27 năm xây nền an sinh

Ngày16/2 vừa qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chính thức bước sang “tuổi” 28. Dù đã được đặt nền móng ngay sau khi nước nhà giành được độc lập, nhưng phải đến năm 1995, khi hệ thống chính sách được cải cách đồng bộ, và hình thành hệ thống cơ quan Bảo hiểm xã hội thì việc triển khai chính sách bảo hiểm xã hội mới có điều kiện cần và đủ để tạo được bước chuyển quan trọng.

Lao động tại Công ty TNHH Toto Việt Nam (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Duy Linh

Nhiều người đã gọi việc cải cách chính sách và thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cách nay 27 năm là “nhát cắt” cơ bản. Bởi trong giai đoạn trước, chính sách này chỉ áp dụng cho cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu vực Nhà nước và lực lượng vũ trang; Quỹ Bảo hiểm xã hội chủ yếu do ngân sách nhà nước bảo đảm; các chế độ được thực hiện phân tán bởi tổ chức Bảo hiểm xã hội thuộc hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động Việt Nam. Kể từ năm 1995, “nhát cắt” này đã giúp các lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế được tiếp cận với chính sách bảo hiểm xã hội.

Việc hình thành Quỹ Bảo hiểm xã hội độc lập không chỉ nâng cao trách nhiệm thực hiện chính sách của cả người sử dụng lao động và người lao động thông qua việc đóng góp vào Quỹ mà còn giảm dần gánh nặng bao cấp cho ngân sách. Việc tổ chức hệ thống Bảo hiểm xã hội cũng tạo điều kiện cho các hoạt động bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được thực hiện ngày càng hiệu quả, phù hợp đường lối đổi mới của đất nước và xu hướng chung của thế giới...

Nếu “soi chiếu” vào những mục tiêu đã đặt ra khi thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tiến trình cải cách, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, có thể thấy, trong 27 năm qua, công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã đạt nhiều thành quả rất quan trọng. Đáng nói nhất là, nếu như năm 1995 ngành Bảo hiểm xã hội mới quản lý 2,2 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội, thì đến cuối năm 2021, cả nước đã có hơn 16,54 triệu lao động tham gia, trong đó số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 1,45 triệu người, gấp gần 250 lần so năm 2008-năm đầu tiên chính sách này được triển khai. Về bảo hiểm y tế, nếu như năm 2003 (năm thực hiện sáp nhập Bảo hiểm y tế Việt Nam về Bảo hiểm xã hội Việt Nam), cả nước mới có 13 triệu người tham gia thì đến cuối năm 2021 đã tăng lên 88,83 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số.

Và tất nhiên, điều đáng nói hơn cả là song hành với mở rộng diện bao phủ, quyền lợi của ngày càng nhiều người dân cũng được bảo đảm. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm đã có khoảng 11,2 triệu lượt người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền hơn 212 nghìn tỷ đồng; trung bình mỗi năm có xấp xỉ 170 triệu lượt người được bảo đảm chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Riêng năm 2021, trong bối cảnh lao động, việc làm gặp nhiều khó khăn, đã có hơn 738 nghìn lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chưa kể gần 13 triệu lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP của Chính phủ.

Chỉ điểm qua những kết quả cơ bản đó, chúng ta đã thấy rõ những thành tựu mà hệ thống Bảo hiểm xã hội đạt được. Điều đó không chỉ khẳng định vai trò trụ cột của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống chính sách an sinh xã hội quốc gia, mà còn góp phần quan trọng củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước...

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới