Tháo gỡ tình trạng khan hiếm cát, đá xây dựng

Nhiều công trình, dự án đầu tư hạ tầng cơ sở, xây dựng đô thị trên khắp các huyện, thành phố đang triển khai, trong khi đó vật liệu xây dựng thông thường là cát, đá trên địa bàn tỉnh lại đang ở trong tình trạng khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Bên cạnh đó, việc tăng chi phí khiến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn khi thi công các công trình đầu tư có đơn giá cố định.

Mỏ đá của Công ty TNHH MTV Hữu Hảo Tây Bắc, Thành phố.

Khi cầu vượt cung

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 5/2023, toàn tỉnh có 166 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Trong đó, mới có 16 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép khai thác, tổng công suất thiết kế 757 nghìn m³/năm, mới đáp ứng 51,49% nhu cầu so với dự báo.

Đối với cát, toàn tỉnh có 14 mỏ cát tự nhiên trên sông Mã và 3 điểm mỏ cát trên sông Đà thuộc địa phận huyện Bắc Yên đã cấp phép khai thác, tổng trữ lượng 182.200 m³/năm. Cộng với 2 mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát (cát sạn) được cấp phép, tổng công suất 75 nghìn m³/năm và khai thác trong công trình dự án tại Mộc Châu 260 nghìn m³/năm  mới chỉ đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu. Các điểm mỏ đá, cát còn lại đang được rà soát, thực hiện đấu giá, làm thủ tục cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Dự báo nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhu cầu đá xây dựng khoảng 1,47 triệu m³/năm và cát là 1,2-1,3 triệu m³/năm.

Để đảm bảo vật liệu thi công các công trình, nhiều doanh nghiệp đang phải mua đá, cát xây dựng từ tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu. Ông Nguyễn Nam Thành, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Nam Thành, cho biết: Các công trình do đơn vị thi công trên địa bàn huyện Thuận Châu nhiều thời điểm phải mua cát, đá ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên; còn các công trình ở Mộc Châu, Vân Hồ thì mua từ huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, với giá cao hơn 30-40% so với mua tại địa phương. Trong khi đó 90% công trình, dự án trên địa bàn tỉnh được đấu thầu theo đơn giá cố định.

Còn ông Phạm Văn Doanh, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện cũng đang gặp khó khăn, vì hiện nay huyện có 2 mỏ đá nhưng chưa hoàn thiện quy trình để được cấp phép khai thác. Vì vậy, các đơn vị phải mua đá xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, thậm chí mua từ các huyện giáp ranh của tỉnh Điện Biên, Lai Châu, với giá khoảng 400-450 nghìn đồng/m³ đá và 350-400 nghìn đồng/m³ cát.

Có thể thấy, mức giá ở các huyện không có mỏ đá đang phải chịu giá cao hơn từ 30-40% do cước phí vận chuyển. Tình trạng khan hiếm đá, cát xây dựng không chỉ ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các công trình, còn khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, do đội chi phí và ảnh hướng tới tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Thiếu điểm mỏ khai thác

Sơn La được đánh giá là địa phương có tiềm năng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên, cát, đá xây dựng của tỉnh luôn trong tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu và có giá cao hơn so với một số tỉnh, thành khác. Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm vật liệu đá xây dựng chủ yếu là do các mỏ đá đang bị tạm dừng, hết hạn giấy phép khai thác, hoặc chưa được cấp phép khai thác. Cụ thể, tại huyện Thuận Châu được quy hoạch 4 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường, trong đó, có 1 mỏ hết hạn giấy phép khai thác; 2 mỏ chưa được cấp phép khai thác; 1 mỏ bị tạm dừng khai thác mới được hoạt động trở lại từ ngày 8/6/2023.

Tại huyện Sốp Cộp được quy hoạch 2 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường. Hiện nay có 1 điểm mỏ đá bản Huổi Lầu, xã Mường Và đang thực hiện các thủ tục cấp phép khai thác. Còn tại huyện Quỳnh Nhai được quy hoạch 4 điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường; trong đó, 1 mỏ hết hạn giấy phép khai thác, 3 mỏ chưa được cấp phép khai thác.

Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc khai thác cát tại huyện Sông Mã.

Đối với cát xây dựng, trên địa bàn tỉnh mới có 17 điểm mỏ được cấp phép thuộc sông Đà và sông Mã. Việc vận chuyển cát từ huyện Sông Mã, Bắc Yên đến các địa phương khá xa nên hầu như phải mua từ các tỉnh lân cận và phải chịu giá cao hơn 30-40%.

Giải pháp khắc phục

Việc đẩy nhanh tiến độ cấp giấy phép cho các điểm mỏ đá, cát xây dựng là cần thiết. Tuy nhiên, việc cấp phép phải đảm bảo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, thông tin: Sở đang đẩy nhanh tiến độ cấp phép đối với mỏ đá khu 2 bản Sen To, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ đá bản He, xã Chiềng Khoang, mỏ đá bản Phiêng Bay, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai nếu đủ điều kiện. Sở đề nghị UBND huyện Quỳnh Nhai, Mộc Châu, Vân Hồ tiếp tục rà soát trữ lượng để làm thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ các dự án trên địa bàn.

Sở Xây dựng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, được biết: Sở chủ động nắm bắt diễn biến giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, định kỳ tổ chức khảo sát, công bố giá theo quy định của Bộ Xây dựng, hoặc công bố giá sớm hơn khi cần thiết. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc triển khai đấu giá các điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy hoạch được duyệt. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố rà soát, bổ sung các điểm mỏ có tiềm năng vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi đủ điều kiện theo quy định.

Để giải quyết tình trạng khan hiếm đá, cát cây dựng, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai các chính sách kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức tham gia khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành trong việc đẩy nhanh đấu giá quyền khai thác, gia hạn, cấp phép khai thác đối với các dự án đầu tư, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, ưu tiên lựa chọn vật liệu cát nghiền.

Đối với chủ đầu tư các dự án chủ động phối hợp với các đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát thị trường vật liệu ở các địa bàn lân cận và tính bổ sung chi phí vận chuyển vật liệu theo quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả kinh tế của dự án.

Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sản xuất, kinh doanh VLXD chú trọng đầu tư dây chuyền, công nghệ sản xuất cát nghiền phù hợp quy chuẩn, tiêu chuẩn, quản lý theo hệ thống chất lượng hiện hành. Nghiên cứu, khảo sát tiềm năng các điểm mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp đề xuất đầu tư khai thác theo quy định.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới