Hội Khoa học Lịch sử tỉnh hiện có 4 chi hội trực thuộc với hơn 130 hội viên luôn nhiệt tình, tâm huyết, say mê nghiên cứu, cho ra đời những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử, cung cấp nguồn tư liệu quý giá cho lịch sử địa phương.
Ông Nguyễn Vũ Điền, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, cho biết: Lịch sử Sơn La còn không ít các vấn đề, góc cạnh liên quan đến sự kiện, giai đoạn lịch sử gắn với địa điểm nơi diễn ra các sự kiện đó đến nay vẫn chưa được nghiên cứu, làm rõ. Nhất là khi cần các căn cứ để xây dựng các cuốn lịch sử Đảng bộ của địa phương, của ngành, hay cần thông tin điều tra phục vụ công tác lập hồ sơ công nhận các di tích lịch sử, chi trả chính sách cho người có công với cách mạng…
Ngay từ khi thành lập, Hội luôn làm tốt vai trò tập hợp, đoàn kết hội viên, tạo điều kiện và cơ hội để hội viên phát huy sở trường, nghiên cứu trong từng lĩnh vực, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh và góp sức vào việc hệ thống hóa tư liệu lịch sử của địa phương. Công tác nghiên cứu khoa học lịch sử chuyên sâu, phối hợp và hỗ trợ các ngành, địa phương trong nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ. 5 năm gần đây, Hội đã phối hợp với huyện Bắc Yên, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu trong nghiên cứu, biên soạn và xuất bản cuốn lịch sử Đảng bộ các xã, lịch sử Đảng bộ quân sự huyện; tổ chức 30 cuộc hội thảo về lịch sử Đảng bộ các địa phương.
Hội cũng là cơ quan tham mưu thực hiện các đề tài khoa học của tỉnh, ngành, đơn vị, như: “Địa chí Sơn La”, “Lịch sử phong trào Phụ nữ tỉnh Sơn La (1945 – 2015)”... Nghiên cứu, làm rõ các vấn đề lịch sử của tỉnh, phát hành sách chuyên đề về lịch sử, như cuốn sách “Hậu phương chiến tranh nhân dân tỉnh Sơn La trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)”, Công trình được Viện Lịch sử quân sự Việt Nam thẩm định và đánh giá cao.
Anh Hà Ngọc Hòa, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh, chia sẻ: Ngoài việc tìm đọc nhiều tài liệu liên quan, chúng tôi phải có các chuyến đi điền dã, nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các chứng tích lịch sử thông qua trò chuyện với những nhân vật lịch sử, cán bộ địa phương, tìm bằng chứng bằng tư liệu, hiện vật, để soạn thảo hồ sơ, tư liệu đảm bảo tính chính xác về các sự kiện, địa danh, nhân vật lịch sử.
Những năm qua, các đề tài nghiên cứu của hội đã góp phần rất lớn trong việc cung cấp tư liệu, chứng cứ, làm rõ các vấn đề lịch sử của tỉnh được quan tâm. Các đề tài nghiên cứu về nhân vật lịch sử, như: Bước đầu xác minh danh tính của các liệt sĩ hi sinh tại trận đánh đồn Mộc Lỵ, Ngã ba Cò Nòi; làm rõ thân thế và hoạt động của các cựu tù chính trị Sơn La (Trần Quý Kiên, Văn Chiến, Ngô Đình Mẫn, Tô Hiệu…) và các nhân vật lịch sử địa phương, như: Cầm Văn Thinh, Cầm Văn Dung, Bế Văn Điềm, Lò Văn San, Lò Văn Mười… Các sự kiện lịch sử và hoạt động nổi bật, như: Cách mạng tháng Tám ở Sơn La, ngày thành lập Chi bộ Nhà tù Sơn La, cuộc khởi nghĩa của Lường Sám (1914 – 1916), công tác binh vận của Chi bộ nhà tù Sơn La, đóng góp của Sơn La trong chiến dịch Lý Thường Kiệt (10/1951); Sơn La trong chiến dịch Tây Bắc…
Ngoài ra, hội còn có các nghiên cứu về biến động của đơn vị hành chính cấp xã ở Sơn La qua các giai đoạn lịch sử, phong trào xây dựng kinh tế mới ở Sơn La, quá trình xây dựng đường 41 (quốc lộ số 6), ngành Giáo dục Sơn La trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Hay nghiên cứu về các địa danh, di tích lịch sử, như: Tháp giếng nước nhà tù Sơn La; cầu đá cổ Chiềng An; Ngã ba Cò Nòi, cầu Sắt Hát Lót, chợ phiên cổ Tạ Khoa…
Các đề tài đã cung cấp thêm nguồn tư liệu chi tiết, phong phú, đa dạng liên quan đến lịch sử tại Sơn La qua các giai đoạn, làm rõ về sự đóng góp của quân và dân Sơn La trong các cuộc kháng chiến, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương, là nguồn tư liệu quý giá phục vụ cho giáo dục lịch sử địa phương.
Bên cạnh đó, hội còn duy trì bản tin “Sơn La - Xưa và Nay” phát hành mỗi quý 1 số, đăng tải các bài viết, bài nghiên cứu về các vấn đề của lịch sử Sơn La theo chuyên đề, vấn đề phát triển kinh tế - xã hội đương đại, nghiên cứu về văn hóa các dân tộc… cung cấp cho bạn đọc những thông tin giá trị.
Với ưu thế là đơn vị tập hợp các trí thức, giảng viên có chuyên môn về ngành lịch sử, Chi hội Sử học, Trường đại học Tây Bắc luôn tham gia tích cực vào các hoạt động của hội, có nhiều đề tài khoa học giá trị, nghiên cứu sâu sắc các vấn đề lịch sử. Tiến sĩ Tống Thanh Bình, Chi hội trưởng, nói: Các hội viên của chi hội thường xuyên có bài viết đăng trên bản tin “Sơn La - Xưa và Nay” và tạp chí nghiên cứu lịch sử. Qua nghiên cứu giúp đội ngũ hội viên có thêm nguồn tư liệu phong phú phục vụ giảng dạy, vừa đóng góp cho hệ thống tài liệu lịch sử của tỉnh.
Với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm, những người làm công tác nghiên cứu lịch sử vẫn miệt mài âm thầm cống hiến, làm rõ các minh chứng lịch sử quan trọng, phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh, ngành, địa phương. Mỗi công trình nghiên cứu là một đóng góp giá trị cho hệ thống tư liệu về khoa học lịch sử, là nguồn tư liệu quý giá để tuyên truyền về truyền thống cách mạng quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!