Trở lại Pắc Ngà

Pắc Ngà là một trong các xã vùng lòng hồ đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, có trên 1.400 hộ, sinh sống tại 8 bản, với 99% dân tộc Thái. Những năm qua, cùng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, Pắc Ngà nỗ lực tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, từng bước thay đổi phương thức sản xuất của người dân, đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo.

Giọng nữ
Tuyến đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên - quốc lộ 279D, huyện Mường La qua địa phận xã Pắc Ngà được cứng hóa.

Những năm trước, ai đã từng đến xã Pắc Ngà, không thể quên được sự khó khăn, xa xôi của vùng đất này. Đường về xã chỉ có tuyến đường sông từ bến Tạ Khoa, ngược dòng sông Đà, mất hơn 2 giờ mới đến trung tâm xã. Lần này, trở lại Pắc Ngà chúng tôi chỉ mất 1 giờ trên tuyến đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên - quốc lộ 279D, huyện Mường La. Dọc hai bên đường là những ngôi nhà mới xây khang trang; trên các sườn đồi phủ kín màu xanh của cây ăn quả.

Đón chúng tôi, ông Hà Văn Hoành, Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ngà, thông tin: Tuyến đường bộ có tổng chiều dài hơn 67km, đi qua các xã Phiêng Ban, Chim Vàn, Pắc Ngà của huyện Bắc Yên và hai xã Chiềng Hoa, Chiềng San của huyện Mường La. Tuyến đường hoàn thành là mơ ước bao đời nay của nhân dân trong khu vực, giúp bà con đi lại thuận lợi, nông sản làm ra không còn bị tư thương ép giá. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cùng với tuyến đường bộ nối từ quốc lộ 37 qua trung tâm xã, hệ thống điện, trường học, trạm y tế ở xã được xây dựng đồng bộ, cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội và đời sống của đồng bào được cải thiện, phát triển theo hướng bền vững.

Thăm bản Pắc Ngà, các đảng viên đang tập trung tại nhà văn hóa bản để dự cuộc sinh hoạt chi bộ thường kỳ. Ông Vì Văn Chuyền, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pắc Ngà, phấn khởi cho biết: Bản có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc Thái, đầu năm nay, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhà văn hóa được xây dựng rộng gần 200 m2 hoàn thành, đưa vào sử dụng giúp bản thuận lợi trong việc tổ chức hội họp và các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao. Hiện nay, nhân dân trong bản tích cực đóng góp tiền, ngày công hoàn thiện đổ bê tông sân nhà văn hóa và xây dựng tường rào bằng đá cuội. Giúp các hộ nghèo vươn lên, từ năm 2021 đến nay, nhân dân trong bản còn được hỗ trợ gần 2 tấn thóc giống; 5 tấn vôi bột và 12.000 cây tếch để trồng vào các diện tích đất bạc màu.

Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xã Pắc Ngà được hỗ trợ gần 71.000 cây giống các loại; đầu tư xây mới 1 nhà văn hóa bản; đổ bê tông 3,6 km đường liên bản… 

Mô hình nuôi bò thương phẩm của nông dân bản Pắc Ngà.

Quyết tâm, vươn lên xoá đói, nghèo, Đảng bộ xã đề ra nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế, trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa xã thoát nghèo; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp, từng bước thay thế cây lương thực ngắn ngày bằng một số loại cây ăn quả, cây tếch, dổi… trên các sườn đồi ven sông, vừa phủ xanh đất trống, đồi trọc và tăng khả năng giữ đất, ngăn việc sạt lở bờ sông. Đối với các bản ven sông, chỉ đạo nhân dân thâm canh lúa nước, cải tạo các bãi bán ngập trồng rau màu, gieo cấy lúa ngắn ngày...

Đến nay, toàn xã có 315 ha cây ăn quả các loại; thâm canh hơn 326 ha lúa 2 vụ, 20 ha rau màu. Bên cạnh đó, nhân dân các bản còn đầu tư nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, với hơn 9.600 con gia súc, trên 24.400 con gia cầm các loại; trồng và chăm sóc 201 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Giúp nhân dân có vốn sản xuất, các tổ chức - chính trị xã hội xã đã nhận ủy thác vốn tín dụng ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 23 tỷ đồng, cho 585 hộ vay.

Mô hình nuôi ếch của nông dân bản Ảng.

Thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của đình ông Hà Văn Chăn, bản Ảng, là hộ điển hình vươn lên thoát nghèo của xã. Ông Chăn chia sẻ: Năm 2021, được vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bắc Yên, gia đình tôi đã làm chuồng trại, mua giống lợn đen bản địa, nuôi theo hình thức bán chăn thả, tiêm vắc xin đầy đủ. Hiện nay, gia đình nuôi trung bình 30-40 con lợn, xuất bán 2 lứa/năm, giá bán 120-140.000 đồng/kg. Ngoài ra, tôi còn tận dụng diện tích mặt nước, nuôi gần 2.000 con ếch thương phẩm... Kinh tế phát triển, cuộc sống của gia đình tốt hơn, có điều kiện chăm lo cho các con ăn học.

Hiện thực hóa nghị quyết của Đảng vào thực tế cuộc sống, giúp Pắc Ngà từng bước giảm nghèo. Điều đó, minh chứng qua tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm trung bình 4,5%/năm. Đến nay, 100% số bản của xã có nhà văn hóa, 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, 99% số hộ xem truyền hình.

Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xã Pắc Ngà tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai các dự án phát triển sản xuất, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới