Ngay sau khai mạc, các đại biểu đã nghe và thảo luận vào các báo cáo trình tại Kỳ họp.
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng chí Nguyễn Đình Việt, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực; dự ước có 25/28 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt trên 36.274 tỷ đồng, tăng 6,3% so với năm trước. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Dự kiến đến hết năm, toàn tỉnh có 88.688 ha cây công nghiệp, tăng 4,1% và 84.780 ha cây ăn quả và cây sơn tra, tăng 0,7% so với năm trước; sản lượng quả ước đạt 378.500 tấn; công nhận 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 308 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, thủy sản an toàn và 188 sản phẩm OCOP; 29 sản phẩm nông sản, thủy sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và 2 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ tại nước ngoài.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, ước tăng 19,3%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 35.800 tỷ đồng, tăng 14,3%; giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu ước đạt 198 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch có nhiều chuyển biến tích cực; tổng lượng khách đến tỉnh ước đạt 4,9 triệu lượt, tăng 7,5%; doanh thu ước đạt 5.800 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm trước.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.321 tỷ đồng; kịp thời rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm tiến độ để bổ sung cho các dự án khắc phục hậu quả thiên tai, dự án giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ nhưng còn thiếu vốn.
Đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh ổn định, tỷ lệ hộ nghèo ước hết năm 2024 còn 11,17%. Tỉnh thực hiện kịp thời công tác hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng cơn bão số 2, 3 và hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo được chú trọng, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 99,8%, tăng 0,12% so với năm trước; Thành phố Sơn La được ghi danh vào Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.
Công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị và đối ngoại được tăng cường. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào, tổ chức thành công Lễ khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, an ninh biên giới giữ vững, ổn định...
Năm 2025, UBND tỉnh đề ra các 11 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế xã hội, gồm: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng. Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát thể chế, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện; tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung nguồn lực, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Tập trung thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp, sáng tạo. Đầu tư phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Thúc đẩy phát triển liên kết vùng, thực hiện nghiêm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hoá và kinh tế đô thị. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tiếp tục phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi. Tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.
Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024, nhiệm vụ năm 2025 của Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Chá A Của, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá: Năm 2024, với tinh thần chủ động tích cực, Thường trực HĐND tỉnh luôn bám sát sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Đảng đoàn HĐND tỉnh, phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, tạo được sự thống nhất, đồng thuận giữa các đơn vị. Công tác chuẩn bị và tổ chức các Kỳ họp của HĐND tỉnh được thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng trình tự, thủ tục luật định. Nhiều nội dung quan trọng đã được HĐND tỉnh thảo luận, thông qua nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương.
Công tác giám sát được quan tâm, chú trọng và mang lại hiệu quả rõ rệt, nội dung các cuộc giám sát chú trọng đến các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong nhân dân. Trong năm, HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh đối với 4 thành viên UBND tỉnh về 4 nội dung. Tại Kỳ họp thứ 10 của HĐND tỉnh, dự kiến chất vấn đối với 4 thành viên UBND tỉnh về 4 nội dung. Thường trực HĐND tỉnh và các ban HĐND tỉnh đã thực hiện 8 nội dung giám sát, khảo sát chuyên đề. Qua đó, đã đề nghị 104 ý kiến, kiến nghị đến các ngành, các cấp thẩm quyền để có biện pháp chỉ đạo kịp thời, thúc đẩy việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết HĐND, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh thường xuyên giữ mối quan hệ chặt chẽ với các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND trong hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, hoạt động giám sát, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Trong năm, đã tổ chức 53 cuộc tiếp xúc cử tri với 2.564 cử tri tham gia. Qua các hội nghị tiếp xúc cử tri đã ghi nhận 76 kiến nghị gửi đến Thường trực HĐND tỉnh, chuyển các cấp, các ngành xem xét, giải quyết; Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo rà soát, tổng hợp chuyển UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết 62 kiến nghị.
Năm 2025, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện tốt Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động của HĐND tỉnh. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả năm 2025. Thường xuyên đôn đốc UBND tỉnh thực hiện quy trình xây dựng và ban hành Nghị quyết đảm bảo đúng quy định, chất lượng và tiến độ theo yêu cầu. Chuẩn bị nội dung và các điều kiện cần thiết để tổ chức thành công các kỳ họp của HĐND tỉnh; tổ chức hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh; tổ chức hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh (nếu có). Giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri qua hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp thường lệ giữa năm, cuối năm 2025.
Chỉ đạo phối hợp hoạt động các Ban HĐND tỉnh; đôn đốc các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo luật định; tiếp tục tổ chức tự kiểm tra, rà soát các nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh có nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu. Thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân; tiếp nhận, đôn đốc, giám sát việc giải quyết xử lý đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác thông tin dân nguyện của HĐND tỉnh; tập trung nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền quán triệt triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh...
Trình bày thông báo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia xây dựng chính quyền năm 2024, đồng chí Vi Đức Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, nhấn mạnh: Cử tri và nhân dân phấn khởi, tin tưởng sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự vào cuộc tích cực,hiệu quả của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thông tin những vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đối với công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phát huy vai trò chủ trì, phối hợp trong tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo đồng thuận, tin tưởng của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương và của tỉnh, tuyên truyền kỷ niệm những ngày lễ lớn và những sự kiện quan trọng với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, đã góp phần đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phát triển ổn định, bền vững, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 2.557 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật với 309.661 lượt người tham dự.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND, UBND và cơ quan liên quan cùng cấp tổ chức tốt các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử. Đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc 13 cuộc với 2.214 cử tri tham dự, có 107 ý kiến, kiến nghị; đại biểu HĐND tỉnh đã tiếp xúc 464 cuộc với 29.000 cử tri tham dự, có 1.220 ý kiến, kiến nghị. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tổng hợp đầy đủ gửi đến các cơ quan chức năng xem xét giải quyết.
Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp tổ chức 388 hội nghị, hoạt động đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân. Nghiên cứu tham gia ý kiến vào 2.214 dự thảo các văn bản do các cơ quan, đơn vị, tổ chức cùng cấp gửi xin ý kiến.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp được triển khai thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra, đi vào nền nếp, có chất lượng. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã chủ trì giám sát bằng hình thức thành lập đoàn giám sát 326 cuộc, giám sát bằng hình thức nghiên cứu xem xét 304 văn bản; tham gia phối hợp giám sát 673 cuộc; chủ trì tổ chức 194 hội nghị phản biện xã hội đối với văn bản dự thảo của cơ quan Nhà nước cùng cấp; nghiên cứu, gửi 918 dự thảo văn bản phản biện xã hội đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến. Ban Thanh tra nhân dân giám sát 298 vụ việc, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng giám sát 697 công trình dự án trên địa bàn tỉnh…
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với các cơ quan chức năng cùng cấp, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ hoà giải, nâng cao năng lực cho đội ngũ hoà giải viên cơ sở, gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tuyên truyền phát huy vai trò của Nhân dân tham gia bảo vệ rừng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Kết quả, đã phối hợp hòa giải thành 1.151/1.236 (đạt 93%) vụ việc tranh chấp, xích mích trong nội bộ khu dân cư.
Đồng chí Nguyễn Minh Hải, Chánh án Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh, đã báo cáo đánh giá công tác Tòa án năm 2024, nhiệm vụ giải pháp năm 2025. Năm 2024, Ban cán sự đảng, lãnh đạo TAND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo TAND hai cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp và cải cách tư pháp; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; công tác bảo vệ bí mật Nhà nước; bảo vệ chính trị nội bộ. Thực hiện đồng bộ, quyết liệt 17 giải pháp TAND tối cao đã đề ra để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc; nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quán triệt, triển khai Luật Tổ chức TAND năm 2024; đẩy mạnh công tác tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội và tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tư pháp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển số để công khai, minh bạch các hoạt động của tòa án, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ tiếp cận và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong năm, TAND hai cấp thụ lý 4.594 vụ việc các loại, giảm 402 vụ việc so với năm 2023. Đã giải quyết, xét xử 4.544 vụ việc, đạt tỷ lệ 98,9%, tăng 0,4% so với năm 2023; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan giảm 0,12% so với năm 2023. Tổ chức tốt 207 phiên tòa trực tuyến và 189 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó có phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND tỉnh được truyền hình trực tuyến đến hơn 300 điểm cầu TAND cấp cao tại Hà Nội và TAND hai cấp 28 tỉnh thuộc thẩm quyền tư pháp của TAND cấp cao tại Hà Nội. Tỷ lệ hòa giải thành theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đạt vượt chỉ tiêu được giao.
Công tác thi hành án hình sự, việc xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện và xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật. Công tác xây dựng hệ thống TAND; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; công tác hành chính tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tổ cáo; việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số;... và các mặt công tác khác của TAND hai cấp tiếp tục thực hiện có chất lượng, hiệu quả, góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triến kinh tế - xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV đã đề ra.
Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác Tòa án năm 2025, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đột phá TAND tối cao đã đề ra để đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ việc, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội và TAND tối cao giao trong năm 2025. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác giải quyết các vụ án, vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện theo dõi. Tiếp tục tổ chức tốt các phiên tòa trực tuyến và các phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong các TAND; thực hiện tốt công tác xây dựng hệ thống Tòa án, công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm chế độ, chính sách đối với công chức, người lao động TAND hai cấp theo quy định; tiếp tục tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo hướng hiệu quả, thực chất; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, người lao động và Hội thẩm nhân dân TAND hai cấp…
Báo cáo công tác của Ngành Kiểm sát năm 2024, đồng chí Phùng Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh, đánh giá: Trong năm 2024, Viện KSND tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, các nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các giải pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm.
Viện KSND hai cấp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện nghiêm quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Đã kiểm sát, giải quyết 655 tố giác, tin báo về tội phạm; mở 35 cuộc trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm tại các cơ quan điều tra hai cấp.
Kiểm sát điều tra 2.004 vụ, 2.676 bị can, cơ quan điều tra đã giải quyết 1.692 vụ, 2.344 bị can. Án ở Viện Kiểm sát 1.554 vụ, 2.274 bị can, đã truy tố 1.534 vụ, 2.199 bị can. Viện KSND hai cấp phối hợp với các cơ quan tố tụng xác định 253 vụ án điểm, 173 phiên tòa rút kinh nghiệm, 71 phiên tòa xét xử lưu động. Ban hành 23 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc điều tra, truy tố, xét xử, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm, việc giải quyết đảm bảo đúng căn cứ pháp luật, nghiêm minh nhưng đảm bảo tính nhân văn, được dư luận đồng tình, ủng hộ. Phối hợp giải quyết xong 5 vụ án do Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo, đang phối hợp giải quyết 1 vụ.
Kiểm sát thụ lý, giải quyết 13 vụ khiếu kiện hành chính, 1.771 vụ việc dân sự sơ thẩm, chủ yếu là án hôn nhân gia đình, các tranh chấp quyền sử dụng đất và kiện đòi tài sản. Công tác kiểm sát đảm bảo giải quyết vụ, việc đúng quy định của Bộ Luật Tố tụng Dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân…
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, đồng chí Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, nêu rõ: Viện KSND tỉnh tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, ngành Kiểm sát về cải cách tư pháp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, ban, ngành liên quan để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND tỉnh các giải pháp phòng, chống tội phạm và cải cách tư pháp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác tổ chức cán bộ, phát huy vai trò lãnh đạo, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu đã nghe, tham gia ý kiến vào báo cáo thẩm tra đối với các báo cáo của UBND tỉnh thuộc lĩnh vực Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách. Báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm tra của các Ban của HĐND tỉnh và thảo luận của các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đối với các báo cáo trình tại kỳ họp thuộc lĩnh vực Pháp chế và lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!