường để chủ động thích ứng linh hoạt với biến động, nhu cầu mới của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa chặt chẽ, tránh gian lận thương mại, nhất là đối với các ngành hàng có nguy cơ lẩn tránh nguồn gốc xuất xứ cao.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung nghiên cứu, đưa vào sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên nghiên cứu ứng dụng công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ bảo quản, chế biến sâu, nhất là đối với những mặt hàng có giá trị cao (như tôm, cá tra, trái cây tươi) để chuyển từ xuất khẩu thô sang các sản phẩm tinh chế, đồ hộp phục vụ xuất khẩu và thị trường trong nước, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp. Phối hợp Bộ Tài chính và cơ quan có liên quan chủ động nghiên cứu phương án hỗ trợ thu mua tạm trữ đối với một số mặt hàng có nguy cơ rớt giá tại thời điểm thu hoạch rộ, nhất là lúa gạo, cà-phê, hồ tiêu, hạn chế ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân.

Bộ trưởng Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao chỉ đạo tăng cường xúc tiến thương mại, đàm phán với các nước có thị trường tiềm năng để tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các bạn hàng lớn, có các hiệp định FTA với Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, đồng thời triển khai các chương trình kết nối, tổ chức các tuần lễ nông sản, hội chợ hàng Việt để khai thác tiềm năng thị trường trong nước và các thị trường bên ngoài; chủ động có các biện pháp phòng vệ phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục thông quan xuất, nhập khẩu, rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, triển khai các chính sách giãn, hoàn thuế, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật để góp phần giảm chi phí tuân thủ, nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản trong nước; chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế phù hợp, nhất là đối với hàng hóa nông lâm thủy sản chịu tác động do bất ổn thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới thay thế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo duy trì và nghiên cứu mở rộng gói tín dụng ưu đãi đối với ngành nông, lâm, thủy sản; tiếp tục cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo điều kiện bảo đảm công ăn việc làm, sinh kế, thu nhập và đời sống cho người lao động.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các giải pháp bảo đảm sản xuất và tiêu thụ nông lâm thủy sản trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương tăng cường kiểm tra, phòng, chống gian lận, đội lốt xuất xứ hàng hóa, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng; quản lý chặt chẽ việc sử dụng chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, khắc phục tình trạng sử dụng hóa chất có hại đối với sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng hàng nông sản Việt Nam; xử lý nghiêm các trường hợp gian lận xuất xứ, lợi dụng ép giá, thông tin nhiễu loạn, thao túng gây mất ổn định thị trường; chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh an toàn, vệ sinh môi trường, lương thực, thực phẩm tại địa phương mình.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông lâm thủy sản theo dõi sát thông tin diễn biến thương mại toàn cầu, nhất là chính sách thuế quan của một số thị trường truyền thống để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, kinh doanh nhằm chủ động thích ứng linh hoạt, hiệu quả với biến động của thị trường; đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, hệ thống kho lạnh, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu, bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu; thường xuyên nắm bắt chủ trương nhập khẩu nông sản của các nước, tránh để bị động, bất ngờ trước các biến động chính sách của quốc gia nhập khẩu; tăng cường mua dự trữ nông sản, thủy sản, nhất là trong thời điểm thu hoạch rộ để hỗ trợ tiêu thụ cho người dân và phục vụ chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • '“Lá chắn” bảo vệ thương hiệu sản phẩm

    “Lá chắn” bảo vệ thương hiệu sản phẩm

    Kinh tế -
    Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng và đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm công nghiệp nông thôn, không chỉ nâng cao giá trị hàng hóa mà còn là “lá chắn” bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp trước nguy cơ xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tại tỉnh Sơn La, các đề án hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế hàng Việt trên thị trường trong và ngoài nước.
  • 'Vai trò người có uy tín nơi biên giới

    Vai trò người có uy tín nơi biên giới

    Gương sáng bản làng -
    Bằng uy tín và trách nhiệm, ông Tráng Vạ Đế, người có uy tín của bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập luôn cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.
  • 'Bắt nhịp nhanh vận hành mô hình mới

    Bắt nhịp nhanh vận hành mô hình mới

    Xã hội -
    Ghi nhận những ngày đầu tiên vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp ở phường Mộc Sơn, không khí làm việc diễn ra khẩn trương, nghiêm túc; đội ngũ cán bộ, công chức tích cực bắt nhịp công việc, được nhân dân đánh giá cao về tinh thần phục vụ chu đáo, tận tình.
  • 'Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

    Hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

    Kinh tế -
    Hiện nay, toàn tỉnh có 170.845 hội viên nông dân, sinh hoạt tại 2.191 chi hội. Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, Hội Nông dân tỉnh (nay là Ban Công tác nông dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) tập trung hỗ trợ kỹ thuật, giống cây, vật nuôi, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, là cầu nối tin cậy, giúp hội viên chuyển đổi sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững.
  • 'Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú

    Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú

    Du lịch -
    Với sự phát triển của ngành du lịch, hệ thống các dịch vụ lưu trú trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng về quy mô; đa dạng về loại hình phù hợp với đặc thù, tiềm năng của từng địa phương; chất lượng ngày một nâng cao, tạo ấn tượng tích cực và thu hút du khách.
  • 'Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh

    Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh

    Sức khỏe -
    Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh luôn chủ động phòng, chống, giám sát và kiểm soát chặt chẽ, không để lây lan dịch bệnh trên địa bàn; chú trọng tiêm chủng mở rộng... góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
  • 'Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

    Phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở

    Xây dựng Đảng -
    Với vai trò là hạt nhân chính trị ở cơ sở, đội ngũ bí thư chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động; đoàn kết, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
  • 'Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc dự thảo các văn kiện của Đảng về các thành phần kinh tế

    Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc dự thảo các văn kiện của Đảng về các thành phần kinh tế

    Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá, xuyên tạc về dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Trong đó, chúng hướng mũi nhọn tấn công vào vấn đề các thành phần kinh tế. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần phải nhận diện đúng và xác định được nội dung biện pháp đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc nói trên.