Đồng chí Hoàng Đình Giong - đảng viên tiêu biểu của Chi bộ Nhà tù Sơn La

Đồng chí Hoàng Đình Giong - đảng viên tiêu biểu của Chi bộ Nhà tù Sơn La

 
Đồng chí Hoàng Đình Giong

 

 

 

  1. Từ cán bộ cốt cán của Đảng đến đảng viên của Chi bộ Nhà tù Sơn La

Đồng chí Hoàng Đình Giong sinh ngày 1/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Từ khi còn nhỏ, Hoàng Đình Giong là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước và ghét thực dân, đế quốc. Những năm 1923-1924, đồng chí đã bí mật tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Hà Quảng. Từ cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách nghệ (Hà Nội), tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Trở về Cao Bằng với nhiệt huyết và sớm được giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động cách mạng tại quê hương.

Năm 1927, đồng chí bí mật sang Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1928, đồng chí được kết nạp vào Hội. Tháng 12/1929, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại (Quảng Tây, Trung Quốc). Chi bộ này lúc đầu có 3 đồng chí: Hoàng Đình Giong, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Vĩnh Tuy. Về sau, Chi bộ này trở thành Ban liên tỉnh ủy lâm thời Cao Bằng - Lạng Sơn .

Tháng 3/1935 đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ uỷ Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khoá I), phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ .

Đầu năm 1936, đồng chí Hoàng Đình Giong được cử về Hải Phòng, Quảng Ninh chỉ đạo phong trào cách mạng. Tháng 2/1936, đồng chí bị bắt và bị thực dân tra tấn dã man, bị tuyên án 5 năm tù giam tại các nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Sơn La, Bắc Mê (Hà Giang), trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của chi bộ Nhà tù Sơn La từ năm 1939. Năm 1941, đồng chí mãn hạn tù, nhưng biết đồng chí là cán bộ cấp cao của Đảng, nên thực dân Pháp đày đồng chí đến đảo Ma-đa-gát-ca (châu Phi). Năm 1943, đồng chí trở về nước tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1947 đồng chí đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Ninh Thuận.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, với 8 năm tù khổ sai (1936-1943), Nhà tù Sơn La là một trong những nơi đồng chí Hoàng Đình Giong bị giam giữ khá lâu. Nhưng cũng chính tại nơi này, đồng chí đã hoạt động bền bỉ dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Nhà tù Sơn La và đã trở thành một trong những đảng viên kiên trung, xuất sắc.

  1. Chi bộ Nhà tù Sơn La - nơi đồng chí Hoàng Đình Giong kiên trì hoạt động và trở thành đảng viên tiêu biểu, xuất sắc

Tháng 9 năm 1939, Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành đàn áp khốc liệt Đảng Cộng sản Đông Dương và phong trào đấu tranh của quần chúng yêu nước, tiến bộ. Từ cuối năm 1939 đến 1942, thực dân Pháp đã đày lên Sơn La 7 đoàn tù chính trị, trong đó phần lớn là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương và các quần chúng kiên trung của Đảng. Lúc này Nhà tù Sơn La chỉ còn một số tù Cộng sản và tù Quốc dân Đảng mà Pháp cho là phần tử nguy hiểm, trong đó có các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Đình Giong, Phạm Quang Lịch … Đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã báo cáo lại tình hình cách mạng địa phương cho anh em nghe. Kinh nghiệm qua thời kỳ hoạt động cách mạng và đấu tranh sinh tử với kẻ thù trong nhà lao thực dân (thiếu chủ ngữ) đã rút ra một kinh nghiệm dù có khó khăn đến mấy cũng phải gấp rút thành lập được một chi bộ cộng sản để lãnh đạo, đấu tranh có tổ chức thì mới hiệu quả.

Trên tinh thần đó, tháng 12/1939, các đảng viên trong Nhà tù đã nhóm họp và từ đó “một chi bộ nhà tù có độ hơn 10 đồng chí  đã được bí mật thành lập”. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử làm Bí thư Chi bộ. Do yêu cầu ngày càng cao đối với các hoạt động trong tù, tháng 2/1940, Chi bộ lâm thời chuyển thành chính thức. Theo đề nghị của đồng chí Tô Hiệu, Chi bộ nhất trí cử đồng chí Trần Huy Liệu giữ chức vụ Bí thư và đồng chí Tô Hiệu là Chi ủy viên. Tất cả mọi hoạt động của Chi bộ yêu cầu phải tuyệt đối giữ bí mật. Tháng 5/1940, Chi ủy đã bí mật triệu tập Đại hội để thảo luận quyết định các chủ trương công tác và bầu đồng chí Tô Hiệu làm Bí thư Chi bộ. Đại hội đã đề ra 5 công tác lớn:

Thứ nhất, Chi bộ lãnh đạo toàn diện hoạt động của nhà tù.

Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục và rèn luyện đạo đức cách mạng cho đảng viên và quần chúng.

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, huấn luyện đảng viên về lý luận Mác-Lênin và phương pháp đấu tranh cách mạng trong nhà tù.

Thứ tư, xây dựng và phát triển các tổ chức quần chúng cách mạng bên trong và bên ngoài nhà tù.

Thứ năm, tìm mọi cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương Đảng để xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên đối với Chi bộ nhà tù.

Sự ra đời của Chi bộ đảng nhà tù Sơn La là một sự kiện mang tính lịch sử, Chi bộ được tổ chức chặt chẽ, bí mật và hoạt động rất hiệu quả.

Thực hiện chủ trương của Chi bộ Nhà tù Sơn La “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Nhiệm vụ đặt ra của Chi bộ nhà tù ngay khi mới thành lập là phải tổ chức học tập. Nhiệm vụ này được các tù nhân hưởng ứng rất nhiệt tình, kể cả các đồng chí ốm nặng, cái chết như kề bên. Học tập chính trị và văn hóa là hai yêu cầu cấp bách trước mắt, để phù hợp với điều kiện sinh hoạt trong tù, lớp học phải tổ chức gọn nhẹ, mỗi tổ từ 10 đến 25 người, giáo viên đồng thời là tổ trưởng, là những đồng chí có trình độ văn hóa, chính trị khá hơn anh em; phương pháp huấn luyện là giáo viên nêu một vài câu hỏi để các tổ chuẩn bị trước, sau đó mới thảo luận; kết thúc buổi học, giáo viên tóm tắt và nhấn mạnh những điều cần lưu ý, đồng thời mở rộng thêm kiến thức về những vấn đề lý luận cơ bản.

Để có tài liệu, Chi ủy đã giao cho đồng chí Tô Hiệu soạn thảo chương trình và dự kiến cử báo cáo viên trình bày các chuyên đề. Học tập cũng đi từ thấp đến cao, trước hết là học văn hóa, lịch sử rồi học ngoại ngữ, lý luận, binh vận, dân vận,… Từ hình thức kể chuyện về phong trào cách mạng, như các vấn đề Cách mạng tháng Mười Nga, Ba Lê Công xã , Quảng Châu Công xã, Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Yên Bái…  các đồng chí Trần Huy Liệu, Trần Đình Long, Hoàng Đình Giong, Trần Đức Thịnh là báo cáo viên. Đồng chí Trần Minh Tước mở lớp “Tập làm văn” cho các đồng chí ở trình độ văn hóa đọc thông viết thạo trở lên. Tất cả các lớp học đều tham gia môn học bắt buộc đó là tiếng Thái, để khi ra ngoài lao động khổ sai sẽ tiếp xúc, giác ngộ, làm công tác dân vận với binh lính và bà con địa phương, tuyên truyền đường lối cách mạng và gây dựng cơ sở cách mạng ở bên ngoài nhà tù.

Với phương pháp người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người không biết, không khí thi đua học tập sôi nổi, trình độ anh em tù nhân từng bước được nâng cao. Tuy trình độ cao thấp khác nhau, nhưng ai cũng thấy cần phải học tập chính trị, văn hóa để nâng cao sự hiểu biết. Đồng chí Xuân Thuỷ đã kể về không khí học tập sôi nổi của tù nhân chính trị ở Nhà tù Sơn La lúc bấy giờ: “Sau giờ lao động nặng nhọc, trên những tảng đá, sàn xi măng, sàn gỗ đầy rệp, từng đám người rất náo nhiệt, chỗ này học văn hoá, chỗ kia học chính trị, chỗ nọ nhóm binh vận, dân vận, đây là Ban biên tập báo Suối reo....”. Nhờ việc học tập trong tù, trình độ anh em tù nhân được nâng cao, nhiều đồng chí khi vào tù chưa biết chữ, sau một thời gian ngắn đã đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ, nói thông thạo tiếng Thái, có đồng chí còn biết hát tiếng Thái. Nhiều đồng chí được bồi dưỡng về đường lối quân sự, chiến thuật du kích, đặc biệt là kinh nghiệm công tác.

Trong suốt hai năm liền, các đồng chí Trần Đình Long, Tô Hiệu,  Khuất Duy Tiến, Hoàng Đình Giong đã thực hiện nhiệm vụ của giảng viên, cung cấp cho tù nhân các tài liệu: Le capital, deuxtactiques, Etax et la Resvolution, Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền Việt Nam (tác phẩm của đồng chí Trần Phú) thêm lớp tập diễn thuyết hay gọi là diễn đàn tự do để trau dồi khả năng cho đồng chí của ta sau này có thể ứng phó với tình thế trên đường hoạt động cách mạng của mình .

Việc học tập trong tù rất phức tạp và nguy hiểm nên tất cả các tài liệu điều phải viết bằng mẩu giấy nhỏ, giấy cuốn thuốc lá để dễ cất giấu và thủ tiêu khi bị lộ. Đồng thời với việc học chính trị, anh em tù nhân còn phải học văn hóa, trừ một số đồng chí đã cao tuổi còn lại đều tham gia học tập, các lớp học được tổ chức tùy theo trình độ. Các đồng chí có trình độ khá thì tiếp tục học cao hơn, học thêm ngoại ngữ: Tiếng Nga, Pháp, Trung Quốc. Sau này khi thoát ngục, những bài học trong Nhà tù Sơn La đã được các đồng chí áp dụng hiệu quả trong công cuộc lãnh đạo cách mạng và xây dựng đất nước.

Có thể nói việc “Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” là một chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Chi bộ Nhà tù Sơn La. Là một đảng viên kiên trung của Đảng, vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có kinh nghiệm thực tiễn từ phong trào đấu tranh cách mạng; đồng chí Hoàng Đình Giong đã đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một người giảng viên. Cung cấp những kiến thức quý báu cho anh em tù nhân ở nhà tù, bồi dưỡng thêm tinh thần yêu nước, lòng căm thù với bọn thực dân và đặc biệt hơn là niềm tin tất thắng của cách mạng đúng như hồi ký của đồng chí Ngô Gia Khảm đã viết “… Nhà tù Sơn La thật là một trường học lớn với tôi, ở đây tôi học đọc, học viết, học lý luận về Chủ nghĩa Cộng sản, học kinh nghiệm đấu tranh, khắc sâu vào trong xương tủy mối thù đế quốc, vững tin hơn bao giờ hết ở sự tất thắng của cách mạng…”.

Trong suốt 5 năm hoạt động, chi bộ Nhà tù Sơn La đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình với tư cách là hạt nhân lãnh đạo quần chúng đấu tranh trong và ngoài nhà tù, quy tụ, đoàn kết được tuyệt đại đa số tù nhân, giáo dục, động viên, tổ chức các hoạt động đấu tranh, làm thất bại những âm mưu tàn bạo của kẻ thù; đào tạo, bồi dưỡng đảng viên, tổ chức cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền ở Sơn La. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, hệ thống tự quản của tù chính trị, một số chế độ quản lý dân chủ, kỷ luật và tự giác được thiết lập song song với hệ thống quản lý hà khắc, quân phiệt của chính quyền thực dân. Có được thành công đó là nhờ sự đoàn kết, nhất trí của anh em tù nhân dưới sự lãnh đạo của Chi bộ nhà tù; sự gan dạ, mưu trí, niềm tin vững chắc vào con đường cách mạng đã chọn của những chiến sĩ cộng sản và đồng chí Hoàng Đình Giong.

Nguyễn An Đại, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới