“Cầu nối” khoa học kỹ thuật với nông dân

Với vai trò là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật đến với nông dân, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã tích cực giúp nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, góp phần cùng địa phương từng bước xây dựng các thương hiệu nông sản đặc trưng.

Cán bộ khuyến nông xã Tường Phù hướng dẫn nhân dân sử dụng phụ phẩm nông nghiệp che, giữ độ ẩm cho đất.

Hiện nay, huyện Phù Yên có trên 100 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Trung tâm đã chia các xã trong huyện thành 3 cụm, gồm: Cụm xã vùng Mường, cụm xã vùng Mường Tấc và cụm xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình; phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, hỗ trợ cán bộ khuyến nông theo dõi sát tình hình để có những chỉ đạo kịp thời, giúp nông dân sản xuất hiệu quả.

Ông Nguyễn Bá Tú, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên, cho biết: Hiện nay, Trung tâm có hơn 40 cán bộ, nhân viên, trong đó 30 người làm công tác chuyên môn. Trước mỗi mùa gieo trồng, Trung tâm tổ chức chuyển giao kỹ thuật sản xuất kết hợp với tư vấn cho bà con lựa chọn các giống cây trồng mới, có khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết. Việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân được Trung tâm thực hiện bằng nhiều hình thức, phù hợp với khả năng tiếp thu của bà con ở từng vùng, như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, sinh hoạt câu lạc bộ khuyến nông... Nội dung tập huấn tập trung vào ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn và bảo vệ môi trường, như xây dựng các mô hình trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất lúa hữu cơ; tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn vật nuôi; phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh dịch trên đàn vật nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời; ủ phân vi sinh, xử lý chất thải chăn nuôi...

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã tổ chức trên 30 lớp chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng ngắn ngày và phương pháp đào hố, bón lót trước khi trồng các loại cây lâu năm, cây lâm nghiệp... cho trên 2.600 lượt nông dân. Duy trì trên 10 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp triển khai tại các xã trên địa bàn huyện. Mở rộng 40 ha lúa hữu cơ tại xã Huy Tường, với trên 200 hộ tham gia...

Những nỗ lực của Trung tâm đã góp phần giúp cho ngành nông nghiệp của huyện Phù Yên phát triển theo hướng bền vững. Hiện nay, toàn huyện có 2.500 ha cây ăn quả, trong đó, 200 ha sản xuất theo hướng VietGAP và hữu cơ. Ngoài ra, nông dân còn sản xuất vụ 3 với các loại cây trồng như tỏi, rau xanh các loại; trồng 250 ha cây gai xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao… Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng đàn gia súc, gia cầm đạt trên 800 nghìn con.

Anh Hà Văn Trọng, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên phụ trách cụm xã vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, chia sẻ: Địa hình các xã vùng cao và vùng lòng hồ thường có độ dốc lớn, dễ bị xói mòn, nên năng suất cây trồng đạt thấp. Vì vậy, chúng tôi chú trọng hướng dẫn nhân dân làm đất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi, quy trình kỹ thuật chăm sóc phù hợp; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Là một trong những hộ dân thực hiện trồng cây lâm nghiệp vào cuối năm 2022, anh Mùi Văn Trọng, bản Bông, xã Tân Phong, chia sẻ: Gia đình có hơn 1 ha đất nương, có độ dốc lớn, bạc màu. Được cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tư vấn chuyển sang trồng cây tếch; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, bón phân đúng cách, đúng thời điểm. Hiện nay, 1.000 cây tếch của gia đình đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Làm tốt vai trò của mình, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên tiếp tục chỉ đạo cán bộ khuyến nông phụ trách các cụm xã và khuyến nông viên các xã bám sát cơ sở, đồng hành cùng nông dân trong sản xuất, góp phần tích cực vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở địa phương.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới