Sam Kha những ngày tháng 5

Trong cái nắng oi ả của những ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp được đồng hành cùng với Hội LHTN Việt Nam tỉnh trong chương trình Ngày hội thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác - tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng tại xã Sam Kha - xã đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp.

 

Thành viên CLB Thầy thuốc trẻ Sơn La cấp phát thuốc cho bà con xã Sam Kha (Sốp Cộp) trong chuyến tình nguyện.

Tại đây, Đoàn khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 500 người dân; tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn 9 bản; hướng dẫn phương pháp sơ cứu, cấp cứu cơ bản cho giáo viên Trường THCS xã Sam Kha; tổ chức “Ngày hội rửa tay bằng xà phòng” cho gần 300 học sinh Trường THCS Sam Kha, cắt tóc miễn phí cho nhân dân và học sinh.

Trong chuyến tình nguyện này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn cuộc sống của người dân nơi đây. Qua tìm hiểu, cả xã có 10 bản thì 4 bản chưa có điện lưới quốc gia; một số chỉ tiêu phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng ngô đạt thấp; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 chiếm tới 84,6%... Hằng năm, các hộ nghèo của xã Sam Kha vẫn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước từ các chương trình: Nghị quyết 30a, 135, 102... về giống cây trồng, vật nuôi như khoai tây, xoài, dong riềng, bò, ngựa sinh sản... Không chỉ được hỗ trợ, người dân còn được cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể định hướng, hướng dẫn cách làm kinh tế theo hướng hàng hóa. Song việc tiếp thu kiến thức mới để áp dụng vào phát triển kinh tế của bà con chưa được bao nhiêu, sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, một bộ phận còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Phần nữa, khí hậu khắc nghiệt, địa hình dốc, diện tích đất canh tác thường xuyên bị lũ quét, nắng hạn.

Chúng tôi được ông Sộng A Dia, Trưởng bản Sam Kha thông tin: Hiện, bản có 78 hộ dân, thì 74 hộ thuộc diện hộ nghèo, trung bình mỗi nhân khẩu 1.000 m2 đất sản xuất, tuy nhiên đất dốc và bạc màu, năng suất không cao. Tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng cao, thành ra rất nhiều gia đình vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Rời bản Sam Kha, chúng tôi về bản Púng Báng, ghé vào nhà chị Thào Thị Pạ. Vừa đi làm ruộng về, được hỏi chị Pạ thật thà: Đường sá đi lại khó khăn lắm, khí hậu lại khắc nghiệt, đất canh tác bạc màu, mỗi vụ canh tác lúa, trồng ngô gia đình tôi cũng chỉ thu được 25-30 bao/ha (trung bình 40kg/bao). Rất mong, Nhà nước hỗ trợ thêm con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, chỉ cho cách xây dựng mô hình kinh tế; tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi để chúng tôi phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Chia sẻ về giải pháp tháo gỡ những khó khăn của xã, ông Quàng Văn Hặc, Chủ tịch UBND xã cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã đang lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu, cây trồng kém năng suất sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như xoài, nhãn; tích cực trồng cỏ đảm bảo thức ăn cho hơn 2.000 con gia súc; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể tăng cường công tác phối hợp, nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng giúp người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển kinh tế. Cấp ủy, chính quyền xã cũng rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông; chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả để bà con trong xã áp dụng và nhân rộng; hỗ trợ vốn vay cho người dân... Cũng theo lộ trình xây dựng nông thôn mới trong năm 2018, xã được đầu tư 2 đập tràn liên hợp trị giá trên 6 tỷ đồng; nhà công vụ, phòng làm việc cho công an xã, trị giá 1 tỷ đồng; kéo điện lưới cho 4 bản còn lại (Phá Thông, Huổi Mi, Huổi Phô, Hín Trá)...

Ánh nắng chiều dần khuất, đoàn tình nguyện rời Sam Kha, tôi thầm mong, lần sau trở lại Sam Kha sẽ được chúng kiến sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất khó khăn này.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

    Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

    Khoa Giáo -
    Giáo dục kỹ năng sống, giúp học sinh trang bị kiến thức về cuộc sống, rèn luyện cách ứng xử, biết yêu thương, chia sẻ và thích nghi với những tình huống bất ngờ. Đó là cách làm của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh, giúp học sinh hình thành nhân cách và lối sống tích cực.
  • '“Ánh sáng” từ những lớp học xóa mù chữ

    “Ánh sáng” từ những lớp học xóa mù chữ

    Khoa Giáo -
    Việc phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện, giúp nhân dân được tiếp cận thông tin, cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • 'Chiềng San chuyển hóa địa bàn không có ma túy

    Chiềng San chuyển hóa địa bàn không có ma túy

    An ninh trật tự -
    Quyết tâm đẩy lùi ma túy, xã Chiềng San, huyện Mường La, đã triển khai các giải pháp linh hoạt, phù hợp với thực tế để chuyển hóa, xây dựng các cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn “không có ma túy”, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa ma túy trong cộng đồng.
  • 'Giữ vững an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

    Giữ vững an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh

    An ninh trật tự -
    Với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh phát huy vai trò đơn vị nòng cốt tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh thực hiện hiệu quả việc quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong lĩnh vực xuất nhập cảnh; tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh.
  • 'Nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên

    Nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên

    An ninh trật tự -
    Những phiên tòa giả định, với tính trực quan sinh động, phản ánh các hành vi phạm tội cụ thể, đã giúp đoàn viên, thanh niên nhận diện rõ ranh giới giữa đúng và sai và cảm nhận được tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là một trong những hình thức tuyên truyền pháp luật sáng tạo, hiệu quả, đang được các cơ sở Đoàn trong tỉnh phối hợp triển khai, nâng cao kiến thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên.