Cây chè cổ thụ ở bản Ôn Ốc

Nằm ở độ cao 1.300 m so với mặt nước biển, bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, có những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên trên đỉnh Pha Đét; thân cây nhuộm màu trắng mốc, búp chè mập mạp, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng giống như tuyết phủ nên được gọi là chè shan tuyết.

Những cây chè shan tuyết cổ thụ trên đỉnh núi Pha Đét, bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu.

Theo lời kể của những người cao niên trong bản, những cây chè cổ thụ đã có hàng trăm năm, không ai biết rõ trồng từ bao giờ vì khi sinh ra đã thấy có cây chè. Trước đây, bà con thu hái về làm nước uống và làm quà biếu, hoặc mang về xã Chiềng Hặc, Tú Nang, thị trấn để đổi thóc, đổi vải. Để bảo quản chè, bà con thu hái chè búp tươi, sao trên chảo gang. Sau đó, cho chè vào ống lam tươi, rồi để trên gác bếp và dùng để pha trà mời khách hoặc làm quà biếu.

Cây chè cổ thụ cao hơn 15m, thân mốc trắng rêu phong.

 

Nhân dân phải trèo lên cây để thu hái.

Cách đây chục năm, vùng chè cổ thụ ở Ôn Ốc bị bỏ không, nhiều gốc chè bị bà con chặt bỏ để lấy chỗ canh tác những cây trồng khác; một số ít thì bị gia súc phá, lâu ngày chết khô. Vùng chè 5 ha thu hẹp và chỉ còn một phần nhỏ. Nhận thấy giá trị kinh tế của cây chè cổ thụ Ôn Ốc, thành viên HTX Tuổi trẻ 26/3 thị trấn Yên Châu đã cùng chính quyền địa phương vận động bà con giữ gìn, chăm sóc những gốc chè còn lại; xây dựng thương hiệu chè cổ thụ shan tuyết với mong muốn giúp bà con phát triển kinh tế.

Cây chè cổ thụ ở bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm.

Anh Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3, cho biết: Năm 2018, tôi được bà con mời thưởng thức và giới thiệu về cây chè cổ thụ nơi đây. Nước chè màu vàng nâu, vị chát nhẹ khi mới uống và đọng lại vị ngọt dịu nơi cuống họng, rất đặc biệt. Để giữ gìn, bảo tồn những cây chè cổ thụ, HTX đã nhiều lần đến từng gia đình tuyên truyền bà con không chặt bỏ cây chè; hướng dẫn việc đốn tỉa, hạ tán thấp xuống để cây ra búp, dễ thu hoạch; hướng dẫn kỹ thuật hái chè, bảo quản chè búp tươi sau khi hái, khôi phục và phát triển vùng chè.

Cùng với đó, HTX ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, đầu tư máy móc, bao gói sản phẩm bắt mắt, chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ sản phẩm… Hiện nay, HTX Tuổi trẻ 26/3 đã xây dựng thành công sản phẩm chè shan tuyết Ôn Ốc đạt chuẩn OCOP 3 sao, giới thiệu trên nhiều sàn giao dịch điện tử, như Lazada, Vỏ sò, Sen đỏ.

Thân chè cổ thụ mốc trắng có đường kính 20 cm, tuổi thọ trên 100 tuổi.

Là hộ gia đình sở hữu chè shan tuyết và liên kết với các hộ gia đình chăm sóc chè cổ thụ, anh Vừ A Tống, bản Ôn Ốc, chia sẻ: Chúng tôi thu hoạch chè bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hằng năm. Trung bình mỗi tháng thu hoạch 2 lứa, mỗi lứa 70-80kg chè búp tươi. Chè được thu hoạch bằng cách thủ công, 1 tôm 2 lá; cứ 5 kg chè tươi, sau chế biến thu được 1 kg chè khô. Tháng 12 hằng năm, tôi được thành viên HTX hướng dẫn kỹ thuật cắt tỉa cây chè. Để cây sinh trưởng, phát triển tốt, tôi đã ủ phân chuồng hoai mục để bón cho cây. Do áp dụng kỹ thuật chăm sóc nên sản lượng chè năm sau cao hơn năm trước, trung bình đạt khoảng 1,4 tấn búp tươi/năm. Hiện nay, tôi đang bao thầu vườn chè cổ thụ của 10 hộ dân trong bản, chăm sóc, thu hái, sao chè cho HTX đóng gói.

Nhân dân bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm, thu hoạch chè shan tuyết cổ thụ

Ông Thào A Vạng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ôn Ốc, thông tin: Hiện nay, bản có 355 cây chè shan tuyết cổ thụ hằng trăm năm tuổi. Bà con quyết tâm gắn bó với cây chè bằng việc chăm sóc chè theo hướng hữu cơ, không phun thuốc hay dùng phân bón hóa học để giữ hương vị tự nhiên vốn có. Từ năm 2019 đến nay, bản đã vận động bà con giữ gìn cây chè còn sót lại và trồng mới 1.000 cây chè shan tuyết. Riêng năm 2023, các hộ đã ươm thành công 1.000 cây giống chè shan tuyết để trồng trong năm 2024.

Tin tưởng rằng, với định hướng xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương, cây chè cổ thụ ở Ôn Ốc sẽ ngày càng nâng cao giá trị, mang thêm nguồn thu nhập cho bà con địa phương.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới