Hai năm 2022-2023, chỉ số cải cách hành chính, tỉnh Sơn La đã vươn lên vị trí thứ 13 cả nước, trong đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước liên tục nằm trong tốp đầu cả nước. Đây là kết quả vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền phục vụ.
Cải cách hành chính vì người dân, doanh nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh ban hành kế hoạch xác định 6 mục tiêu với 58 chỉ tiêu để thực hiện 8 nhiệm vụ chủ yếu của cải cách hành chính (CCHC), gồm: Công tác chỉ đạo điều hành; cải cách về thể chế, thủ tục hành chính (TTHC), tổ chức bộ máy, công vụ, tài chính công; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; tác động CCHC đến phát triển KT-XH. Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về kiểm soát, công bố, công khai 1.727 thủ tục hành chính, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Bà Lương Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với kết quả đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức; đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông từ tỉnh đến huyện, xã; khuyến khích các địa phương, đơn vị đưa ra các sáng kiến, cách làm hay để nhân rộng… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra chuyên đề, đột xuất việc thực hiện cải cách hành chính ở các cấp, các ngành.
Các đơn vị, địa phương nâng cao hiệu quả thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; tăng cường giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tập trung cắt giảm thời gian giải quyết và rà soát, kiến nghị bãi bỏ các TTHC không cần thiết. Qua 3 năm, toàn tỉnh đã cắt giảm tối thiểu 25% thời gian giải quyết TTHC, điển hình: Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp giảm xuống còn 2 ngày; cấp giấy phép xây dựng giảm từ 30 ngày xuống 10 ngày; thời gian đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản xuống còn 18 ngày; lĩnh vực môi trường rút ngắn thời gian thực hiện 10-30%...
Hiện nay, toàn tỉnh đã cung cấp 1.554 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; tích hợp 648 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 84%; tỷ lệ số hóa hồ sơ đạt 77%; 99,9% hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hạn; những hồ sơ trả quá hạn đều được cơ quan, đơn vị thực hiện công khai xin lỗi đúng quy định.
Sở Giao thông Vận tải nhiều năm liền chỉ số CCHC liên tiếp đứng vị trí đầu trong các sở, ngành của tỉnh. Ông Đào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, chia sẻ: Sở tham mưu trình UBND tỉnh thành lập Tổ số hóa hồ sơ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; phối hợp hoàn thiện xây dựng quy trình bổ sung nâng cấp dịch vụ công trực tuyến. Với 146 TTHC thuộc phạm vi quản lý, hiện nay, 100% TTHC được thực hiện công khai trên môi trường điện tử; nhiều TTHC đã rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định từ 10-33%. Một số thủ tục cắt giảm 80% thời gian giải quyết so với quy định và trả kết quả trong ngày như: cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải...
Chia sẻ về tiện ích của TTHC trên môi trường điện tử, anh Tống Đức Hạnh, tổ 12, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La nói: Vừa qua, giấy phép lái xe của tôi đã hết hạn phải làm thủ tục đổi. Qua hình thức trực tuyến, tôi đã vào Cổng dịch vụ công của tỉnh để thực hiện. Trong Cổng dịch vụ công đã có sẵn các biểu mẫu và hướng dẫn cách thức kê khai, điền thông tin. Thời gian giải quyết lấy ngay trong ngày. Việc trả phí đều thực hiện trực tuyến, không phải chờ đợi như trước.
Mộc Châu nhiều năm liền đứng tốp đầu về chỉ số CCHC cấp huyện. Ông Lê Trọng Bình, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã tăng cường đối thoại với tổ chức, cá nhân về TTHC thuộc các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng. Ngoài ra, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng giao tiếp và giải quyết TTHC cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ CCHC. Huyện phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông phủ rộng mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng, tạo môi trường thuận lợi trong công tác chuyển đổi số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến... Nhờ vậy, UBND các cấp đã giải quyết trước và đúng hẹn 99,8% hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 84,7%; có 98% số người dân đánh giá tốt chất lượng giải quyết TTHC.
Phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số
Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 03-NQ/TU là hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Thực hiện nhiệm vụ này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục triển khai các nền tảng số dùng chung, như: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; Trung tâm giám sát điều hành thông minh; hệ thống thông tin giải quyết TTHC; Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp...
Đến nay, trục chia sẻ tích hợp dùng chung của tỉnh được khai báo, kết nối với trục kết nối liên thông quốc gia. Việc triển khai gửi, nhận văn bản qua trục liên thông văn bản quốc gia được cơ quan, địa phương thực hiện nghiêm túc, ngày càng chuyên nghiệp. Hệ thống hội nghị trực tuyến 3 cấp được triển khai toàn tỉnh; 100% cơ quan, đơn vị sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thông tin phục vụ họp (eCabinet) hoạt động hiệu quả, hướng đến mục tiêu họp không giấy tờ. Tỷ lệ ban hành văn bản trên môi trường mạng đạt 100%, được xác thực bởi dịch vụ chứng thực chữ ký số. Hiện nay, các xã được cấp tài khoản trên hệ thống một cửa điện tử tỉnh, thực hiện cập nhật kết quả giải quyết TTHC tại địa phương lên Cổng dịch vụ công của tỉnh...
Đồng thời, điều chỉnh, kết nối chính thức Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với phần mềm dịch vụ công liên thông, hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung của Bộ Tư pháp, đảm bảo điều kiện tiếp nhận, giải quyết 2 nhóm TTHC liên thông theo quy định; hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP...
Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU, trong 58 chỉ tiêu CCHC đề ra, tỉnh Sơn La đã hoàn thành 40 chỉ tiêu, các chỉ tiêu còn lại đang trong lộ trình thực hiện, phấn đấu hoàn thành trong năm 2025. Qua đánh giá, mức độ chính quyền số của các cơ quan nhà nước tỉnh Sơn La luôn đạt mức khá với điểm trung bình đạt 83/100 điểm.
Kết quả nổi bật đó, khẳng định chủ trương xuyên suốt của tỉnh trong thực hiện CCHC là lấy người dân làm trung tâm, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!