Với nhiều hoạt động thiết thực, Hội Nông dân huyện Phù Yên đã hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; duy trì phát triển các sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.
Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, cho biết: Hội có 27 cơ sở hội trực thuộc, với tổng số trên 17.000 hội viên. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, kết hợp tuyên truyền phát triển vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Tập trung hướng dẫn và mở rộng quy mô sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất sản phẩm sạch; xây dựng nhà lưới, nhà kính, nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt... Thực hiện các mô hình trình diễn giống lúa thuần chất lượng cao và giống lúa lai, với quy mô hơn 24 ha. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các cơ sở hội đã nhận ủy thác gần 173 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 3.843 hộ hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Trong quý I, Hội phối hợp với Công ty giống cây trồng Thái Bình cung ứng 4,2 tấn thóc giống các loại cho hội viên nông dân vay theo hình thức trả chậm. Thẩm định, hướng dẫn lập hồ sơ dự án nuôi bò sinh sản cho 16 hội viên của xã Mường Do, Mường Bang từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, với tổng số 800 triệu đồng. Phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình chăn nuôi 3B gắn với trồng cỏ và liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Tân Lang, với quy mô 5 con bò...
Hiện nay, 6 xã vùng Mường của huyện Phù Yên có gần 700 ha cây ăn quả có múi, trong đó trên 500 ha đã cho thu hoạch. Hằng năm, Hội Nông dân huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn nông dân quy trình chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất sạch, nhằm nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đến nay, đã có trên 50 hộ nông dân đầu tư hệ thống tưới ẩm cho diện tích cây ăn quả của gia đình.
Anh Lê Văn Toàn, Chi hội Nông dân bản Văn Tân, xã Mường Cơi, cho biết: Thực hiện quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, tôi đã thực hiện phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ đối với toàn bộ 4 ha cây ăn quả của gia đình. Vì vậy, chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, không phải lo đầu ra của sản phẩm. Vụ quả năm 2022 của gia đình, sản lượng đạt gần 60 tấn, trừ chi phí thu 1,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản. Đưa các sản phẩm nông sản, rau, củ, quả và các sản phẩm OCOP trưng bày tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Hướng dẫn, hỗ trợ nông dân đăng ký lên sàn thương mại điện tử PostMart để giới thiệu và tiêu thụ các sản phẩm gạo hữu cơ, nước cốt chanh leo, quýt, chè, miến dong, tỏi...
Qua đánh giá, huyện Phù Yên có 3.520 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; trong đó 27 hộ cấp Trung ương, 201 hộ cấp tỉnh, 674 hộ cấp huyện, còn lại là cấp xã. Đến nay, có nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình là hộ gia đình ông Trần Văn Huân, bản Yên Thịnh, xã Tân Lang, với mô hình trồng dưa hấu, dưa lê trên đất đồi; mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Văn Ba, bản Trò, xã Huy Hạ; trồng quýt ngọt của anh Nguyễn Văn Sử, bản Nghĩa Hưng, xã Mường cơi... Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống còn 18%.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao và tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, Hội Nông dân huyện Phù Yên luôn đồng hành giúp hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!