Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Thắp sáng ước mơ khởi nghiệp

Cùng với việc nâng cao chất lượng giảng dạy, Trường Đại học Tây Bắc đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, khuyến khích sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, chắp cánh cho những ước mơ lập thân, lập nghiệp của sinh viên nơi vùng cao Tây Bắc.

Giọng nữ
Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc tham quan các gian hàng nông sản tiêu biểu tại diễn đàn khởi nghiệp của nhà trường.

Trường Đại học Tây Bắc là trung tâm đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức và khoa học kỹ thuật. Hiện nay, nhà trường đang duy trì 24 ngành đào tạo đại học. Ngoài ra, nhà trường còn đào tạo sau đại học, cao đẳng, đào tạo tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và tổ chức giáo dục phổ thông tại Trường TH, THCS, THPT Chu Văn An.

Tiến sĩ Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Tây Bắc, thông tin: Nhà trường đưa môn học khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào trong chương trình chính khóa của sinh viên; tổ chức nhiều lớp tập huấn, cuộc thi, hội thảo chuyên đề và các hoạt động kết nối hệ sinh thái, liên kết với các chương trình, dự án, các tổ chức, đơn vị hỗ trợ sinh viên nghiên cứu thực tế, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Nhà trường cũng đã thành lập Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số. 

Diễn đàn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Trường Đại học Tây Bắc phối hợp với các đơn vị tổ chức.

Từ năm 2022 đến nay, nhà trường đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên và nhiều đối tượng khác theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Đề án 844 của Chính phủ về "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"; thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tại các địa phương trong tỉnh với các mô hình khởi sự kinh doanh nhỏ về nông sản, dược liệu, du lịch…

Từ Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý thưởng khởi nghiệp" do nhà trường tổ chức, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được "ươm mầm" thành công. Nhiều sinh viên của nhà trường đã hiện thực hóa được ý tưởng của mình, trở thành những startup thành công. Điển hình có thể kể đến các mô hình khởi nghiệp thành công của các cựu sinh viên nhà trường, như: Anh Là Văn Phong, xã Quỳnh Nhai với Công ty cổ phần Quỳnh Nhai Travel khai thác du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La; anh La Văn Quý thành công với mô hình trại nuôi dế Tây Bắc; anh Cầm Văn Hoàng với mô hình cà phê sạch từ HTX nông nghiệp bản Sàng Nà Tre…

Anh La Văn Quý giới thiệu các sản phẩm đến với sinh viên Trường Đại học Tây Bắc.

Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp, anh La Văn Quý, phường Tô Hiệu, bày tỏ: Trong quá trình khởi nghiệp, tôi luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, giúp đỡ của các thầy cô Trường Đại học Tây Bắc. Nhất là sự động viên, hỗ trợ về kỹ thuật, ý tưởng sản phẩm, liên kết tìm đầu ra. 

Trực tiếp đồng hành cùng sinh viên trong hành trình khởi nghiệp là Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số của Trường Đại học Tây Bắc. Những năm qua, Trung tâm đã trở thành đầu mối quan trọng kết nối giữa nhà trường, các đơn vị phối hợp, các nguồn lực hỗ trợ sinh viên trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Bà Trương Thị Luân, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số, chia sẻ: Trung tâm đã tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp, lập nghiệp và đổi mới sáng tạo cho sinh viên, các hộ kinh doanh, hợp tác xã và doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đây là những ngành có tiềm năng và lợi thế của địa phương.

Nhóm chuyên gia tư vấn cho mô hình "Hmong Studio" tại xã Ngọc Chiến.

Đặc biệt, chương trình cố vấn 1-1 được triển khai nhằm kết nối các bạn trẻ với các mentor (người dẫn dắt) giàu kinh nghiệm trong từng lĩnh vực cụ thể. Nhiều dự án khởi nghiệp, nhất là của sinh viên dân tộc thiểu số, đã được Trung tâm hỗ trợ từ việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, hoàn thiện mô hình, xác định chiến lược thị trường đến việc kết nối với các nguồn lực tài chính khởi đầu. Những hỗ trợ thiết thực này đã góp phần giúp các dự án có tiềm năng từng bước phát triển và đạt kết quả.

Em Lò Văn Vinh, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc, hào hứng nói: Chúng em được các thầy cô động viên và khuyến khích xây dựng ý tưởng khởi nghiệp. Thông qua các diễn đàn, hội thảo, lớp bồi dưỡng do nhà trường và trung tâm tổ chức, chúng em có thêm động lực để khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Hiện tại, em đang được thực hiện ý tưởng khởi nghiệp về lĩnh vực truyền thông hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và đang được các thầy cô hướng dẫn tận tình để ý tưởng được hiện thực hóa.

Lớp tập huấn về chụp ảnh, quay video quảng bá sản phẩm nông sản do Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số phối hợp tổ chức.

Mới đây, Trung tâm Thúc đẩy khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La) ra mắt Mạng lưới cố vấn khởi nghiệp tỉnh Sơn La gồm 27 thành viên, là các giảng viên trường đại học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân giàu kinh nghiệm, có vai trò là cầu nối, là người dẫn dắt, đồng hành, cung cấp kiến thức, kinh nghiệm và định hướng cho các startup tiềm năng của tỉnh nhà.

Những hạt mầm ý tưởng khởi nghiệp được gieo trồng và chăm sóc cẩn thận sẽ đơm hoa kết trái thành công. Với sự đồng hành sát sao và các giải pháp hỗ trợ thiết thực, Trường Đại học Tây Bắc đang là điểm tựa vững chắc, tiếp thêm khát vọng cho các thế hệ sinh viên mạnh dạn dấn thân vào con đường khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc trong tương lai.  

 

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới