Tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm OCOP

Trên địa bàn huyện Vân Hồ hiện có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, chủ yếu là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục. Tập trung hình thành các sản phẩm truyền thống, sản phẩm mới, tăng sức cạnh tranh sản phẩm OCOP, đang được huyện Vân Hồ thực hiện.

Giọng nữ
Sản phẩm OCOP của Vân Hồ được bày bán tại các cửa hàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương

Thăm một số cửa hàng, điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu dọc quốc lộ 6. Khi được hỏi đến những sản phẩm OCOP của huyện Vân Hồ, hầu như các cửa hàng đều trưng bày rất ít hoặc không bày bán. Anh Phạm Nguyễn Chiến Thắng, quản lý nhà hàng Vigolando, bản Chiềng Đi 2, xã Vân Hồ, chia sẻ: Chúng tôi có gian rộng khoảng 50 m², bày bán hơn 20 loại sản phẩm nông sản, OCOP của các huyện, như: Tỏi đen Yên Châu, chè, bánh sữa, mận sấy Mộc Châu... còn sản phẩm của huyện Vân Hồ hầu như không có, vì nguồn phân phối hàng ít, không ổn định, trước kia cửa hàng có trưng bày một số sản phẩm trà của Công ty cổ phần chè Chiềng Đi, Vân Hồ, tuy nhiên tiêu thụ khá chậm.

Chia sẻ câu chuyện này với ông Thái Bá Sinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vân Hồ cho biết: Đây cũng là nỗi trăn trở của huyện trong nhiều năm nay, nhất là khi các địa phương lân cận, như: Mộc Châu, Yên Châu triển khai chương trình OCOP rất hiệu quả, còn Vân Hồ chưa đạt kết quả như mong muốn. Nguyên nhân chủ yếu, do các chủ thể chưa thực sự quyết tâm trong việc duy trì, phát triển sản phẩm, thiếu tính chủ động việc xúc tiến thương mại. Nhiều doanh nghiệp, HTX chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của Chương trình nên chưa tích cực tham gia, không mặn mà trong quy trình đánh giá lại sản phẩm hoặc nâng sao cho sản phẩm OCOP.

Gian trưng bày một số sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty cổ phần Chè Chiềng Đi, huyện Vân Hồ.

Đơn cử, sản phẩm gạo tẻ râu Song Khủa, từng đạt chất lượng OCOP tiêu chuẩn 4 sao, do HTX Lúa Tẻ râu Song Khủa, xã Song Khủa làm chủ thể. Năm 2019, cùng với sự đồng hành của chương trình GEAT, huyện Vân Hồ đã hỗ trợ HTX kinh phí in bao bì, nhãn mác, mã truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý thương hiệu. Có thời điểm, gạo tẻ râu Song Khủa có giá 45.000 đồng/kg, kỳ vọng sánh vai với các thương hiệu gạo ngon trong nước và khu vực. Tuy nhiên, sau 6 năm hoạt động, đến nay, HTX ngừng hoạt động, khép lại hành trình của một sản phẩm OCOP tiềm năng trong sự tiếc nuối.

Trao đổi với ông Mùi Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Song Khủa, được biết: Ban đầu, HTX hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên từ năm 2020 đến năm 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gạo tẻ râu do bà con sản xuất ra không tiêu thụ được. Mặt khác, qua thời gian, giống lúa tẻ râu bị pha tạp với các loại lúa khác. Vì vậy, năng suất, chất lượng không được như ban đầu. Sản xuất nhưng không đem về lợi nhuận, khiến các hộ thành viên không mặn mà duy trì sản phẩm, chuyển hướng sang các loại cây trồng khác.

Hiện nay, huyện Vân Hồ có 8 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao, 4 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, các sản phẩm OCOP Vân Hồ hiện nay chủ yếu là nhóm sản phẩm có quy mô nhỏ, khả năng mở rộng quy mô hạn chế, khó đáp ứng các đơn hàng lớn và liên tục. Nhiều chủ thể ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, năng lực sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường hạn chế. Các chính sách, giải pháp về đào tạo nghề, nghiên cứu khoa học công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, quy mô nhỏ chưa gắn với yêu cầu, điều kiện thực tế; năng lực tư vấn hỗ trợ về đổi mới sáng tạo ở địa phương còn hạn chế.

Sản phẩm OCOP Gạo tẻ râu Song Khủa từng được kỳ vọng vươn xa trên thị trường.

Ông Nguyễn Quang Huấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Huyện đề ra nhiều giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân, HTX và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ tem nhãn mác, bao bì sản phẩm, mã vạch, QR-Code truy xuất nguồn gốc, trang thiết bị chế biến; phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề về chương trình OCOP, trang bị kiến thức cho các chủ thể kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức các cá nhân, doanh nghiệp tầm quan trọng của việc xây dựng sản phẩm OCOP.

Để chương trình OCOP thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững, huyện Vân Hồ cần tiếp tục đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể tham gia; tăng cường liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền; hỗ trợ tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ và nguồn lực tài chính. Khi “nút thắt” được tháo gỡ, sản phẩm OCOP của Vân Hồ có cơ hội vươn xa, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống nhân dân.

Bài, ảnh: Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới