Sông Mã chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cung ứng nguồn nhân lực có tay nghề, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, Sông Mã tập trung thực hiện tốt Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

 

Nông dân xã Chiềng Khương (Sông Mã) áp dụng phương pháp lai ghép xoài.

 

Huyện thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến các xã, thị trấn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành thành viên; ban hành các quyết định về chỉ tiêu, kinh phí dạy nghề; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lực lượng lao động nông thôn; chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và giáo dục thường xuyên khảo sát, bổ sung danh mục nghề đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động địa phương. Cùng với đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hội Nông dân tuyên truyền, tư vấn dạy nghề cho hội viên tại các xã, thị trấn; các cấp hội, đoàn thể tuyên truyền công tác đào tạo nghề thông qua tài liệu sinh hoạt của hội, các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng cán bộ cơ sở, các buổi sinh hoạt của các cấp hội tập trung vào các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Trao đổi về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ông Vi Việt Cường, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Hàng năm, nhu cầu việc làm trên địa bàn huyện rất lớn, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại là phi nông nghiệp. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã mở 29 lớp đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho 1.040 lao động, chủ yếu về kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; kỹ thuật trồng gừng, nghệ, nấm sò; kỹ thuật nề xây dựng; tin học văn phòng... Tổng kinh phí thực hiện là trên 3 tỷ đồng. Phương pháp đào tạo chủ yếu là lý thuyết kết hợp thực hành (thực hành chiếm 70% thời lượng của chương trình) theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”, để các khóa đào tạo, học viên áp dụng hiệu quả vào thực tế. Đáng mừng là số người có việc làm sau đào tạo nghề đạt 89%.

Cùng với đào tạo nghề, huyện Sông Mã còn tổ chức các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động sau đào tạo như lồng ghép vào chương trình tập huấn nông thôn mới tại 18 xã, cho 677 người (150 là cán bộ chủ chốt của các hội, đoàn thể); các học viên sau học nghề xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình như: Chăn nuôi dê, cải tạo vườn tạp của Hội Nông dân, chăn nuôi bò của Đoàn thanh niên, chăn nuôi gia cầm của Hội LHPN huyện; thực hiện quỹ cho vay giải quyết việc làm với lãi suất thấp, thủ tục nhanh, gọn; hộ gia đình vay vốn theo quy định, không phải thế chấp tài sản... giúp các hộ có điều kiện phát triển kinh tế và có việc làm ổn định.

Trong thời gian tới, huyện Sông Mã tiếp tục tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn, thực hiện mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm tại chỗ phù hợp với điều kiện, phong tục tập quán ở từng địa bàn; huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cho dạy nghề, cả về xây dựng cơ bản, trang thiết bị dạy nghề, nguồn kinh phí hỗ trợ cho người học nghề; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn, hội cơ sở; phối hợp xây dựng kế hoạch dạy nghề cụ thể, chi tiết theo từng lĩnh vực nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp, gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động; liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài huyện để tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm thu nhập ổn định sau khi học nghề.

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới