Sau 4 năm triển khai và phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) của tỉnh đã và đang tạo sự đột phá trong tư duy sản xuất, xây dựng được nhiều sản phẩm chất lượng cao, có tầm ảnh hưởng trên thị trường, tạo dựng được thương hiệu, uy tín đối với người tiêu dùng, trở thành động lực phát triển kinh tế vùng nông thôn.
Năm 2019, Chương trình OCOP lần đầu tiên được triển khai, các địa phương đã lựa chọn những sản phẩm nông sản tiêu biểu, đặc trưng, tiềm năng để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tỉnh hỗ trợ tem nhãn, bao bì sản phẩm, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX hoàn thiện hồ sơ để công nhận sản phẩm OCOP. Đến cuối năm 2019, đã có 28 sản phẩm nông nghiệp địa phương được đánh giá, công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.
Lần đầu tiên tham gia đánh giá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nhưng HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp 19/5, huyện Mộc Châu đã có 6 sản phẩm được công nhận, đánh giá là sản phẩm OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh. Ông Vũ Hoài Văn, Phó Giám đốc HTX dịch vụ và phát triển nông nghiệp 19/5, chia sẻ: Việc xây dựng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã mở ra nhiều cơ hội liên kết, tiêu thụ sản phẩm chế biến của HTX. Do đó, HTX luôn đặt mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu, đổi mới khoa học công nghệ để đảm bảo về số lượng và nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2022, HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, ký kết hợp đồng liên kết bao tiêu thu mua sản phẩm cho 200 hộ trồng mận và các loại cây ăn quả khác, phát triển các sản phẩm chế biến mới. Tổng doanh thu năm 2022 của HTX đạt trên 7 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2020 và 2021. Hiện nay, HTX đang tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nghiên cứu các mẫu bao bì sản phẩm bắt mắt, phấn đấu đưa ít nhất một sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao quốc gia.
Sản phẩm chè Trọng Nguyên - Phổng Lái của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận cũng vừa được Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận lại đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX, chia sẻ: So với 3 năm trước, sản phẩm Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái đã được HTX cải thiện bao bì nhỏ gọn, đẹp mắt, giảm tối đa chi phí thành phẩm; xây dựng được vùng nguyên liệu chế biến ổn định, đảm bảo chất lượng. Nên sản phẩm của HTX đã tiếp cận được thêm nhiều đối tượng khách hàng trong nước và thông qua đơn vị doanh nghiệp khác để sơ chế xuất khẩu sang thị trường Đài Loan. Năm 2022, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất với 400 hộ dân, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu lên gần 500 ha. HTX đã sơ chế xuất khẩu trung gian được khoảng 400 tấn chè sang Đài Loan, với tổng doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Điểm chung của các HTX, doanh nghiệp nói trên khi xây dựng sản phẩm OCOP đều chủ động thay đổi tư duy sản xuất, đổi mới khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Thay vì phát triển sản phẩm nhỏ lẻ, tiêu thụ trực tiếp theo kênh phân phối truyền thống, thì hiện nay, các doanh nghiệp, HTX và hộ sản xuất đã liên kết hình thành nên các HTX, tổ hợp tác cùng phát triển sản phẩm theo quy mô hàng hóa, giúp sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua nền tảng số.
Song hành với đó là sự hỗ trợ của Nhà nước trong tập huấn, hướng dẫn cách quản lý, khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, hướng dẫn tiếp cận với hệ sinh thái kinh tế số đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh lớn trên thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 110 sản phẩm OCOP; trong đó, có 68 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh, 41 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP phong phú, đa dạng, thuộc nhiều nhóm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, gia vị, chè... được cấp giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận chỉ dẫn địa lý và khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Với mục tiêu đến hết năm 2023, toàn tỉnh sẽ có 204 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và ít nhất mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP, hiện nay, tỉnh đang khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa, dịch vụ và thúc đẩy chế biến, chế biến sâu, liên kết và gắn với vùng nguyên liệu địa phương để hình thành các sản phẩm có giá trị cao, đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!