Phát huy vai trò cầu nối đưa khoa học, kỹ thuật đến với nông dân, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Mộc Châu thường xuyên bám sát cơ sở, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi; xây dựng các mô hình nông nghiệp hiệu quả, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững.

Là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, Mộc Châu nổi tiếng với các sản phẩm đặc trưng, như: Chè, hoa quả ôn đới, rau an toàn hữu cơ, chăn nuôi bò sữa... Trước những yêu cầu ngày càng cao về sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, Trung tâm đã tham mưu UBND thị xã thực hiện các dự án về ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều khiển tự động chế độ bón phân, tưới nước; sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà lưới; công nghệ sinh học trong di truyền chọn, tạo giống cây trồng; phân tích chất lượng môi trường sản xuất, chất lượng sản phẩm cây trồng; sản xuất cây trồng an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tự động hóa, cơ giới hóa trong quá trình chăn nuôi; công nghệ vi sinh...
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm, cho biết: Trung tâm đã phân công cụ thể cán bộ phụ trách các xã, phường để tư vấn, hướng dẫn, bám sát và triển khai những kỹ thuật sản xuất phù hợp với khả năng tiếp thu, truyền thống canh tác của người dân từng vùng. Trong đó, tập trung tổ chức các lớp tập huấn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành tại hiện trường, giúp nông dân tiếp thu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng thực hành về sản xuất nông nghiệp.

Cùng cán bộ Trung tâm thăm mô hình trồng rau trong nhà lưới của gia đình chị Vàng Thị Gánh, tổ dân phố Pa Phách, phường Đông Sang. Chị Gánh cho biết: Được cán bộ Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp thị xã Mộc Châu hướng dẫn, năm 2024, gia đình tôi đầu tư hơn 100 triệu đồng làm hệ thống nhà lưới, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trên diện tích 3.000 m², giúp gia đình chủ động sản xuất các loại rau màu, trồng dâu tây theo nhu cầu thị trường, hạn chế được những tác động tiêu cực của sâu bệnh, thời tiết, nâng cao thu nhập. Tổng thu nhập của gia đình đạt khoảng 500 triệu đồng/năm.
Còn tại xã biên giới Chiềng Khừa, với sự đồng hành, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm, gia đình bà Hà Thị Văn, xã Chiềng Khừa, đã chuyển đổi 2 ha đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc. Bà Văn chia sẻ: Sau khi tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng do Trung tâm tổ chức; tôi đã vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trồng 2.500 gốc bưởi Diễn, cam Vinh. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ Trung tâm thường xuyên đến hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, giúp diện tích cam, bưởi phát triển ổn định. Năm nay, gia đình tôi thu hoạch hơn 15 tấn quả, giá bán trung bình 12.000 đồng/kg, thu về hơn 200 triệu đồng/năm.

Hiện nay, thị xã Mộc Châu có hơn 11.400 ha cây ăn quả, gần 3.000 ha rau, hơn 2.100 ha chè. Có 486 cơ sở ứng dụng tưới tiết kiệm cho hơn 610 ha; 141 cơ sở đầu tư nhà kính, nhà lưới với diện tích hơn 100 ha; hơn 1.120 ha cây ăn quả, rau màu các loại được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; 24 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt gần 80 triệu đồng.
Sự hỗ trợ về kỹ thuật, quy trình chăm sóc theo hướng “cầm tay chỉ việc” của cán bộ Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp thị xã Mộc Châu đã tạo cơ hội cho nông dân có điều kiện tiếp cận, áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!