Xây dựng sản phẩm OCOP thủy sản

Với kợi thế về mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La, huyện Quỳnh Nhai đã khuyến khích phát triển nghề đánh bắt và chế biến các sản phẩm từ thủy sản, xây dựng các sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập của nhân dân.

Cá tép dầu sấy khô, sản phẩm OCOP đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai

Hiện nay, huyện Quỳnh Nhai duy trì trên 250 ha lòng hồ nuôi thủy sản với hơn 4.500 lồng cá. Sản lượng thủy sản nuôi và đánh bắt hằng năm đạt trên 1.800 tấn, trong đó, sản lượng cá nuôi đạt trên 1.200 tấn.

Nhiều hộ đã liên kết thành các chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm với trên 20 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản. Các sản phẩm thủy sản khá đa dạng là nguồn nguyên liệu dồi dào để chế biến các sản phẩm mang đặc trưng của vùng sông nước.

Cá tép dầu có khả năng sinh trưởng nhanh ở vùng lòng hồ. Sản lượng cá tép dầu dồi dào nên từ năm 2017, hợp tác xã (HTX) Thái Tuấn, xã Mường Giàng đã bắt đầu chế biến thành cá tép dầu khô. Sản phẩm nhanh chóng được thị trường đón nhận nhờ chất lượng tốt, sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm 2019, sản phẩm cá tép dầu sấy khô đã công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, giúp HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với nhiều khách hàng và tăng doanh thu bán hàng, tạo dựng uy tín trên thị trường. 

Với mong muốn hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thủy sản của bà con trong vùng, chị Đào Thị Hiếu, xã Mường Giàng đã sáng tạo, chế biến sản phẩm chả cá. Ban đầu chỉ phục vụ nhu cầu của khách hàng tại địa phương, dần dần lượng tiêu thụ chả cá tăng thêm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Năm 2022, sản phẩm chả cá sông Đà đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Hiếu chia sẻ: Các sản phẩm từ cá sông Đà luôn đảm bảo nguyên liệu tươi, tự nhiên, quy trình chế biến an toàn, không sử dụng chất bảo quản, hướng tới sức khỏe người tiêu dùng. Sản phẩm chả cá hiện đã có nguồn khách hàng ổn định, được yêu thích và nhận được phản hồi tích cực từ người dùng. Chúng tôi hiện đang phát triển thêm sản phẩm xúc xích cá sông Đà theo định hướng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao trong năm 2023 và chế biến một số sản phẩm khác theo yêu cầu của khách hàng như: ruốc cá, cá sấy khô, giò cá…

Chả cá sông Đà, sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Quỳnh Nhai.

Hiện tại, HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng cũng đang hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP với sản phẩm cá cắt khúc cấp đông. Sản phẩm được chế biến từ cá lăng nuôi và đánh bắt trên lòng hồ sông Đà với ưu điểm là chất lượng cá ngon, chắc thịt. Cá lăng phải được nuôi trong thời gian ít nhất từ 8 tháng và đạt trọng lượng từ 2 kg trở lên mới cắt khúc để làm sản phẩm cấp đông, cung cấp cho thị trường.

Anh Lò Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết: HTX đang cung cấp cho thị trường sản phẩm cá lăng cắt khúc cấp đông, phi lê cá lăng với sản lượng khoảng 3 tạ/tháng. Sản phẩm sơ chế này dễ bảo quản, giữ được độ tươi ngon, dễ vận chuyển và dễ bán hơn, trong khi đó còn giúp tăng giá trị của cá lên gấp 3 lần so với bán cá tươi như thông thường. HTX đã hoàn thành nhà xưởng, kho đông lạnh với khả năng trữ từ 5-10 tấn cá cấp đông và chờ hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước để phát triển thành sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Nuôi cá lăng trên lòng hồ của HTX thủy sản An Bình, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai

Một số HTX và hộ kinh doanh trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cũng đang phát triển các sản phẩm chế biến từ thủy sản như: Tôm chao, chả cá lá lốt, cá ngão rút xương, cá mương sấy khô, mắm tép… Đa phần các mô hình sản xuất hiện nay đang ở mức nhỏ lẻ, quy trình kỹ thuật thủ công nhưng sản phẩm đã bước đầu đạt được những thành quả nhất định khi được thị trường đón nhận. Với những phương thức chế biến vừa mang tính kinh nghiệm, vừa áp dụng kỹ thuật, các sản phẩm đang dần được hoàn thiện để đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm OCOP trong tương lai.

Ông Điêu Chính Hải, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, thông tin: Huyện chủ trương tiếp tục động viên, khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn phát triển nghề nuôi cá lồng kết hợp với xây dựng các sản phẩm chế biến từ thủy sản. Cùng với đó là tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Sắp tới, huyện dự kiến tổ chức Hội chợ cá sông Đà vào dịp nghỉ lễ 2/9 với các hoạt động: Tổ chức gian hàng giới thiệu sản phẩm, hội nghị xúc tiến thương mại, hội thi vua cá và các hoạt động văn hóa, thể thao… sẽ là dịp để Quỳnh Nhai quảng bá sâu rộng hơn về sản phẩm thủy sản của địa phương.

Xây dựng các sản phẩm từ thủy sản đạt và được công nhận theo tiêu chuẩn OCOP là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị của sản phẩm ngư nghiệp tại Quỳnh Nhai. Với sự đầu tư đúng hướng, có chính sách khuyến khích, chế biến các sản phẩm từ cá lòng hồ sẽ thúc đẩy phát triển thủy sản, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho những người làm báo

    Xã hội -
    Ngày 24/10, tại VOV Tây Bắc, tỉnh Sơn La, Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ truyền thông thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ làm Podcast cho trên 30 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Cơ quan thường trú Đài tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc và các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh.
  • 'Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 23/10, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì Phiên họp thứ 40, UBND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11.
  • 'Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm

    Khoa Giáo -
    Thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng môi trường học tập để trẻ vui chơi, phát triển trí tuệ và năng khiếu.
  • 'Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Sốp Cộp mở rộng diện tích trồng sắn cao sản

    Kinh tế -
    Là địa phương có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây sắn cao sản, những năm qua, huyện Sốp Cộp đã khuyến khích, hỗ trợ nhân dân mở rộng diện tích trồng sắn làm nguyên liệu chế biến, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân.
  • 'Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Chiềng Cang phấn đấu giảm nghèo bền vững

    Xã hội -
    Những năm qua, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã, đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã.