“Đảo chiều” mùa vụ, cho quả ngọt bốn mùa

Giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm quả chính vụ, nông dân huyện Sông Mã tích cực học tập, áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả trái vụ, rải vụ thu hoạch, nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao.

Giọng nữ
Vùng trồng nhãn rải vụ bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương.

Mùa nhãn chính vụ phải hơn một tháng nữa mới bắt đầu, nhưng những ngày này, ở xã Chiềng Khương, nhiều vườn nhãn sai trĩu quả đang chín rộ và cho thu hoạch. Đó là kết quả có được từ sự tích cực, chịu khó tìm hiểu của các hộ trồng nhãn về kỹ thuật thâm canh các giống nhãn chín sớm và áp dụng khoa học kỹ thuật để “điều khiển” nhãn ra hoa, đậu quả theo ý muốn, rải vụ thu hoạch. Hiện nay, xã Chiềng Khương có 704 ha nhãn, trong đó, có 100 ha được áp dụng kỹ thuật rải vụ.

Là một trong những hộ áp dụng kỹ thuật trồng nhãn chín sớm, với quy mô 4 ha, chị Bùi Thị Dung, bản Quyết Thắng, xã Chiềng Khương, chia sẻ: Trước đây vườn nhãn của gia đình cho thu hoạch đồng loạt vào tháng 6, giá bán chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Năm 2022, tôi đã áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa trái vụ, chia làm 2 - 3 đợt thu hoạch. Vụ nhãn chín sớm bán được từ 35.000 - 50.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với bán chính vụ.

Cũng như xã Chiềng Khương, các HTX, hộ trồng vườn nhãn tại xã Chiềng Cang đã “đổi mùa” thu hoạch, đưa trái cây ra thị trường vào những thời điểm trái mùa. Điển hình, như HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng là đơn vị tiên phong sản xuất nhãn hữu cơ rải vụ, áp dụng tưới nhỏ giọt, chế phẩm sinh học.

Anh Vũ Anh Minh, Giám đốc HTX, cho biết: HTX có 13 thành viên, trồng 39 ha nhãn, trong đó, có 25 ha nhãn chín sớm. Xác định muốn đi đường dài thì sản phẩm phải sạch, các thành viên HTX áp dụng kỹ thuật trồng nhãn trái vụ, sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học. Năm 2024, HTX bán được 50 tấn nhãn rải vụ, với giá bình quân 50.000 đồng/kg, cao hơn 3 lần so với vụ chính.

Cán bộ nông nghiệp huyện Sông Mã kiểm tra vườn nhãn chín sớm tại xã Chiềng Khương.

Sản xuất nhãn rải vụ được nông dân huyện Sông Mã bắt đầu áp dụng từ năm 2019, với 10 ha tại các xã Nà Nghịu, Chiềng Khương, Mường Hung, Chiềng Khoong, Chiềng Cang. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 920 ha nhãn chín sớm, sản lượng hơn 9.000 tấn. Nhãn rải vụ giúp giảm áp lực tiêu thụ chính vụ, giá bán cao hơn gấp 1,5 - 2 lần so với chính vụ. Việc xử lý ra hoa chín sớm thường bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11, thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 8 năm sau. Nhiều vùng trồng nhãn chín sớm, rải vụ đã được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua dài hạn, giá cao và ổn định.

Để xử lý thành công cây ra quả trái vụ, nông dân nắm vững quy trình chăm sóc, từ khoanh cành, siết nước, cắt tỉa đúng thời điểm, đến việc sử dụng các chế phẩm sinh học, chất điều hòa sinh trưởng đúng liều lượng. Bà Lò Thị Bạch, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Phòng phối hợp với các đơn vị chuyên môn tổ chức hàng chục lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhãn và các loại cây ăn quả theo hình thức “cầm tay chỉ việc” tại vườn để người dân dễ nắm bắt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn nông dân thực hiện nghiêm quy trình sản xuất an toàn sinh học và xây dựng kế hoạch cấp mã số vùng trồng bài bản.

Bên cạnh đó, huyện Sông Mã cũng đang từng bước ứng dụng công nghệ số trong giám sát chất lượng nông sản, như quét mã QR-Code, nhật ký điện tử và truy xuất nguồn gốc; có kế hoạch xây dựng trung tâm đóng gói và nhà sơ chế tại các vùng nguyên liệu lớn.

Anh Vũ Anh Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, kiểm tra vườn nhãn chín sớm. 

Ông Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện định hướng phát triển vùng cây ăn quả rải vụ, gắn với chế biến sâu, chuẩn hóa quy trình để đáp ứng thị trường quốc tế. Mục tiêu đến năm 2035, toàn huyện đạt 12.000 ha cây ăn quả; trong đó, 8.000 ha là nhãn (gồm 3.200 ha nhãn rải vụ), chiếm 66,67%; còn lại 4.000 ha là cây ăn quả khác, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và giá trị xuất khẩu cho người dân địa phương.

Việc áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn quả rải vụ, cho quả ngọt bốn mùa, nông dân Sông Mã đang viết câu chuyện trồng cây ăn quả bằng tư duy chủ động - kỹ thuật - liên kết, góp phần nâng cao giá trị nông sản của địa phương.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới