Phát triển chăn nuôi ở các xã vùng lòng hồ

Những năm gần đây, nhân dân các xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình trên địa bàn huyện Phù Yên đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, chú trọng phòng, chống dịch bệnh, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Giọng nữ
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của hộ dân bản Khoa, xã Tường Thượng, huyện Phù Yên.

Phù Yên có 9 xã vùng hồ, gồm: Đá Đỏ, Bắc Phong, Tân Phong, Nam Phong, Tường Phong, Tường Tiến, Tường Hạ, Tường Thượng và Sập Xa. Cùng với triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các xã vùng hồ đã tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước chuyển đổi hình thức chăn thả gia súc sang nuôi nhốt chuồng hoặc bán chăn thả. Cấp ủy, chính quyền các xã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, ban quản lý các bản phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tuyên truyền, hướng dẫn bà con làm chuồng nuôi nhốt gia súc xa nhà, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông An Văn Hoan, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Yên, cho biết: Khai thác điều kiện tự nhiên và định hướng phát triển chăn nuôi tại các xã vùng lòng thủy điện Hòa Bình của huyện, phòng đã tham mưu với UBND huyện xây dựng quy hoạch chăn nuôi phù hợp. Trên cơ sở diện tích bãi chăn thả, khả năng kinh tế của mỗi hộ gia đình để xây dựng chuồng, trại chăn nuôi và tăng quy mô đàn, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Hiện nay, tổng đàn gia súc của 9 xã vùng lòng thủy điện Hòa Bình có 35.000 con trâu, bò; 10.000 con lợn trên 2 tháng tuổi và các loại gia súc khác như: dê, ngựa. Nhân dân các xã đã trồng trên 60 ha cỏ voi giống VA.06 và mua thêm ngô sinh khối ủ chua làm thức ăn dự trữ. Ở các xã Tường Thượng, Tường Hạ và Sập Xa đã xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi, gắn với bảo vệ môi trường bằng việc xây dựng hầm bioga xử lý chất thải chăn nuôi tại một số hộ gia đình.

Xã Tường Thượng có gần 200 hộ nuôi trên 2.300 con trâu, bò theo hình thức bán chăn thả. Để chủ động thức ăn cho vật nuôi, ngoài tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, như rơm, rạ, thân cây ngô, bà con đã tận dụng diện tích đất bìa rừng, đất bán ngập trồng trên 5 ha cỏ voi. Việc chủ động được nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi đã giúp bà con tiết kiệm một phần chi phí.

Ông Hoàng Văn Dọc, bản Khoa, xã Tường Thượng, chia sẻ: Gia đình tôi duy trì nuôi 40 con bò nhốt chuồng và thực hiện tốt việc phòng, chống dịch bệnh, thường xuyên phun khử trùng khu vực chuồng bằng dung dịch cloramin B, rắc vôi bột. Nhờ vậy, 5 năm trở lại đây, đàn vật nuôi của gia đình phát triển tốt, thu nhập hằng năm từ 150-200 triệu đồng từ chăn nuôi.

Còn tại xã Đá Đỏ, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ dốc lớn, không có các phiêng bãi, đồng cỏ rộng phục vụ chăn nuôi. Bà Mùi Thị Loan, Bí thư Đảng ủy xã, chia sẻ: Xã đã khảo sát tại các bản tìm quỹ đất và cắm mốc, kết hợp vận động bà con góp công, góp sức san gạt làm 2 khu chăn nuôi rộng 10 ha, đáp ứng một phần để nhân dân chăn nuôi gia súc tăng quy mô đàn. Hiện nay, xã có trên 1.000 con trâu, bò và 1.000 con dê.

Bên cạnh đó, cùng với tăng cường tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên thường xuyên hướng dẫn bà con chú ý theo dõi tình hình thời tiết, nhất là thời điểm giao mùa. Tính riêng 8 tháng qua, Trung tâm đã cấp phát trên 8.000 liều vắc xin phòng các loại bệnh cho 9 xã vùng lòng hồ, giúp các xã chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Mở rộng, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, huyện Phù Yên tiếp tục hỗ trợ nhân dân 9 xã vùng lòng hồ nâng cao chất lượng, hiệu quả chăn nuôi, vận động bà con mở rộng diện tích trồng cỏ; tăng cường phòng chống đói, rét và dịch bệnh, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Bài ảnh: Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới