Cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, núi rừng, nên các vật dụng hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái hầu hết được làm bằng nguyên liệu tự nhiên, tạo ra nhiều sản phẩm thủ công, như rổ, rá, mâm, ghế, ếp, đó, nơm... Trong đó, sản phẩm được làm kỳ công và dùng phổ biến nhất là chiếc ép khảu đựng xôi đan bằng tre. Đây là đồ dùng sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi gia đình và được dùng trong các dịp lễ, tết, các sự kiện quan trọng diễn ra trong năm.
Chiếc ép khảu được đồng bào Thái dùng để đựng các loại xôi.
Gọi là ép khảu, là do vật dụng thủ công này có hình tròn, gồm hai nửa úp vào nhau, nửa có độ rộng hơn là nắp, nửa còn lại là đáy. Ép khảu chủ yếu dùng để đựng xôi, cơm nếp cho đầy vào nửa đáy, sau đó đậy nắp và ép chặt xuống. Chiếc ép đựng được khá nhiều xôi và giữ được nhiệt lâu hơn, không bị hấp hơi, không bị ướt, để lâu vẫn dẻo mềm. Ngoài ra, đồng bào còn dùng ép khảu đựng đồ khô, trái cây, kim chỉ, hay dùng làm đồ trang trí trong nhà...
Để đan được một cái ép khảu bền, đẹp, ưng ý không đơn giản, đòi hỏi người đan khéo léo, tỉ mẩn trong từng công đoạn. Đầu tiên, chọn những cây tre không quá non cũng không quá già, gióng dài, thẳng để khi tạo thành những thanh nan đều, dẻo, dễ vót trơn. Trong quá trình đan, lưu ý về độ mỏng, trơn và đều giữa các thanh nan; vắt và se từng chiếc nan lại với nhau thật khít, không có lỗ hở thì ép khảu mới tròn, đều và kín. Phần thân ép khảu cũng được đan song song rồi luồn ghép lại thành một để tăng độ dày. Phần đáy ép được đan riêng, có một thanh tre nhỏ uốn tròn buộc chặt làm chân ép.
Tùy theo nhu cầu thực tế, mỗi chiếc ép khảu sẽ được người đan ước lượng cho phù hợp. Nhà đông người thường sẽ đan ép to, dùng nhiều cặp ép; nhà ít người sẽ dùng ép nhỏ. Một người đan thành thạo, mất khoảng một ngày rưỡi đến hai ngày để hoàn chỉnh một chiếc ép khảu. Sau khi đan xong không dùng ngay mà đem hong trên gác bếp để bồ hóng sơn một lớp sơn tự nhiên lên màu theo thời gian. Làm như vậy, ép khảu sẽ bóng, đẹp, không bị mọt. Hoặc cũng có thể đem ngâm qua nước sôi, rồi phơi nắng ít ngày, khi nào ép khảu không còn mùi nồng của tre là có thể sử dụng được.
Là người đan lát giỏi, ông Quàng Văn Lưu, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn vẫn duy trì đan ép khảu. Các sản phẩm ông đan đều bền đẹp, nên được các gia đình trong bản, trong xã và các xã lân cận đặt mua về dùng. Mỗi sản phẩm ép khảu các loại có giá từ 50-150 nghìn đồng, giúp ông có thêm thu nhập lúc nông nhàn và giữ nghề đan lát, bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào mình.
Để những người giỏi đan lát truyền thống như ông Quàng Văn Lưu thêm gắn bó với nghề, nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích các nghệ nhân, những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên tham gia truyền nghề, học nghề đan lát truyền thống. Đồng thời, tạo điều kiện để phát triển sản phẩm đan lát truyền thống trở thành hàng hóa, tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ để tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Đời sống phát triển, không riêng đồng bào dân tộc Thái, những ép khảu truyền thống vẫn được lưu giữ và ngày càng được sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt, bởi không chỉ là vật dụng đơn thuần, mà ép khảu còn chứa đựng nét văn hóa đậm đà bản sắc, là sự sáng tạo trong lao động sản xuất mà cha ông truyền lại cho đời sau.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!