Thời tiết không thuận lợi, nắng hạn kéo dài, thiếu nước; mưa đá, gió lốc, đặc biệt bị ảnh hưởng cơn bão số 2 và cơn bão số 3; dịch bệnh phát sinh trên đàn gia súc..., ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp huyện Vân Hồ năm 2024. Song, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân huyện Vân Hồ đã nỗ lực, đưa sản xuất nông nghiệp vượt khó và đạt được những kết quả quan trọng.
Huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với nông nghiệp theo hướng hữu cơ đến năm 2025”; hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Huyện khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, các hộ dân đầu tư các cơ sở chế biến nông sản; phát triển cơ sở chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, từng bước hình thành nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, bền vững. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và sử dụng các quy trình thực hành sản xuất an toàn, sản xuất theo VietGAP.
Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã đẩy mạnh công tác khuyến nông; tuyên truyền, vận động nhân dân nhân rộng các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hỗ trợ chăn nuôi trang trại, gia trại thân thiện với môi trường; thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Khắc phục khó khăn trong điều kiện sản xuất gặp nhiều bất lợi về thời tiết, ngành trồng trọt cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm về diện tích và sản lượng cây trồng. Tổng diện tích gieo trồng đạt 20.053 ha, trong đó diện tích cây có hạt đạt 8.850 ha, tổng sản lượng cây lương thực có hạt 46.897 tấn; diện tích cây hàng năm đạt 13.260 ha; tổng diện tích cây lâu năm 6.793 ha. Chủ lực là cây chè diện tích đạt 1.630 ha, sản lượng chè búp tươi 12.968 tấn; diện tích cây ăn quả 4.286 ha, sản lượng 10.000 tấn.
Trong chăn nuôi, đã xảy ra 3 loại dịch bệnh trên gia súc, gồm: Dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục trên bò, lở mồm long móng trên trâu, bò tại các xã trên địa bàn huyện. Cơ quan chuyên môn, các xã và các hộ chăn nuôi đã tập trung khống chế, dập dịch, không để lây lan ra diện rộng. Nhờ vậy, chăn nuôi duy trì ổn định. Hiện, toàn huyện có 40.630 con trâu bò, trong đó 1.942 con bò sữa; 732 con ngựa; 2.950 con dê; 93.565 con lợn và 473,6 nghìn con gia cầm. Các hộ nông dân đã dần chuyển chuyển hình thức chăn thả sang nuôi nhốt gắn với chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc và có kiểm soát dịch bệnh. Toàn huyện trồng 873 ha ngô sinh khối, 1.010 ha cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc. Diện tích nuôi trồng thủy sản 87 ha; tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và khai thác 350 tấn.
Kết quả nổi bật trong sản xuất nông nghiệp huyện Vân Hồ là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, toàn huyện có hơn 80 ha cây trồng được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương; 25.620 m² nhà màng, nhà lưới; 288,4 ha cây trồng sản xuất theo quy trình VietGAP. Nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ, như: HTX Nông trại hữu cơ Vân Hồ, HTX Nông nghiệp Tiến Thành, HTX Nông nghiệp Suối Bàng, HTX Nông nghiệp xã Tô Múa; Công ty cổ phần chè Chiềng Đi với tổng diện tích 10 ha; Công ty TNHH chè Satoen Việt Nam với diện tích 41 ha. Đến nay, huyện Vân Hồ có 8 sản phẩm OCOP; duy trì 13 chuỗi cung ứng rau, quả với tổng diện tích 255,7 ha, sản lượng 3.250 tấn/năm; 2 mã số vùng trồng xuất khẩu với tổng diện tích 54 ha.
Trong chăn nuôi cũng có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi trang trại tập trung. Tiêu biểu là Công ty cổ phần chăn nuôi Minh Thúy, áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao sử dụng đệm lót, bể biogas, với tổng đàn lợn 60 nghìn con; các hộ nuôi bò sữa sử dụng đệm lót, bể biogas, với tổng số trên 2.000 con bò sữa.
Là 1 trong 75 HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp trên địa bàn huyện, HTX Mộc Vân Green, xã Vân Hồ, đã đầu tư cơ sở, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây giống, rau, củ, quả an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. HTX thành lập năm 2020, với 7 thành viên, là cơ sở thuộc hệ thống của Công ty Greenfarm, có trụ sở chính ở Mộc Châu. Ông Trương Văn Nghiệp, Giám đốc Công ty Greenfarm, chia sẻ: Trên tổng diện tích 5 ha, HTX đã đầu tư 2 ha nhà nilon có lắp hệ thống tưới bán tự động và 1 ha có hệ thống tưới văng, bảo đảm các điều kiện cho rau phát triển tốt. HTX sử dụng 1,5 ha nhà nilon làm vườn ươm sản xuất cây rau giống có thêm hệ thống máy móc hiện đại, như: Máy nghiền đất, máy đóng bầu, máy gieo hạt vào các khay được kê trên giàn, tránh ngập úng, hạn chế mầm bệnh. Mỗi lứa ươm giống chỉ khoảng 30 ngày có thể xuất bán, lợi nhuận đạt 1 tỷ đồng/năm/ha. HTX còn liên kết với 12 hộ trồng rau theo quy trình VietGAP với tổng diện tích 5 ha. Lợi nhuận mỗi ha trồng rau bình quân đạt trên 200 triệu đồng/năm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng.
Mục tiêu sản xuất nông nghiệp Vân Hồ là phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, có giá trị gia tăng cao, gắn với thị trường trong và ngoài nước; phát triển công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản. Với những kết quả đạt được và các giải pháp đồng bộ, tin rằng trong thời gian tới, nông nghiệp Vân Hồ sẽ có nhiều khởi sắc, nâng cao giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!