Thực hiện mục tiêu đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng các mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật, giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Ông Công Xuân Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Công tác khuyến nông hiện nay không nặng tính chuyển giao kỹ thuật mà hài hòa các yếu tố trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường. Do đó, Trung tâm phát triển các mô hình khuyến nông đảm bảo kỹ thuật được chuyển giao, đáp ứng các yếu tố thị trường. Chú trọng định hướng, hỗ trợ nông dân làm chủ trên cánh đồng của mình, hiểu và hạch toán được chi phí sản xuất, doanh thu, đầu tư đạt hiệu quả kinh tế tốt nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Các mô hình không chỉ dừng lại ở khâu tạo ra sản phẩm, còn quan tâm đến các yếu tố xung quanh, hỗ trợ người dân tham gia chuỗi giá trị, tự quyết định, chủ động xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất.
Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thí điểm triển khai Dự án trồng, thâm canh 5ha dứa an toàn tại các huyện Yên Châu, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố. Ngoài việc hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm đã tìm kiếm, lựa chọn đơn vị đủ năng lực tham gia liên kết bao tiêu sản phẩm dứa cho nông dân.
Anh Nguyễn Đại Phong, bản Yên Sơn 1, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, cho biết: Tham gia dự án, chúng tôi được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Đồng thời, được kết nối với Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La thu mua sản phẩm dứa cho gia đình theo giá thị trường. Đầu ra sản phẩm đảm bảo, nông dân yên tâm sản xuất hơn.
Ngoài mô hình trồng dứa, từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai các mô hình liên kết sản xuất ngô, sắn bền vững trên đất dốc; thâm canh lúa cải tiến SRI; sản xuất rau theo hướng an toàn (GAP cơ bản); rau trái vụ; ghép cải tạo vườn cây ăn quả; trồng thâm canh nhãn chín muộn, ghép cải tạo nhãn chín sớm; thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; thâm canh cây mắc ca... Việc xây dựng các mô hình đã đạt mục tiêu liên kết với hợp tác xã, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác khuyến nông, góp phần xây dựng thành vùng nguyên liệu, có sự kết nối với thị trường, doanh nghiệp tiêu thụ, có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với việc triển khai xây dựng các mô hình, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng, nòng cốt là cán bộ khuyến nông cấp tỉnh, huyện và cán bộ đoàn thể, lãnh đạo địa phương... Có nhiệm vụ tư vấn cho hộ nông dân, HTX về khuyến nông; hỗ trợ, vận động thành lập phát triển HTX nông nghiệp; tư vấn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; định hướng chính xác, rõ ràng cho nông dân loại cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường...
Anh Lò Thanh Bang, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tổ trưởng Tổ khuyến nông cộng đồng huyện Mai Sơn, cho biết: Hằng năm, tổ xây dựng kế hoạch, triển khai chỉ đạo sản xuất tại các xã, hỗ trợ chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Đồng thời, xác định nhu cầu tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới cho hội viên đoàn thể; tư vấn kế hoạch sản xuất, kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, HTX; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng những yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường, hệ thống khuyến nông tỉnh tiếp tục bám sát cơ sở, đa dạng hóa hoạt động, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả đến đông đảo người dân. Đồng thời, chú trọng liên kết doanh nghiệp, mở rộng vùng nguyên liệu, tạo những hiệu ứng phát triển tích cực cho nông nghiệp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!