Nậm Lạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững

Nậm Lạnh là xã vùng III, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, những năm qua, Đảng bộ xã Nậm Lạnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, góp phần làm cho đời sống người dân từng bước đi lên.

 

Mô hình nuôi cá của nhân dân bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh (Sốp Cộp).

Đồng chí Giàng A Sệnh, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Nhằm giảm số hộ nghèo trên địa bàn, những năm qua, xã luôn ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, như thiếu nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đặc biệt khó khăn.

Năm 2011, mức bình quân lương thực là 250kg/người/năm, đến nay đã tăng lên 393kg/người/năm. Có được kết quả trên, phải kể đến Chương trình 135, Nghị quyết 30a như chiếc đòn bẩy giúp cho người dân nơi đây có điều kiện xây dựng cuộc sống. Với 14 bản, 2 điểm dân cư có trên 3.700 nhân khẩu, Nậm Lạnh đã được hỗ trợ giống, tư liệu sản xuất, hướng dẫn khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, mang đến những đổi thay từ suy nghĩ đến cách làm. Dù năng suất lúa chưa cao bằng các vùng miền khác, nhưng các gia đình đã có đủ gạo ăn quanh năm. Đến Nậm Lạnh mùa này, sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa chiêm xuân đang chuyển màu vàng chuẩn bị cho thu hoạch, hiện nay năng suất lúa của xã đạt 5,6 tấn/ha; lúa nương trên 270 ha; diện tích đất trồng sắn trên 270 ha. Là xã nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây ăn quả của huyện, những năm qua, xã đã trồng mới 24 ha cây ăn quả, nâng tổng diện tích trồng cây ăn quả của xã lên 89ha, chủ yếu là cây cam, quýt; diện tích ao cá trên 24 ha... Ngoài trồng trọt, chăn nuôi cũng được bà con quan tâm, từ thói quen thả rông gia súc, gia cầm, nay bà con đã làm chuồng trại nuôi nhốt, liên kết tổ nhóm để phát triển chăn nuôi, toàn xã hiện có trên 4.000 con gia súc, đàn gia cầm trên 14.900 con.

Minh chứng cho sự chuyển mình của đời sống người dân trên địa bàn xã, Bí thư xã Nậm Lạnh giới thiệu cho chúng tôi đến gia đình ông Tòng Văn Phìn, ở bản Púng Tòng. Cách đây gần 10 năm, gia đình ông Phìn là một trong những hộ nghèo của xã, gạo không đủ ăn. Sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Chương trình 30a, gia đình ông tham gia mô hình chăn nuôi dê và được hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn quả. Đến nay, gia đình ông đã có hơn 2 ha cam, quýt, đàn dê thì ngày càng phát triển. Nghỉ tay tỉa cành cho những cây quýt, ông Phìn tâm sự: Với mô hình kinh tế kết hợp, gia đình tôi hiện trồng 2 ha cam, quýt, chăn nuôi dê, đào 3.000 m2 ao thả cá... trung bình mỗi năm gia đình tôi thu khoảng 200 triệu đồng. Ghi nhận sự vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng, năm 2016, ông Phìn đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã Nậm Lạnh đạt nhiều kết quả, làm thay đổi diện mạo nông thôn. Tuyến đường bản Mới, xã Nậm Lạnh vừa được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp người dân đi lại thuận tiện. Trưởng bàn Lò Văn Loan phấn khởi nói: Ðường nội bản của chúng tôi dài gần 2km, được khởi công năm 2017, hoàn thành đưa vào sử dụng đầu năm 2018 khiến 68 hộ trong bản ai cũng phấn khởi. Thực hiện chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chúng tôi hiến đất, góp ngày công, Nhà nước hỗ trợ vốn. Giờ đây, khi trời mưa gió, con đường từ bản ra trung tâm xã đối với chúng tôi không còn đáng sợ nữa.

Bí thư Đảng ủy xã Giàng A Sệnh cho biết thêm: Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức như: Thiên tai, dịch bệnh... nhưng Đảng bộ, chính quyền, mặt trận các đoàn thể và nhân dân các dân tộc trong xã đoàn kết, phấn đấu vượt khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người đạt 15 triệu đồng/người/năm; 80% hộ gia đình được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bản, cơ quan, trường học đạt và cơ bản đạt tiêu chuẩn “4 không” về ma túy đạt 85%...; hệ thống điện lưới quốc gia đã về hầu hết các bản; 98% số trẻ em đến tuổi đi học đều được đến trường; Trạm y tế được xây dựng, đáp ứng công tác khám, chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ, hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT được duy trì thường xuyên...

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới