Những ngày giữa tháng tư, chúng tôi có dịp trở lại xã Bản Lầm, huyện Thuận Châu. Con đường nhựa nối từ thị trấn đến trung tâm xã đi lại khá thuận tiện. Mùa này hai bên đường những nương chè, vườn cây ăn quả phủ một màu xanh trên khắp các nương đồi bên những bản làng khoác lên mình màu ngói mới.
Là xã vùng III của huyện Thuận Châu, Bản Lầm có 6 bản, 884 hộ, trên 4.400 nhân khẩu. Để từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng chương trình hành động; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của ông Lò Văn Muôn, bản Buống Khoang.
Ông Cà Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Lầm, thông tin: Để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể xã đã tích cực tuyên truyền để cán bộ, nhân dân nhận thức rõ và đúng về cơ chế, chính sách giảm nghèo. Đồng thời, chỉ đạo các đảng viên, lãnh đạo hội, đoàn thể tiên phong, đi trước, làm trước trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa các loại cây, con giống có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nâng cao thu nhập; sau đó, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ hộ nghèo học và làm theo. Ngoài ra, phân công cán bộ, công chức phối hợp với Ban quản lý các bản theo dõi, kịp thời giúp đỡ các hộ dự kiến thoát nghèo trong năm khi có nhu cầu. Bằng cách làm này, năm 2021, xã đã có 89 hộ dân thoát nghèo.
Tạo điều kiện cho người dân có vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, các tổ chức đoàn thể của xã đứng ra nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Châu gần 25 tỷ đồng cho hơn 600 hộ dân vay vốn. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân; lồng ghép các nguồn vốn tập trung hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất. Đến nay, toàn xã có 1.077 ha cây cà phê, trong đó 900 ha cho thu hoạch; 127 ha cây ăn quả các loại; trên 1.000 con trâu, bò và hơn 6.000 con dê; ngoài ra, bà con còn trồng 24 ha cỏ VA06 để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Theo con đường bê tông sạch đẹp mới được hoàn thiện, chúng tôi tới thăm mô hình chăn nuôi đại gia súc của ông Lò Văn Muôn, bản Buống Khoang. Trước đây, do thiếu vốn, nên gia đình chỉ nuôi 1, 2 con làm sức kéo. Từ khi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, gia đình có điều kiện mở rộng chăn nuôi, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Lò Văn Muôn, chia sẻ: Có vốn, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua thêm giống trâu, bò giống về nuôi, nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nên đàn gia súc sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện, gia đình có gần 40 con trâu, bò, mỗi năm trừ chi phí thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Còn ở bản Pùa có mô hình nuôi gia súc, gia cầm của anh Quàng Văn Chinh, là một trong những hộ điển hình trong phong trào phát triển kinh tế của xã; trung bình mỗi năm, tổng thu nhập từ chăn nuôi sau khi đã trừ chi phí đạt hơn 200 triệu đồng. Anh Quàng Văn Chinh, cho biết: Trước đây, thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào 2 ha cà phê. Năm 2019, từ định hướng của xã, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 60 triệu đồng xây dựng chuồng trại, mua giống gà Lạc Thủy về nuôi và được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh, nên đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình thường xuyên duy trì trên 1.000 con gà, hơn 100 con vịt cổ xanh và nuôi thêm 6 con bò.
Với những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đời sống của người dân xã Bản Lầm đang ngày một thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 40%, cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Phấn đấu mỗi năm, giảm từ 3% hộ nghèo trở lên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!