Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Phát triển ngành dịch vụ chuyển phát

Thương mại điện tử phát triển mạnh đã thúc đẩy ngành chuyển phát tại Sơn La không ngừng nâng cao chất lượng, trở thành mắt xích quan trọng trong giao dịch. Ngành mở rộng thêm nhiều dịch vụ như thu hộ, vận chuyển nông sản, bên cạnh bưu phẩm truyền thống, góp phần đưa sản phẩm địa phương đến tận tay người tiêu dùng.

Giọng nữ

Nhân viên bưu điện Mai Sơn tư vấn hỗ trợ khách hàng làm dịch vụ chuyển phát, thu hộ. 

Bưu điện tỉnh Sơn La (VNPost Sơn La) có mạng lưới phủ rộng đến cấp xã, đội ngũ nhân viên giàu kinh nghiệm và đa dạng dịch vụ, phù hợp từng nhóm khách hàng. Bà Phạm Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Bưu điện tỉnh, cho biết: Trung tâm xử lý hàng nghìn bưu phẩm mỗi tháng, đảm bảo thời gian và độ chính xác. Trước xu hướng tiêu thụ nông sản trực tuyến tăng mạnh, VNPost Sơn La đã áp dụng ưu đãi cước phí, đẩy nhanh chuyển phát nông sản đến người tiêu dùng. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã vận chuyển hàng nghìn tấn hàng hóa, trong đó có hàng trăm tấn nông sản.

Khách hàng sử dụng dịch vụ chuyển phát tại Bưu điện Bắc Yên.

Chi nhánh Bưu chính Viettel Sơn La (Viettel Post Sơn La) hiện có 14 bưu cục, 14 cửa hàng và 190 cán bộ, nhân viên chuyên nghiệp. Đơn vị cung cấp đa dạng các dịch vụ như chuyển phát nhanh, hỏa tốc, tiết kiệm trong nước; chuyển phát quốc tế; dịch vụ Logistics (cho thuê kho, vận tải); thương mại điện tử và dịch vụ viễn thông.

Nhân viên Viettel Post Sơn La hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ thu hộ trên ứng dụng.

Ông Lê Đức Phong, Phó Giám đốc Chi nhánh Viettel Post Sơn La, cho biết: Viettel Post đã đầu tư mạnh vào công nghệ với các ứng dụng, website hỗ trợ khách hàng quản lý đơn hàng thuận tiện. Việc vận hành Tổ hợp chia chọn thông minh miền Nam ứng dụng AI, robot đã giúp rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa 4-6 giờ đặc biệt quan trọng với nông sản tươi. Dự kiến nửa cuối năm, sản lượng vận chuyển tăng 35-45%. Viettel Post sẽ đẩy mạnh giao hàng nhanh nội tỉnh, khai thác thế mạnh nông sản qua phối hợp với xã, KOL/KOC quảng bá, hướng dẫn bán hàng online và xây dựng luồng vận hành riêng. Đồng thời, đơn vị đang chuẩn bị kết nối logistics xuyên biên giới qua cửa khẩu Lạng Sơn để xuất khẩu chính ngạch, hướng tới duy trì tăng trưởng doanh thu trên 40%, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.

Nhân viên Viettel Post Sơn La phân loại hàng hóa trước khi chuyển phát. 

Hiện toàn tỉnh có 856 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải, chủ yếu quy mô nhỏ, chỉ sở hữu 1-2 phương tiện; 10 đơn vị có từ 10-35 xe. Có 6 đơn vị bưu chính, chuyển phát hoạt động gồm: VNPost, Viettel Post, J&T Express, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm và Nhật tín. Hàng hóa còn được gửi qua xe khách kết nối với 23 tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vận chuyển trên 4,2 triệu tấn hàng hóa, tăng 12,02%; luân chuyển hàng hóa tăng 12,76%; doanh thu đạt trên 1.683 tỷ đồng, tăng 12,84% so với cùng kỳ năm trước.

Dịch vụ chuyển phát nội thành ra đời đáp ứng nhu cầu giao hàng trong ngày, nhất là với các cửa hàng ăn uống và kinh doanh tiêu dùng. Anh Trần Thanh Bình (phường Tô Hiệu) cho biết: “Giờ chỉ cần ngồi nhà lướt Facebook, Zalo là có thể đặt hàng. Tôi được kiểm tra sản phẩm trước khi nhận, nếu không ưng ý có thể trả lại, giảm hẳn lo bị lừa khi mua online”. Phí giao hàng nội thành khoảng 10.000 đồng/đơn, đơn thu hộ (COD) từ 25.000 - 50.000 đồng, tùy trọng lượng và khoảng cách.

Nhân viên Viettel Post Sơn La nhận hàng trước khi chuyển phát. 

Hạ tầng logistics của tỉnh Sơn La đang dần được hình thành, với hệ thống giao thông, kho bãi và hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện, hỗ trợ hiệu quả cho công tác bảo quản và vận chuyển hàng hóa. Giai đoạn 2021 đến nay, tỉnh Sơn La đã hoàn thành đầu tư nâng cấp cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Hang, đồng thời khởi công tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn qua địa bàn tỉnh Sơn La), góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy mạnh mẽ giao thương, tăng cường kết nối liên vùng và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng để phát triển hạ tầng phục vụ chuỗi cung ứng logistics, gồm 6 kho lạnh, 12 container lạnh, 660 lò sấy hơi và 3 dây chuyền chế biến nông sản.

Đến nay, toàn tỉnh có 34 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp và khoảng 1.000 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng như mận, hoa quả sấy Mộc Châu; chuối sấy Yên Châu; mắc ca sấy, long nhãn Mai Sơn, Sông Mã; miến dong, cà phê, thủy sản... Tuy nhiên, hạ tầng logistics của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa thực sự chuyên nghiệp do phần lớn các cơ sở sản xuất là hợp tác xã hoạt động theo phương thức thủ công, tự sản xuất và đóng gói.

Ông Lê Đình Phong, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2030, đạt tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9,5–10,5%/năm, kim ngạch xuất khẩu 400 triệu USD, doanh thu thương mại điện tử chiếm 5–7%. Hiện nay, Sở Công Thương đang tham mưu cho tỉnh về quy hoạch phát triển hạ tầng logistics liên quan đến kho bãi và nguồn nhân lực. Quy hoạch 2 trung tâm logistics tại Mộc Châu, Mai Sơn và các cụm kho tại cửa ngõ, huyện, thị xã; tập trung hoàn thiện hạ tầng, công nghệ và nhân lực để phát triển đa dạng dịch vụ và logistics.

Với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái logistics hiện đại, chuyên nghiệp, tạo đà tăng trưởng kinh tế bền vững và nâng cao giá trị nông sản, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư các chợ đầu mối nông sản gắn với sơ chế, chế biến tập trung. Đồng thời, tỉnh nghiên cứu và hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm chuỗi cung ứng lạnh toàn diện, từ sản xuất đến tiêu thụ và xuất khẩu. Các doanh nghiệp và hợp tác xã cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển dịch tư duy sản xuất theo quy chuẩn và đơn đặt hàng thị trường, từ đó nâng cao giá trị nông sản và tạo đầu ra bền vững cho người nông dân.

 

 

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới