Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần quảng bá thương hiệu các loại nông sản, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng nền tảng công nghệ số đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Các thành viên Hợp tác xã nông sản Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đưa sản phẩm na lên sàn thương mại điện tử.

Các thành viên Hợp tác xã nông sản Chi Lăng, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đưa sản phẩm na lên sàn thương mại điện tử.

Anh Lăng Văn Hưng, người dân tộc Nùng, ở thôn Bãi Hào, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, thổ lộ: Tháng 7/2021, anh được tham dự một cuộc họp, hướng dẫn về phát triển kinh tế số, bán hàng trên sàn thương mại điện tử do chi bộ thôn phối hợp Viettel Post Lạng Sơn tổ chức. Trước đây, khi vào vụ na, những hộ trồng na ở Chi Lăng như anh chỉ có thể chở hàng ra chợ cách nhà gần 4km để bán cho thương lái. Giờ, khách hàng của anh có người ở tận mũi Cà Mau, Bến Tre... cũng được thưởng thức quả na Chi Lăng. Không ít khách hàng tâm sự, chưa từng ăn quả na đặc sản Chi Lăng do nghĩ xa xôi quá thì nay, sau khi đặt đơn không quá 48 giờ đã có na trên tay...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chi Lăng Trần Văn Tuấn cho biết: Hiện toàn xã có hơn 415ha na, trong đó có 120ha diện tích được người dân trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Vụ na năm nay, sản lượng na đạt gần 3.800 tấn, ước doanh thu hơn 114 tỷ đồng. Cũng như gia đình anh Lăng Văn Hưng, hiện có hơn 1.000 hộ gia đình trong xã (chiếm 70% số hộ dân) được chính quyền địa phương cùng các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển cửa hàng số và mở tài khoản thanh toán điện tử, trên hai sàn thương mại điện tử: voso.vn và postmart.vn.

Giám đốc Hợp tác xã nông sản Chi Lăng Nguyễn Thị Lý chia sẻ: Trước đây, người dân trên địa bàn thường tự sản xuất, tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhưng từ vụ na năm 2021, được sự quan tâm của các ngành chức năng của huyện, hợp tác xã đã bán hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Vào vụ na năm nay, bình quân mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ được hơn năm tấn na cho người dân trong vùng.

Giám đốc Hợp tác xã nông sản Chi Lăng Nguyễn Thị Lý: Từ vụ na năm 2021, được sự quan tâm của các ngành chức năng của huyện, hợp tác xã đã bán hàng hóa, nông sản trên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post). Vào vụ na năm nay, bình quân mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ được hơn năm tấn na cho người dân trong vùng.

Huyện Đình Lập là huyện đặc biệt khó khăn thuộc diện 30a nhưng từ năm 2021 đến nay, huyện đã thành lập 113 tổ công nghệ số cộng đồng hỗ trợ người dân mở tài khoản, cửa hàng số. Bà Hoàng Thị Kim Hoạt, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đình Lập nói: Hiện nay, toàn huyện có 3.511 tài khoản thanh toán điện tử và 11.862 tài khoản trên sàn giao dịch postmart.vn và voso.vn. Các mặt hàng được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử gồm: Vịt cổ xanh Đình Lập, bún ngô Thuận Anh, chè Bát Tiên…

Chị Bế Lan Anh, chủ cơ sở sản xuất bún ngô Thuận Anh cho biết: Trước đây, trung bình chị chỉ sản xuất từ 1 đến 1,2 tấn bún khô/tháng và chỉ bán trong huyện, nhưng từ năm 2021 đến nay bình quân xuất bán được từ 8 đến 10 tấn bún khô/tháng. Nhờ bán hàng trên mạng xã hội nên sản phẩm bún khô đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An... Sản phẩm bún ngô Thuận Anh đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, đạt 4 sao từ năm 2019.

Từ năm 2021 đến nay, kinh tế số nông nghiệp nông thôn đã được tỉnh Lạng Sơn triển khai, duy trì phát triển nhanh và bền vững trên sàn thương mại điện tử portmart.vn và voso.vn. Phó Giám đốc Sở thông tin và Truyền thông tỉnh Nguyễn Trọng Hùng cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 202.000 tài khoản bán và hơn 115.000 tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn, đưa 19.438 lượt sản phẩm là nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP lên gian hàng trực tuyến.

Doanh thu bán hàng trên kênh thương mại điện tử đạt hơn 13,7 tỷ đồng. Riêng sản phẩm quả na trên hai sàn thương mại điện tử voso.vn và postmart.vn đến nay, đã có 593 đơn hàng với khối lượng tiêu thụ là 2.945kg...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Hùng nhấn mạnh thêm: Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc. Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng tham gia.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Trọng Hùng:Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc.

Người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Để người dân được hưởng lợi ích từ chuyển đổi số, tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, tỉnh đã kiện toàn 1.680 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên, là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân.

Tổ công nghệ số cộng đồng gồm các trưởng thôn, trưởng bản làm tổ trưởng đang từng ngày tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định: Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ lọt tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, trong đó kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh.

Từ khi đưa Nghị quyết số 49 vào thực tiễn, đến nay đã có một số tín hiệu tích cực. Nhiều người dân trước đó chưa có khái niệm về bán hàng, kinh doanh online nhưng đến nay đã có doanh thu lên đến hàng trăm triệu đồng từ việc đưa đặc sản của quê hương lên các cửa hàng số.

Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, góp phần mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh Lạng Sơn ra ngoài tỉnh và các nước trên thế giới. Đồng thời cũng giúp các hộ nông dân tăng thu nhập, bớt sự nhọc nhằn, rủi ro khi được mùa mất giá, được giá thì mất mùa...

Theo Báo Nhân dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới