Tạ Khoa là xã vùng III của huyện Bắc Yên, có địa hình phức tạp, giao thông cách trở và thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai trên địa bàn xã, góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân.
Nhiều chương trình, dự án hiệu quả
Tạ Khoa có 6 bản, hơn 980 hộ, với trên 4.600 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc: Mường, Thái, Mông, Kinh cùng sinh sống. Cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai nhiều giải pháp, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.
Về bản Tân Cuông, các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông, nhiều ngôi nhà xây kiên cố cùng những vườn cây ăn quả. Ban quản lý bản thường xuyên tuyên truyền, khởi dậy nội lực của địa phương; thay đổi nhận thức của nhân dân, không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên phát triển sản xuất để thoát nghèo.
Năm 2020, được sự quan tâm của Nhà nước, gần 4 km tuyến đường từ trung tâm bản về khu dân cư Suối Hẹ được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho 35 hộ đồng bào dân tộc Mông đi lại, giao thương hàng hóa. Niềm vui nối tiếp, năm 2023, bản tiếp tục được Nhà nước đầu tư hơn 100 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa bản, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân.
Ông Hà Văn Lóng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tân Cuông, chia sẻ: Bản thành lập dựa trên sáp nhập 2 bản Suối Hẹ và Nhạn Cuông, có 101 hộ với trên 440 nhân khẩu với 2 dân tộc Thái và Mông cùng sinh sống. Hiện nay, toàn bộ 5 km đường nội bản được đổ bê tông, không chỉ tạo thuận lợi cho bà con đi lại, việc tiêu thụ nông sản cũng được ô tô về tận bản mua với giá cao hơn. Chúng tôi đang nhân rộng mô hình nuôi dê, giúp các gia đình khó khăn kỹ thuật chăm sóc chăm sóc dê và con giống.
Ghé thăm bản Tân Tiến, nhà văn hóa bản mới được đầu tư xây dựng khang trang, tường rào trang trí hoa văn bằng những viên đá cuội rất đẹp mắt. Công trình có quy mô rộng gần 172 m2, tổng mức đầu tư gần 1 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023.
Ông Quàng Văn Dương, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Tân Tiến, phấn khởi: Bản có hơn 200 hộ đồng bào dân tộc Thái, có nhà văn hóa khang trang, bản tổ chức các cuộc họp sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao thuận lợi hơn, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lan tỏa; tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên, hiện nay, bản Tân Tiên hỗ trợ 32 con dê giống cho 8 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đàn dê đang phát triển tốt, giúp các hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của bản xuống còn 8,6%.
Là hộ được hỗ trợ dê giống, anh Lừ Văn Xô, bản Tân Tiến nói: Cuối năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ 4 con dê. Đến nay, gia đình đã xuất bán 2 lứa dê thịt, đàn dê của gia đình còn hơn 10 con. Từ tiền bán dê và vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình đầu tư chuồng trại, nuôi thêm 8 con bò, trồng 1 ha cỏ làm thức ăn; thu nhập của gia đình đạt hơn 100 triệu đồng/năm.
Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xã Tạ Khoa đã được hỗ trợ gần 400.000 cây giống, chủ yếu là cây tếch; 98 còn bò cho 98 hộ dân; 88 con dê cho 23 hộ dân; đầu tư xây mới 1 nhà văn hóa bản; cấp 120 téc chứa nước cho các hộ dân; đổ bê tông gần 4 km đường liên bản… Tổng vốn đầu tư trên 13 tỷ đồng.
Phát huy nguồn lực để phát triển
Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Tạ Khoa góp phần cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân; diện mạo nông thôn mới của xã ngày càng khởi sắc.
Đến nay, Trụ sở làm việc xã, Trạm Y tế được xây dựng khang trang; hoàn thành cứng hóa 16,5 km đường trục chính của xã, hơn 6 km đường liên bản, gần 3,4 km đường nội bản, đường ngõ và 2,6 km đường trục chính nội đồng; 100% đường từ trung tâm xã đến bản được cứng hóa. Đặc biệt, 99% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, nghe đài phát thanh và sử dụng điện an toàn; 100% dân số được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; thu nhập bình quân đầu người đạt 26,36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 26%.
Ông Quàng Văn Quyền, Chủ tịch UBND xã Tạ Khoa, cho biết: Các bản vùng cao tập trung phát triển trồng ngô, sắn; chăn nuôi đại gia súc, gắn với trồng cỏ; phát triển trồng rừng kinh tế, tre măng bát độ. Đối với các bản vùng dọc suối Nhạn và ven lòng hồ sông Đà, trồng lúa nước, rau, quả; tận dụng mặt hồ thủy điện sông Đà đầu tư nuôi cá lồng, khai thác, đánh bắt thủy sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Trong bước đi tiếp theo, xã sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhất là nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ sở. Trước mắt, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện hoàn thiện các thủ tục sớm khởi công xây dựng Trường THCS xã tại vị trí mới. Rà soát, đề xuất đấu tư xây dựng các nhà văn hóa các bản đảm bảo đạt chuẩn; cứng hóa phai, đập, mương nội đồng phục vụ sản xuất.
Đối với phát triển kinh tế, từ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, xã tập trung hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích trồng cây kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đổi mới hình thức sản xuất, có sự tham gia liên kết với các doanh nghiệp, HTX để hình thành các chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Phấn đấu, đến năm 2025, toàn xã trồng 250 ha cây ăn quả, chuối theo hướng nông nghiệp hữu cơ; sản lượng quả các loại 520 tấn, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm, đưa Tạ Khoa thoát diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2026-2030.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!