Thực hiện bình đẳng giới gắn với tạo việc làm

Những năm qua, huyện Phù Yên luôn quan tâm thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục; giúp chị em được học tập, nâng cao trình độ mọi mặt và tham gia các hoạt động xã hội; phát huy khả năng, tìm kiếm việc làm phù hợp, nâng cao mức sống của gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Mô hình trồng bí xanh của hội viên phụ nữ xã Huy Tân, huyện Phù Yên.

Chị Nguyễn Thị Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Phù Yên, cho biết: Phù Yên hiện có 84.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó nữ giới chiếm 47,4%. Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, phụ nữ trên địa bàn huyện đã chủ động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế. Hằng năm, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo nghề cho hội viên, quan tâm đến đối tượng hội viên là phụ nữ nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài huyện có nhu cầu tuyển dụng lao động để giới thiệu, tư vấn việc làm, giúp phụ nữ có việc làm phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định lâu dài.

Từ đầu năm đến nay, huyện Phù Yên có gần 1.600 người lao động được đào tạo nghề tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, trong đó 40% là nữ giới. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, đã có 150 phụ nữ được tuyên truyền, vận động tham gia khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; 150 chị được đào tạo, nâng cao năng lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quản lý và sử dụng nguồn vốn; 400 lượt phụ nữ được tập huấn, trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới. Toàn huyện đã có 27 phụ nữ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; 2 hội viên là chủ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác. Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ năm 2022 còn 549 hộ.

Hội Phụ nữ xã Huy Tân có 10 chi hội, với 904 hội viên. Nhờ tìm kiếm, kết nối việc làm cho hội viên thông qua các công ty, doanh nghiệp, đến nay, xã có 342 phụ nữ đang làm việc tại Công ty cổ phần giày Ngọc Hà; 68 chị làm việc tại Nhà máy gạch Tuynel Phù Yên và 178 phụ nữ làm công nhân tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Từ nguồn thu nhập ổn định hàng tháng đã giúp các chị em đảm bảo trang trải cuộc sống, nhiều hộ xây dựng nhà cửa khang trang, rộng rãi, sắm sửa đồ dùng thiết yếu phục vụ sinh hoạt trong gia đình, đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã xuống còn 13%; số hộ nghèo, cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chỉ còn 16 hộ.

Làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, nhiều chị em phát huy được khả năng về chuyên môn và công tác quản lý, được các doanh nghiệp tin tưởng phân công làm tổ trưởng, ca trưởng, phó quản đốc. Chị Hoàng Thúy Doanh, bản Giáo, xã Huy Tân hiện đang là Phó quản đốc của Công ty cổ phần giày Ngọc Hà, cho biết: Làm việc tại Công ty, ngoài có nguồn thu nhập khá, tôi còn có cơ hội được rèn luyện và phát triển năng lực, kỹ năng về kiến thức văn hóa, xã hội và giao tiếp, giúp tôi tự tin, mạnh dạn hơn. Hiện, tôi đang quản lý 8 tổ may, với 224 lao động, trong đó lao động nữ chiếm gần 96%.

Với mục đích duy trì và phát triển giống chè Shan tuyết cổ thụ tại địa phương, phụ nữ xã Mường Do đã liên kết thành lập tổ hợp tác sản xuất chè sạch Shan tuyết Mường Do vào tháng 9/2017, với 15 thành viên. Chị Hà Thị Nu, Tổ trưởng tổ hợp tác, cho biết: Đảm bảo chè đạt năng suất và chất lượng theo tiêu chuẩn VietFarm, Trung tâm phát triển và hội nhập CDI (tổ chức phi chính phủ) đã hướng dẫn các thành viên kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè trong từng thời kỳ và quá trình chế biến chè. Năm 2019, sản phẩm chè của tổ hợp tác được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietFarm, năm 2020, được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mỗi năm, tổ hợp tác sản xuất 4 tấn chè tươi, thu 0,8 tấn chè khô, bán với giá 200.000 đồng/kg. Chè San Tuyết giúp các chị em trong tổ có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Thực hiện bình đẳng giới gắn với tạo việc làm đã giúp nhiều phụ nữ tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Phù Yên có thêm thu nhập, làm chủ cuộc sống. Nhiều tấm gương phụ nữ điển hình làm kinh tế giỏi, nữ giới đảm nhiệm tốt vai trò lãnh đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của huyện.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới