Giao xe cho con chưa đủ tuổi, cha mẹ dễ vướng vòng lao lý

Một thực trạng đáng báo động hiện đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước, đó là việc không ít bậc phụ huynh đã mua xe, giao xe mô-tô, xe gắn máy cho con em mình, dù các em chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện. Điều này đã gây ra những hệ lụy đau lòng, không chỉ ảnh hưởng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà còn ảnh hưởng chính đến người điều khiển phương tiện, khiến các bậc phụ huynh có thể vướng vào vòng lao lý bởi sự thiếu hiểu biết pháp luật của mình.

Cảnh sát giao thông Hà Nội tập trung xử lý vi phạm của học sinh trong dịp cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. (Ảnh THÀNH HIẾU)
Cảnh sát giao thông Hà Nội tập trung xử lý vi phạm của học sinh trong dịp cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. (Ảnh THÀNH HIẾU)

Con dại, cái mang

Gần đây, dư luận hết sức phẫn nộ khi một nhóm quái xế, trong đó có nhiều đối tượng chưa đủ tuổi thành niên đã gây ra cái chết cho một cô gái tại ngã tư thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo đó, vào khoảng 0 giờ 5 phút ngày 3/11, tại khu vực ngã tư Trần Hưng Đạo-Bà Triệu, chị N.H.Q., sinh năm 1997, ở quận Hoàn Kiếm đang dừng đèn đỏ thì một nhóm thanh, thiếu niên điều khiển khoảng 25-30 xe máy đi theo chiều ngược lại với tốc độ cao. Hai xe trong số đó đã va chạm trực tiếp khiến chị Q. tử vong tại chỗ.

Ngay sau đó, Công an quận Hoàn Kiếm đã triệu tập 10 quái xế để điều tra, làm rõ sự việc. Tại trụ sở công an, N.H.N., sinh năm 2005 , lái xe Honda Vision chở theo N.P.A. khai nhận: Khoảng 22 giờ ngày 2/11, N. qua đón bạn đi dạo phố, chụp ảnh. Khi tới Nhà hát Lớn Hà Nội, gặp đoàn xe cho nên đã nhập đoàn. Khi nghe có tiếng cảnh báo có “cảnh sát hình sự đuổi”, do cả hai không đội mũ bảo hiểm, hai nữ sinh này đã tăng ga bỏ chạy cùng đoàn xe và va chạm với chị Q. Sau đó, N.T.M.K. điều khiển xe chở theo L.Đ.C. (cùng 16 tuổi) chạy theo đoàn đã đâm vào chị Q. Sau tai nạn chết người, nhóm thanh niên bỏ trốn khỏi hiện trường.

Thấp thỏm, lo âu phía ngoài hàng rào cơ quan công an, bà L.T.L. (xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lòng như lửa đốt ngóng trông chờ thông tin từ cơ quan chức năng. Những giọt nước mắt ân hận muộn màng đã lăn dài trên gương mặt, bà L. cho biết: Trước đó, K. đòi đi làm thêm buổi tối nhưng vì con còn nhỏ tuổi cho nên bà đã không đồng ý. Tuy nhiên, lợi dụng lúc mẹ đi ăn cỗ ở nhà họ hàng, K. đã lấy chìa khóa xe máy mẹ để ở nhà.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, về những nguyên nhân dẫn đến số vụ tai nạn giao thông tăng có một bộ phận học sinh mặc dù chưa đến tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, nhưng phụ huynh vẫn giao xe cho con, với nhiều lý do: Nuông chiều con cái, bận rộn mưu sinh, không có thời gian đưa đón, quản lý con, thậm chí không hiểu biết các quy định của pháp luật.

Thực tế, đã có nhiều bậc phụ huynh đã phải trả giá. Tháng 5 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với bà Hoàng Thị Kim Lan, sinh năm 1978, trú phường Thủy Xuân, thành phố Huế có hành vi giao xe mô-tô cho con trai là Nguyễn Văn Quang Huy (sinh năm 2005) điều khiển tham gia giao thông, khiến một người chết, một người bị thương.

Trước đó, cuối tháng 3/2024, Tòa án nhân dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai đã đưa ra xét xử lưu động Rơ Ma Pil, sinh năm 1986, trú xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, bị truy tố về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”. Theo hồ sơ vụ án, R.M.T., sinh năm 2006, con của Rơ Ma Pil điều khiển xe máy chở hai người bạn đi chơi, va chạm với xe máy do anh T., sinh năm 2001 điều khiển đi ngược chiều. Vụ va chạm mạnh, khiến cả bốn người trên hai xe tử vong. Rơ Ma Pil đã bị tòa tuyên phạt mức án 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Hay như trường hợp Nguyễn Thị Yến, sinh năm 1989, trú xã Đức Bồng, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, giao xe máy cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi gây ra tai nạn giao thông khiến bà Lê Thị Tính, sinh năm 1945, trú xã Đức Hương tổn thương cơ thể 74%... Tại phiên tòa xét xử lưu động, bà Yến đã bị Tòa án nhân dân huyện Vũ Quang tuyên phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ và hình phạt bổ sung 10 triệu đồng nộp vào Kho bạc Nhà nước.

Gia tăng hình phạt, kỳ vọng tăng sức răn đe

Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, chín tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông liên quan trẻ em ở lứa tuổi học sinh xảy ra 1.957 vụ, làm chết 783 người, bị thương 2.018 người.

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với lứa tuổi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; phụ huynh học sinh, người giám hộ, người giao phương tiện cho các em học sinh khi chưa đủ điều kiện điều khiển; các chủ phương tiện và phụ huynh chở các em học sinh vi phạm các quy định về vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt.

Theo Cục Cảnh sát Giao thông, từ đầu năm tới nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản hơn 182 nghìn trường hợp học sinh, trẻ em vi phạm, trong đó lỗi phần lớn thanh, thiếu niên vi phạm chưa thật sự quan tâm đến nhận thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Bên cạnh đó, còn một bộ phận phụ huynh chưa quản lý tốt con em mình, vẫn giao xe cho con chưa đủ điều kiện. Thậm chí, việc phụ huynh không làm gương cho con cũng diễn ra phổ biến như: Vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm cho bản thân mình và con khi đưa đón con đến trường.

Tại cuộc họp cho ý kiến dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, nhiều ý kiến yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm của nhà trường, gia đình. Theo đó, các nhà trường phải đưa kỹ năng lái xe gắn máy an toàn vào tiêu chí, quy chế đánh giá học sinh; gia đình chỉ mua xe gắn máy khi con em đã được hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn.

Trong dự thảo nghị định sửa đổi lần thứ tư, cơ quan soạn thảo đề xuất tăng xử phạt hành chính đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện gấp năm lần, từ 4-6 triệu đồng lên 28-30 triệu đồng. Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đánh giá, việc tăng mức xử phạt là hoàn toàn cần thiết đối với một số hành vi cố tình vi phạm, gây ra tai nạn giao thông như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, giao xe cho người không đủ điều kiện...

Điều này còn góp phần nâng cao ý thức người lái xe, xây dựng môi trường văn hóa giao thông văn minh. Riêng đối với hành vi giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, việc đề xuất tăng chế tài xử lý sẽ gắn chặt trách nhiệm của hành vi này với người giao xe, chủ phương tiện khi tạo khung pháp luật cho phép, kiên quyết xử lý hình sự đối với hành vi giao xe mà gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

Tại khoản 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định nghiêm cấm giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển tham gia giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, quy định tại Điều 30, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, cha mẹ giao phương tiện cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe mô-tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 2 triệu đồng; đối với ô-tô, phạt tiền từ 4 đến 6 triệu đồng. Trường hợp để xảy ra tai nạn giao thông chết người, thì người cho mượn, giao phương tiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” theo Điều 264 Bộ luật Hình sự.

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới