Với phương châm hướng về cơ sở, những năm qua, Hội LHPN huyện Sốp Cộp thường xuyên phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động, thu hút đông đảo hội viên tham gia, góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Hội LHPN huyện Sốp Cộp có trên 7.100 hội viên, sinh hoạt tại 106 chi hội; phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp, buôn bán nhỏ. Hằng năm, hội đã tổ chức đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên thuộc diện nghèo để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, nhất là chị em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, nêu cao tinh thần tự lực, từng bước vượt khó, tích cực tham gia phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” “Hòm gạo tình thương”... Các cấp hội còn nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 89 tỷ đồng cho gần 1.700 hội viên vay phát triển kinh tế.
Chị Tòng Thị Thiến, Chủ tịch Hội LHPN huyện, cho biết: Hằng năm, hội phối hợp vận động hội viên, phụ nữ tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề. Đồng thời, tuyên truyền, vận động chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 5 lớp đào tạo nghề cho 150 lao động nữ, 15 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 1.050 phụ nữ và 12 lớp tập huấn công tác xây dựng nông thôn mới cho 840 chị. Hỗ trợ 15 phụ nữ khởi nghiệp; vận động hội viên phụ nữ xây dựng 6 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế, đã có mô hình cho thu nhập từ 200 - 350 triệu đồng/năm; giúp 840 gia đình phụ nữ thoát nghèo. Năm 2022, toàn huyện chỉ còn 373 hộ hội viên phụ nữ nghèo.
Hội Phụ nữ xã Mường Và có 27 chi hội, với 1.600 hội viên. Hội đã hướng dẫn các chi hội xây dựng quỹ hội và triển khai mô hình tiết kiệm, với mức đóng 50.000 đồng/hội viên/năm. Đến nay, tổng số quỹ có hơn 80 triệu đồng, cho 10 hội viên vay xoay vòng để phát triển sản xuất. Chị Lò Thị Chanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, cho biết: Các mô hình trồng cây ăn quả tại bản Nà Mòn, Nghè Vèn; nuôi bò, nuôi dê nhốt chuồng tại bản Mường Và, Tông Hùm, Hốc Một... đã đem lại hiệu quả kinh tế, đang được nhiều hội viên áp dụng. Hội còn vận động thực hiện 6 mô hình “Hòm gạo tình thương” được trên 1 tấn gạo hỗ trợ 50 hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong đợt giáp hạt; 4 mô hình “Thu gom rác thải nhựa, phế liệu” phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường và thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Chị Ngần Thị Nghĩa, Chi hội phụ nữ bản Lọng Tòng, xã Nậm Lạnh, chia sẻ: Hội phụ nữ đã nhận ủy thác cho tôi vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và được tham gia nhiều lớp tập huấn chăm sóc cây trồng, vật nuôi để áp dụng vào thực tế phát triển kinh tế sản xuất của gia đình. Hiện nay, gia đình tôi có hơn 1.200 gốc cam đường canh, quýt chum, cam vinh; nuôi 5 con bò sinh sản, trung bình mỗi năm thu nhập trên 300 triệu đồng. Gia đình đã trả được số tiền gốc và lãi vay ngân hàng, cuộc sống ngày càng ổn định, có điều kiện chăm lo cho con cái ăn học chu đáo.
Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, Hội LHPN huyện Sốp Cộp tiếp tục chỉ đạo các cơ sở hội duy trì, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; vận động hội viên tích cực phát triển kinh tế... Phấn đấu mỗi năm giảm 3% số hộ hội viên phụ nữ nghèo, giúp chị em có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!