Sáng 6/12, Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, tiếp tục chương trình làm việc, tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, dưới sự điều hành của các đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.
Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy; Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại biểu Quốc hội tỉnh; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh.
Điều hành phiên chất vấn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Chất vấn và trả lời chất vấn lại nội dung quan trọng tại kỳ họp được cử tri và nhân dân quan tâm. Qua các nội dung chất vấn, nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý, điều hành của cơ quan hành chính Nhà nước được kịp thời xem xét, giải quyết; nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra để tháo gỡ các tồn tại, bất cập trước mắt và các giải pháp có tính chiến lược, căn cơ, lâu dài.
Đồng chí đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng những nội dung, vấn đề chất vấn tại kỳ họp. Đối với các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh trả lời chất vấn, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trong tỉnh để làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Quàng Thị Việt, Tổ đại biểu huyện Mường La, nêu: Thẻ Căn cước công dân chứa nhiều thông tin của công dân, như: Ảnh chân dung, số thẻ, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ… Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân (Bưu điện, ngân hàng, dịch vụ, khách sạn…) khi công dân đến giao dịch, mua bán đều yêu cầu công dân phải xuất trình Căn cước công dân để chụp ảnh hoặc lưu giữ Căn cước công dân, dẫn đến một số thông tin của công dân đã bị một số đối tượng xấu khai thác để lừa đảo chiếm đoạt tiền, hoặc lấy hình ảnh của Căn cước công dân để tạo hợp đồng vay online các dịch vụ tín dụng…
Đề nghị đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề nêu trên như thế nào? Khi xảy ra thì cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề nêu trên?
Trả lời về nội dung này, Đại tá Đặng Trọng Cường, Giám đốc Công an tỉnh, thông tin: Thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin cá nhân của công dân có diễn biến phức tạp trên toàn quốc, với hình phương thức thủ đoạn khác nhau. Mặc dù Cơ quan công an đã điều tra, xử lý rất nhiều vụ mua bán trái phép tài khoản nhưng tình trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến.
Việc lộ lọt thông tin cá nhân của công dân có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, do đó, chúng ta chưa thể khẳng định là do các cơ quan, tổ chức (bưu điện, ngân hàng, công ty, khách sạn, ...) phát tán, cung cấp khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu công dân xuất trình và cung cấp ảnh chụp thẻ Căn cước công dân, căn cước. Cụ thể, thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên của các đối tượng thời gian qua là lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh thẻ căn cước trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân). Các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, căn cước chứng minh nhân dân, hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân. Một số trường hợp khác, vẫn có thể xảy ra lộ lọt thông tin cá nhân của công dân thông qua yếu tố kĩ thuật khi các cơ quan, tổ chức quản lý các hệ thống thông tin có thu thập, xử lý, lưu trữ dữ liệu cá nhân của người dùng nhưng không bảo đảm an toàn, an ninh mạng, dẫn đến bị tấn công, khai thác. Và đối với phương thức này, việc lộ lọt thông tin sẽ ở mức độ cao hơn, số lượng thông tin, dữ liệu lộ lọt nhiều hơn rất nhiều lần.
Trước thực trạng này, Công an tỉnh đề xuất một số giải pháp để tránh lộ lọt thông tin cá nhân của công dân, nhất là thông qua lộ lọt hình ảnh thẻ Căn cước công dân, căn cước gắn chíp, như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nhận thức trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời nhận thức rõ các nguy cơ, hậu quả và biện pháp phòng ngừa lộ lọt thông tin cá nhân nói chung, thông tin về căn cước nói riêng.
Đối với trách nhiệm của cơ quan Công an, sẽ quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc bộ phận chức năng tập trung rà soát, xác minh, chủ động phát hiện và tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến việc lộ lọt thông tin cá nhân, các vụ việc giả mạo, sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật để tập trung đấu tranh xác minh, đấu tranh xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tích cực nghiên cứu, nắm bắt phương thức, thủ đoạn hoạt động phạm tội liên quan đến dữ liệu cá nhân của công dân, báo cáo, đề xuất với Bộ Công an đề xuất cấp có thẩm quyền hoàn thiện khung pháp lý, có hình thức xử lý nghiêm, đủ sức răn đe đối với hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật về đánh cắp, sử dụng trái phép thông tin cá nhân của công dân.
Cùng với đó, đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thận trọng trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu cá nhân của công dân, có biện pháp bảo mật thông tin, tránh bị đánh cắp; nghiên cứu áp dụng phương thức xác thực thông tin công dân qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hạn chế việc lưu giữ hình ảnh giấy tờ cá nhân của công dân; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu đề xảy ra tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của công dân từ hệ thống quản lý của cơ quan, đơn vị mình.
Chất vấn lãnh đạo Sở Công Thương, đại biểu Hạng A Cheo, Tổ đại biểu huyện Bắc Yên, đặt câu hỏi: Theo Nghị quyết số 238/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu “Tỉ lệ hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt an toàn đến năm 2025” đạt tỷ lệ 99%. Ngày 25/8/2024, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 363/NQ-HĐND ngày 30/8/2024 về phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La, theo đó tổng mức đầu tư của dự án giữ nguyên nhưng có điều chỉnh bổ sung, giảm 15 bản và bổ sung 8 bản trên địa bàn một số huyện, thành phố.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Công Thương báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Tiểu dự án sau khi được HĐND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đến nay, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; qua đó làm rõ kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ gia đình được dùng điện sinh hoạt an toàn đến hết năm 2024; khả năng hoàn thành mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 và có giải pháp thực hiện trong năm 2025”?.
Trả lời về vấn đề đại biểu nêu, đồng chí Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La, thông tin: Giai đoạn 2021-2025 Sở Công Thương tham mưu phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Công ty Điện lực Sơn La lập Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Sơn La với tổng số hộ được đầu tư là 13.500 hộ; phát triển công tơ mới do ngành điện đầu tư khoảng 17.000 hộ; các dự án 3 chương trình mục tiêu (do huyện làm chủ đầu tư) cấp điện khoảng 8.500 hộ.
Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 363/NQ-HĐND ngày 30/8/2024, Sở Công Thương đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2024 phê duyệt điều chỉnh một số nội dung của Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La. Hiện tại, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp trên địa bàn các huyện Phù Yên, Bắc Yên với tổng số hộ được cấp điện là 1.945 hộ; hoàn thành gói thầu cấp điện tại huyện Sông Mã vào tháng 11/2024 (cấp điện cho 1.332 hộ); đang tổ chức nghiệm thu hoàn thành gói thầu tại huyện Sốp Cộp (cấp điện cho 538 hộ); đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các gói thầu khác tại các huyện Mộc Châu (cấp điện cho 429 hộ), Vân Hồ (cấp điện cho 503 hộ), thời gian hoàn thành tháng 1/2025.
Dự kiến đến hết năm 2024, Tiểu dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sơn La sẽ đóng điện cho 10.623/13.500 hộ, đạt 79% so với dự án đã được duyệt. Các dự án 3 chương trình mục tiêu (do huyện làm chủ đầu tư) cấp điện cho 5.433/8.500 hộ, đạt 64%. Phát triển công tơ mới do Công ty điện lực Sơn La đầu tư khoảng 12.000/17.000 hộ, đạt 70%. Việc triển khai có hiệu quả các dự án cấp điện trên địa bàn tỉnh đã nâng tỷ lệ số hộ dân được cấp điện lưới Quốc gia trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt 99,5%.
Dự kiến đến hết năm 2025, sau khi hoàn thành các dự án trên được đầu tư từ các nguồn vốn, tổng số hộ có điện khoảng 297.600/298.600 hộ, đạt tỷ lệ 99,6%; tổng số hộ sử dụng điện an toàn khoảng 296.600/298.600 hộ, đạt 99,3%, vượt kế hoạch đề ra.
Trong quá trình triển khai các dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc, về công tác giải phóng mặt bằng; một số nhóm hộ dân sinh sống riêng lẻ, cách xa các cụm dân cư nên việc đầu tư không khả thi. Nhiều địa bàn thuộc dự án địa hình rất khó khăn để thực hiện công tác khảo sát, thiết kế; vận chuyển, tập kết nguyên vật liệu và thi công xây dựng...
Để đạt được chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã quyết nghị về tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên địa bàn tỉnh đạt 99%. Sở Công Thương đưa ra một số giải pháp sau:
Giải pháp về vốn đầu tư, Sở Công Thương tiếp tục tham mưu UBND tỉnh làm việc Bộ Công Thương, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc để tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh. Trước mắt tập trung đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống lưới điện không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, các máy biến áp đang vận hành quá tải nhằm nâng cao chất lượng điện. Với số hộ còn lại chưa có điện, chưa có dự án đầu tư do nằm rải rác, ở xa lưới điện, suất đầu tư rất lớn, Sở Công Thương sẽ tiếp tục tham mưu huy động các nguồn lực để đầu tư cấp điện bằng các nguồn tại chỗ như điện mặt trời, điện gió, thủy điện mini… Đề nghị ngành điện cân đối nguồn lực, tiếp tục quan tâm đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia bằng nguồn vốn ngành điện đầu tư nâng cấp, cấp điện an toàn và đầu tư phát triển công tơ mới cho các hộ dân phát sinh tại các vùng đã được cấp điện. Tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các huyện quan tâm bố trí các nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn các huyện.
Giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cấp ủy, chính quyền xã, bản tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức vận động nhân dân thực hiện hiến đất, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn theo chỉ đạo của UBND tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà thầu triển khai các công trình đầu tư cấp điện trên địa bàn đáp ứng tiến độ của Dự án.
Giải pháp chống quá tải (nội dung này do Công ty điện lực Sơn La đang triển khai thực hiện) đầu tư nâng cấp hạ tầng, cải thiện và hiện đại hóa hệ thống điện; thực hiện xây dựng trạm biến áp mới chống quá tải cho các trạm biến áp hiện đang vận hành quá tải. Áp dụng các biện pháp quản lý tải, như: Cân pha, san tải để tránh quá tải lưới điện, đặc biệt trong giờ cao điểm. Tăng cường bảo trì đảm bảo các thiết bị và lưới điện được bảo trì thường xuyên. Sử dụng năng lượng tái tạo; tuyên truyền, giáo dục người dân về việc sử dụng điện tiết kiệm và an toàn. Xử lý nghiêm các hành vi trộm cắp, phá hoại tài sản điện.
Chất vấn tại kỳ họp, đại biểu Thào A Sinh, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu, nêu: Trong những năm gần đây, công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Tuy nhiên, do việc sáp nhập Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thành phố về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện dẫn đến khó khăn trong việc triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND tỉnh về chuyên ngành thú y, đề nghị đồng chí cho biết giải pháp để tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên?
Đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trả lời về nội dung này: Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 2515/QĐ-UBND ngày 28/9/2017 và Quyết định số 1880/QĐ-UBND ngày 02/8/2018 về việc thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở sáp nhập các trạm: Chăn nuôi và Thú y, Bảo vệ thực vật, Khuyến nông, Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản; nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thú y được giao về phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố.
Sau khi sáp nhập hệ thống thú y trên địa bàn tỉnh, cấp tỉnh có Chi cục chăn nuôi, thú y và thủy sản và 1 trạm kiểm dịch động vật Vân Hồ. Đối với cấp huyện, hiện nay, 12 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phòng Kinh tế - Hạ tầng thuộc UBND huyện, thành phố có 75 biên chế công chức, trong đó, có 9 công chức có chuyên môn chăn nuôi, thú y; có 7/12 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện không có cán bộ có chuyên môn chăn nuôi, thú y. Đối với cấp xã, hiện nay có 199/204 xã có nhân viên thú y xã, chiếm tỷ lệ 97,5%; còn 5 xã, phường, thị trấn chưa có nhân viên thú y.
Theo quy định khoản 1 Điều 6 của Luật Thú y thì hệ thống quản lý chuyên ngành thú y gồm có: Cục Thú y, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chi cục Thú y, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Trạm Thú y trực thuộc Chi cục đặt tại cấp huyện, thành phố. Thực tiễn, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc có 3 tỉnh (Phú Thọ, Hà Giang, Hòa Bình) có hệ thống thú y theo Luật Thú y, tỉnh Lào Cai đã tái thành lập lại Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện; các tỉnh còn lại sáp nhập trạm Chăn nuôi và Thú y thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp và khi thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thú y cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Sau khi sáp nhập, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã bao trùm mọi hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện (2018 - 2021) còn có những bất cập, đặc biệt là đối với hệ thống thú y: Thứ nhất, theo mô hình sáp nhập thì ngành thú y còn 2 cấp là Trung ương và cấp tỉnh, còn theo luật thú y cần có 4 cấp, từ Trung ương đến cấp xã, phường; do đó ảnh hưởng đến việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi thú y, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát giết mổ động vật, sơ chế, chế biến động vật... Nguyên nhân, sau khi Nghị quyết số 19-NQ/TU được ban hành thì Luật Thú y, các văn bản dưới luật chưa được sửa đổi, bổ sung, nên còn có sự chưa đồng bộ.
Thứ hai, hiện nay 12/12 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố chưa thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật sơ chế, chế biến động vật... do không có nhân lực và chuyên môn. Do vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản hợp đồng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố thực hiện việc kiểm soát giết mổ động vật.
Để khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp như sau: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chấp hành các quy định của Luật Thú y, quy định tại văn bản dưới luật về công tác chăn nuôi thú y nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành. Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố rà soát, sắp xếp, điều động cán bộ có chuyên ngành về chăn nuôi, thú y từ các đơn vị khác (cán bộ trạm thú y trước khi sáp nhập) đến công tác tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ quản lý Nhà nước về thú y. Tiếp tục tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác thú y, đặc biệt là đội ngũ nhân viên thú y xã, phường để thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về thú y trên địa bàn quản lý. Tham mưu cho UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương sửa đổi, bổ sung luật, các văn bản dưới luật cho đồng bộ với chủ trương của Trung ương. Trên cơ sở các kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục nghiên cứu các quy định hiện hành tham mưu xây dựng Đề án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản.
Đại biểu Tống Lan Hương, Tổ đại biểu thành phố Sơn La, chất vấn lãnh đạo Sở Y tế về nội dung: Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh có 1.155 bác sĩ, trong đó tuyến tỉnh có 363 bác sĩ (chiếm 31,4%), tuyến huyện có 607 bác sĩ (chiếm 52,6%); còn lại 185 bác sĩ (chiếm 16%) làm việc tại trạm y tế xã và có 33/204 trạm y tế xã không có bác sĩ làm việc, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đề nghị đồng chí cho biết, hiện nay số bác sĩ còn thiếu theo quy định tại Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 của Bộ Y tế là bao nhiêu? Trong đó tuyến cơ sở là bao nhiêu? Giải pháp trong thời gian tới để giải quyết những bất cập về thiếu hụt nhân lực y tế tuyến xã, nhất là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo nhân lực y tế để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân?
Trả lời nội dung này, đồng chí Trần Đắc Thắng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/2/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập, ngành y tế tỉnh còn thiếu (theo định mức tối thiểu và tối đa) từ 289 đến 416 bác sĩ. Trong đó, tuyến tỉnh thiếu từ 96 đến 148 bác sĩ; tuyến huyện thiếu từ 174-249 bác sĩ; tuyến xã thiếu tối thiểu khoảng 19 bác sĩ; có 33 trạm y tế xã không có bác sĩ…
Đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ ra một số nguyên nhân thiếu hụt nguồn nhân lực y tế do Sơn La là một tỉnh miền núi, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, việc phát triển nhân lực, hạ tầng kỹ thuật ngành Y tế còn hạn chế; công tác tuyển dụng, thu hút, khuyến khích bác sĩ về làm việc tại tuyến cơ sở, nhất là trạm y tế còn gặp khó khăn do số sinh viên là bác sĩ chính quy ra trường phần lớn không có nguyện vọng về công tác tại các trạm y tế. Hiện nay, nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế đang bị cắt giảm do thực hiện chính sách tinh giản biên chế, dẫn đến thiếu biên chế để tuyển dụng…
Giải quyết những bất cập về thiếu hụt nhân lực y tế tuyến xã, nhất là xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhằm đảm bảo nhân lực y tế để thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, với sự nỗ lực, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Trong đó cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu như: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích bác sĩ, dược sĩ về công tác tại tỉnh Sơn La theo Nghị quyết số 122/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung mức thu hút, khuyến khích để có các bác sĩ về công tác tại các trạm y tế xã và tuyến y tế cơ sở. Thực hiện đào tạo bác sĩ cử tuyển năm 2025 và các năm tiếp theo; tăng cường phối hợp với các trường đại học y, dược để có cơ chế hỗ trợ đặc biệt đào tạo bác sĩ cho tỉnh. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đặc biệt là trạm y tế xã, tạo điều kiện cho bác sĩ làm việc và phát triển chuyên môn.
Đảm bảo các chế độ đãi ngộ, tiền lương và các khoản phụ cấp phù hợp với mức độ công việc và điều kiện làm việc, cung cấp các phúc lợi hợp lý. Đặc biệt là ở các khu vực khó khăn cần chế độ đãi ngộ đặc biệt để thu hút và giữ chân cán bộ y tế. Tiếp tục khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập như thành lập các bệnh viện, phòng khám đa khoa, chuyên khoa và các cơ sở y tế khác. Từ đó tăng cường thu hút các bác sĩ về làm việc tại tỉnh. Thực hiện tăng cường luân phiên bác sĩ (theo Đề án 1816 của Bộ Y tế) từ tuyến huyện, tuyến tỉnh hỗ trợ cho các trạm y tế xã…
Phát biểu kết luận Phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Thái Hưng ghi nhận nội dung chất vấn tại kỳ họp của các vị đại biểu HĐND tỉnh đưa ra rất cụ thể, thiết thực và đều là các nội dung được dư luận xã hội quan tâm; câu hỏi rõ ràng, tập trung vào nội dung cần chất vấn. Đồng chí đánh giá các đồng chí trả lời chất vấn đã bám sát nội dung câu hỏi chất vấn, trả lời rõ nội dung được hỏi.
Ngay sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành Thông báo kết luận về phiên chất vấn; chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện; tiếp tục tổ chức chất vấn ở phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh (nếu xét thấy cần thiết) để hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh đạt chất lượng, hiệu quả. Yêu cầu các đồng chí đã trả lời chất vấn thực hiện ngay các giải pháp đã nêu tại kỳ họp; có báo cáo kết quả thực hiện gửi đến Thường trực HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh trước ngày 30/4/2025. Đại biểu HĐND tỉnh sẽ thực hiện tái chất vấn nếu xét thấy cần thiết. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, thành phố để có các giải pháp tập trung giải quyết tốt các nội dung đã trả lời.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!