Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng nông sản

Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, nhất là phát triển cây ăn quả, huyện Yên Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng các loại sản phẩm có giá trị kinh tế, có khả năng cạnh tranh cao, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế nông sản.

Thành viên HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn cây ăn quả.

Nâng cao chất lượng nông sản, nhiệm vụ đầu tiên được ngành nông nghiệp huyện Yên Châu triển khai đó là đẩy mạnh tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả kém hiệu quả sang vườn cây ăn quả có thu nhập cao. Đồng thời, nhân rộng diện tích cây ăn quả có lợi thế của huyện, như: Xoài, chuối, nhãn, mận…

Theo đó, huyện đã phân bổ hàng tỷ đồng từ các chương trình hỗ trợ theo nghị quyết của HĐND tỉnh Sơn La đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng những vùng chuyên canh cây ăn quả chất lượng cao, xây dựng vùng xoài, mận hậu, tỏi ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các loại quả đặc trưng…

Ông Cao Xuân Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Đến thời điểm này, các mô hình đã phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các hợp tác xã, tổ sản xuất tổ chức các buổi tập huấn, tọa đàm, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân, hội viên...ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, nâng cao giá trị cây ăn quả, như: nhãn chín muộn; xoài ghép Đài Loan, xoài Thái, xoài Úc, lê.... Ứng dụng mắt ghép vào cải tạo một số diện tích, vườn cây ăn quả đã già cỗi được 89 ha. Xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước tại 5 Hợp tác xã, với tổng diện tích cây ăn quả được tưới là 20 ha. Huyện còn hỗ trợ xây dựng 1 dây truyền sơ chế quả tại HTX An toàn Chiềng Hặc, 3 kho lạnh bảo quản quả trên địa bàn.

Nông dân xã Tú Nang trồng xen ghép dưa hấu trên đất trồng cây ăn quả lâu năm.

Hợp tác xã Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, xã Chiềng Hặc đi đầu trong trồng, chăm sóc xoài trên địa bàn huyện, đã áp dụng những quy trình kỹ thuật khoa học trong tỉa cành, tưới nước, sử dụng bón phân, sử dụng “4 đúng” về thuốc BVTV, quá trình chăm sóc, thu hoạch áp dụng theo quy trình VietGAP và được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất quả.

HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu bao trái cho xoài.

Ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Nông nghiệp an toàn Chiềng Hặc, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, cho biết: Từ năm 2018, chúng tôi triển khai ứng dụng công nghệ cao như tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ thay thế vô cơ, bón phân, phun thuốc bằng máy áp lực cao để làm theo hướng công nghiệp. Sau thu hoạch, để chuẩn bị cho vụ quả năm sau đạt mẫu mã, chất lượng, các thành viên cắt tỉa, đốn hạ tán và đốn đau, ép cây hoa ra sớm. Ban đầu, nhiều thành viên do dự, nhưng kết quả thu được trong năm đầu tiên là năng suất tăng thêm, chất lượng mẫu mã đẹp, bán được giá, thu nhập cao gấp đôi đã tạo sự suy chuyển trong nhận thức cho thành viên. Về sử dụng hữu cơ, chủ yếu dùng phân chuồng hoai mục, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và phân xanh, áp dụng theo hướng hữu cơ vừa cải tạo được đất, vừa giữ môi trường sinh thái, cây cối phát triển xanh bền, khỏe, năng suất và chất lượng tăng theo từng năm.

Thành viên HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng huyện Yên Châu tỉa nhãn.

Còn HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu là một trong những HTX trồng nhãn tiêu biểu của huyện, HTX có 10 thành viên, 100 ha trồng nhãn, xoài, bưởi, trong đó 70 ha nhãn được cấp mã vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cùng với kinh nghiệm sản xuất sau nhiều năm, các thành viên trong HTX đã bám vào đặc điểm phát triển của cây để thực hiện bón phân, phun thuốc, tỉa cành theo đúng kĩ thuật cho cây ra hoa, đậu quả đều. Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu cho biết: Các thành viên HTX tuân thủ việc chăm sóc cây ăn quả theo quy trình VietGAP, có sổ nhật ký ghi chi tiết từ khâu bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn. Đặc biệt, không sử dụng thuốc diệt cỏ, chỉ dùng máy phát cỏ. Một số hộ thành viên còn đầu tư hệ thống tưới ẩm tự động ở gốc và hệ thống phun trên cao.

Đến nay, toàn huyện Yên Châu có trên 11.300 ha cây ăn quả, trong đó có 787 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hơn 1.140 ha được cấp mã số vùng trồng. Việc ứng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân trên cùng một đơn vị diện tích, năm 2022, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt trung bình 52 triệu đồng/ha đất trồng trọt, giá trị hàng hóa nông sản tham gia xuất khẩu ước đạt 5,4 triệu đô la Mỹ.

Thành viên HTX Nông nghiệp Xuân Tiến, xã Sặp Vạt kiểm tra hệ thống tưới nước tự động cho cây ăn quả.

Giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Yên Châu đã ban hành kế hoạch số 202 về “Phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao” đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là với lĩnh vực sản xuất cây ăn quả, mục tiêu phát triển được 20% diện tích cây ăn quả ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện thực hóa mục tiêu đó, Yên Châu đang tập trung tuyên truyền vận động nông dân chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất hàng hóa; nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đạt hiệu quả kinh tế cao; các mô hình an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...; tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế so với diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống...

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới