Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, huyện Mộc Châu ngày càng lớn mạnh, khẳng định chất lượng sản phẩm và thương hiệu chè Tân Lập vươn ra các thị trường trong nước và xuất khẩu, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Xã Tân Lập có độ cao trung bình từ 800-900 m so với mặt nước biển; đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ của vùng cao nguyên Mộc Châu rất phù hợp cho cây chè phát triển. Hiện hữu vùng đất Tân Lập hôm nay là nương đồi xanh mát những luống chè, vùng nguyên liệu gắn với nhà máy, đảm bảo sự phát triển bền vững. Qua những thăng trầm, cây chè vẫn bám trụ, trở thành cây trồng chủ lực nơi đây. Giữ màu xanh no ấm vùng chè ở Tân Lập có sự đóng góp tích cực của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập, cùng tâm huyết của Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Hà Ngọc Quý, nguyên Chủ tịch UBND xã, nguyên Bí thư Đảng ủy xã.
Ông Hà Ngọc Quý kể lại: Những năm 2000, thực hiện chủ trương của huyện vận động nhân dân trồng chè, với vai trò là Chủ tịch UBND xã, tôi đã đứng ra vay vốn ngân hàng mua giống chè ở Mộc Châu về cho nhân dân trồng. Đến năm 2003, khi chè bắt đầu cho sản phẩm nhưng không có đơn vị thu mua. Do vậy, tôi đã đứng ra thành lập HTX chè ở Tân Lập để thu mua chè cho nhân dân.
Với mục tiêu đảm bảo cho sự phát triển vùng chè bền vững, năm 2003, Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập được thành lập với 5 thành viên chính thức và 150 hộ thành viên liên kết sản xuất hơn 50 ha chè Shan tuyết. Khi bắt tay vào thực hiện, HTX gặp nhiều khó khăn, chưa có trụ sở nên phải đi thuê, mượn; chưa có kinh nghiệm điều hành; thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất. Ban giám đốc và các thành viên đã trăn trở tìm tòi, sáng tạo để xác định phương hướng sản xuất. HTX đã đề nghị Công ty chè Mộc Châu giúp đỡ bằng cách cử cán bộ đến chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. HTX đã tổ chức tập huấn cầm tay, chỉ việc, cam kết bao tiêu sản phẩm, ổn định giá, đảm bảo người trồng chè luôn có lãi và gắn bó lâu dài với đơn vị.
Tuy nhiên, do biến động của thị trường, giai đoạn 2010-2012, sản phẩm chè của HTX rất khó tiêu thụ bởi thương hiệu chưa có, quy trình sản xuất chế biến còn giản đơn không cạnh tranh được với các công ty lớn, doanh nghiệp sản xuất chế biến chè trên địa bàn. HTX phải dừng hoạt động. Từ năm 2013-2014, HTX bắt đầu hoạt động theo mô hình kiểu mới.
Vực dậy từ khó khăn, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập từng bước tạo dựng thương hiệu bằng con đường sản xuất chè sạch, an toàn có sức cạnh tranh cao trên thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. HTX đã vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi, tăng diện tích trồng chè, áp dụng các quy trình thâm canh ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ về phân bón, cam kết thu mua chè búp tươi với giá ổn định. Đến nay, HTX có 86 ha chè, chủ yếu là chè Shan tuyết và chè Bát Tiên, Kim Tuyên, tập trung tại các bản Dọi, bản Hoa, Phiêng Đón, Co Phay, Tà Phềnh, Pa Kha... trong đó 20 ha được áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ. Tổng sản lượng chè tươi đạt trên 1.500 tấn/năm.
Hợp tác xã đã đầu tư nhà máy sản xuất rộng hơn 1.000 m² ở bản Dọi 1, xã Tân Lập và xưởng chế biến tại tiểu khu 26/7, thị trấn Nông trường Mộc Châu với hệ thống máy móc hiện đại. Tất cả các công đoạn sản xuất, HTX tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, đảm bảo quy trình sản xuất an toàn, hiệu quả, tự động hóa đến 70%, công suất chế biến 25 tấn chè búp tươi/ngày. Chè được hái chè bằng tay đúng chuẩn một tôm hai lá. Chè búp tươi vào xưởng bảo quản được đưa ngay xuống khu vực làm héo, làm mát chè trong thời gian 3 giờ, sau đó sẽ được đưa lên ống xào với nhiệt độ 350 độ để làm chín, chuyển sang vò, xấy để diệt men, làm khô nhiều công đoạn rồi lăn, lên hương, làm mát và đóng gói thành phẩm bằng hệ thống máy móc hiện đại.
Cùng với đó, HTX chú trọng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng hệ thống đại lý giới thiệu sản phẩm. Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm chè Shan đặc biệt và chè Bát Tiên đặc biệt đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đến nay, đã có hàng nghìn tấn chè thành phẩm của HTX được xuất khẩu sang thị trường các nước Trung Đông.
Là đối tác lâu năm, ông Shakir Muhammad, đại diện đơn vị nhập khẩu tại Pakistan, đánh giá: Chúng tôi đã nhập rất nhiều trà từ HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập. Sản phẩm chè của HTX rất tốt để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và cả châu Âu.
Với hướng đi đúng đắn và sự nỗ lực vươn lên, doanh thu bình quân của HTX hàng năm đạt từ 60 đến 80 tỷ đồng, doanh thu liên kết với các đơn vị sản xuất chè trên địa bàn huyện Mộc Châu đạt từ 45 đến 70 tỷ đồng. HTX tạo việc làm trực tiếp cho gần 60 công nhân với mức lương bình quân từ 5 -7 triệu đồng/người/tháng, đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật.
Sự phát triển của HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập đã giúp nâng cao đời sống các hộ dân trên địa bàn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tái định cư thủy điện Sơn La từ những năm 2003 ổn định trên quê hương thứ hai. HTX liên kết với 350 hộ nông dân trồng chè, thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm từ cây chè.
Ông Vì Văn Tỉnh, Bí thư chi bộ bản Dọi, xã Tân Lập, chia sẻ: Gia đình tôi là một trong 54 hộ tái định cư thủy điện Sơn La. Chuyển đến nơi ở mới, được Nhà nước cấp đất trồng chè. Ban đầu, chúng tôi gặp khó khăn khi chưa có kỹ thuật canh tác, được HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cung ứng phân bón, bao tiêu sản phẩm, bình quân mỗi ha đạt 100-120 triệu đồng/năm. Gia đình tôi có 3 ha chè liên kết với HTX nên có nguồn thu nhập khá.
Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập còn đóng góp tích cực cho công tác xã hội. Mỗi năm, đơn vị dành khoảng 25% trên tổng lợi nhuận để thực hiện công tác hỗ trợ an sinh xã hội, làm nhà tình nghĩa cho các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, cho hay: HTX đã hỗ trợ người trồng chè nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong định hướng phát triển, HTX đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe các thị trường, vì sức khỏe người tiêu dùng. Bà Hoàng Thị Thúy, Giám đốc HTX, cho biết: HTX dự kiến tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu thêm từ 30 đến 60 ha; sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Tiếp tục giữ vững thương hiệu các sản phẩm chè đạt OCOP 4 sao và nghiên cứu thêm các sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. Mở rộng thị trường tiêu thụ ngoài Trung Đông sang châu Á, châu Âu, nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng chè.
Phát huy kết quả 20 năm xây dựng và trưởng thành, HTX sản xuất, kinh doanh chè Tân Lập tăng cường liên kết hợp tác giữa các thành viên và hộ sản xuất, đồng hành với các hộ trồng chè vươn lên làm giàu, đưa thương hiệu chè Tân Lập ngày càng bay xa tới các thị trường trong nước và thế giới, góp phần xây dựng nông thôn mới Tân Lập ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!