Thực hiện theo phương châm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía, Công ty cổ phần mía đường Sơn La luôn nỗ lực cùng với chính quyền các xã trong vùng quy hoạch triển khai phát triển vùng nguyên liệu; ký kết thu mua, hỗ trợ nông dân trồng mía để bà con yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.
Kỹ thuật nông vụ Công ty cổ phần mía đường Sơn La hướng dẫn nông dân phòng chống sâu bệnh.
Vụ sản xuất năm 2021-2022, gần 30 hộ nông dân ở bản Kho Vàng, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu lần đầu tiên tham gia hợp đồng trồng mía nguyên liệu với Công ty. Với các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm và cam kết có thu nhập cao hơn những loại cây trồng trước đó của doanh nghiệp đã giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng bản Kho Vàng cho biết: Bản có 107 hộ, nhưng chỉ có 15 ha ruộng nước, còn lại là đất nương có độ dốc lớn, nhiều năm trồng ngô, sắn đã bạc màu. Việc hợp đồng trồng mía với Công ty đã giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác hiệu quả diện tích đất canh tác. Vụ mía trước, sau khi trừ chi phí bà con còn lãi hơn 40 triệu đồng/ha, vụ này số hộ tham gia trồng mía đã tăng lên 62 hộ, với tổng diện tích gần 40 ha.
Dẫn chúng tôi lên nương mía theo con đường dốc ngược sau những trận mưa lớn bị xẻ thành những rãnh sâu. Ông Hoàng Văn Tâm bảo đến khi thu hoạch Công ty sẽ hỗ trợ cho máy ủi san lại mặt đường để ô tô vào chở mía cho bà con. Trên các sườn đồi, những nương mía xanh ngát, trải dài. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi, mưa nhiều nên mía phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt trên 70 tấn/ha.
Là cán bộ nông vụ của Công ty, phụ trách 335 ha mía nguyên liệu tại xã Viêng Lán, Sặp Vạt của huyện Yên Châu và xã Chiềng Sại, huyện Bắc Yên, công việc của anh Bùi Văn Niệm quanh năm phải thường xuyên bám đồng cùng bà con. Anh Niệm chia sẻ: Ngay sau khi thu hoạch vụ trước, lại tập trung hướng dẫn bà con chăm sóc mía lưu gốc, kỹ thuật trồng mới và theo dõi tình hình sâu bệnh để xử lý kịp thời, nhất là phải quan tâm đến những hộ lần đầu tiên tham gia trồng mía.
Mục tiêu niên vụ sản xuất 2022-2023, Công ty phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu hơn 9.500 ha, năng suất bình quân đạt 68 tấn/ha, sản lượng khoảng 630.000 tấn. Ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng chính sách hỗ trợ và thông báo rộng rãi đến các địa phương và bà con nông dân trồng mía.
Ông Trần Ngọc Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn La thông tin: Vụ mía đường năm nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nên Công ty đã tăng cường đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Trong đó, tiếp tục thực hiện theo phương châm “bảo đảm hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người trồng mía”. Ngay từ đầu năm, Công ty đã tổ chức làm việc với chính quyền các xã trong vùng quy hoạch về mục tiêu, định hướng phát triển vùng nguyên liệu, thông báo rộng rãi giá thu mua và ký hợp đồng trực tiếp với các hộ nông dân trồng mía để bà con thực sự yên tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, công tác đầu tư vùng nguyên liệu theo hướng thâm canh tăng năng suất và bảo đảm phát triển bền vững tiếp tục được quan tâm. Công ty chỉ đạo Xí nghiệp nguyên liệu tăng cường cán bộ hướng dẫn bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cơ giới hóa khâu làm đất. Đồng thời, tích cực khảo nghiệm, nghiên cứu những giống mía năng suất cao, chất lượng tốt, khả năng chống hạn, nhất là nhóm giống mía chín sớm và nhóm giống mía chín muộn phù hợp thổ nhưỡng từng vùng và trình độ canh tác của bà con.
Ông Nguyễn Đình Giang, Phó Giám đốc Xí nghiệp nguyên liệu (Công ty CP mía đường Sơn La), cho biết: Những diện tích trồng mía chủ yếu là điều kiện đồi dốc, nếu không đẩy mạnh áp dụng kỹ thuật và thực hiện cơ giới hóa làm đất thì năng suất sẽ không ổn định và khó phát triển được vùng nguyên liệu mang tính bền vững. Vụ mía năm nay, Công ty đã đầu tư 190 tỷ đồng để phát triển vùng nguyên liệu, diện tích mía tăng gần 600 ha so với vụ trước. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ bà con giống mía, công làm đất, tu sửa đường phục vụ sản xuất, tổng giá trị gần 17,5 tỷ đồng. Đặc biệt, công tác bảo vệ thực vật được tăng cường, ngoài hướng dẫn chăm sóc, Công ty đã tạo điều kiện cho những hộ khó khăn ứng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh, nhất là đối với hai loại sâu bệnh chính hại cây mía là sâu đục thân và rệp xơ bông trắng.
Theo dự kiến, trung tuần tháng 11, Công ty cổ phần mía đường Sơn La sẽ chính thức bắt đầu bước vào vụ sản xuất niên vụ 2022-2023, sớm hơn 1 tháng so với vụ trước. Hiện, công tác bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống dây chuyền sản xuất đang được Công ty đẩy nhanh tiến độ để vận hành đúng kế hoạch, bảo đảm tiêu thụ hết sản lượng mía cho bà con nông dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!