Năm 2023, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của tỉnh Sơn La tụt hạng từ vị trí 17 xuống 33/63 tỉnh, thành phố. Phân tích các nội dung thành phần của chỉ số SIPAS, đã phản ánh những tồn tại, hạn chế trong thực thi nhiệm vụ của bộ máy chính quyền, đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục, cải thiện.
Nhiều nội dung chưa hài lòng
Chỉ số SIPAS thực hiện thông qua việc đo lường sự hài lòng của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và việc cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính nhà nước. 9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống được lựa chọn để người dân đánh giá, gồm: Phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; điện; nước sinh hoạt; an sinh, xã hội và cải cách hành chính nhà nước.
Năm 2023, chỉ số SIPAS của tỉnh được tính toán, tổng hợp từ 630 phiếu điều tra xã hội học, phân bổ đều cho 3 huyện, thành phố có nhiều giao dịch cung ứng dịch vụ gồm: Mai Sơn, Bắc Yên và thành phố Sơn La.
Qua phân tích, bên cạnh các chỉ số thành phần đạt ở mức khá trong bảng xếp hạng chung của cả nước như mức độ hài lòng của người dân về trách nhiệm giải trình của chính quyền về chính sách đạt 81,8%; mức độ hài lòng của người dân đối với kết quả, tác động của chính sách đạt 82,7%; có 84,9% số người dân được khảo sát cho rằng không có công chức gây phiền hà, sách nhiễu…
Tuy nhiên, vẫn còn 21,5% số người dân được khảo sát chưa hài lòng về việc chính quyền tổ chức thực hiện chính sách giao thông đường bộ; 19% số người dân chưa hài lòng về việc chính quyền tổ chức thực hiện chính sách cải cách hành chính; tỷ lệ mức độ hài lòng của người dân với tiếp cận, kết quả dịch vụ, TTHC đều giảm từ 1,06 - 1,74%.
Ngoài ra, người dân được khảo sát mong đợi nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và chất lượng tiếp nhận, giải quyết ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của nhân dân…
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: Năm 2023, thứ hạng chỉ số SIPAS tỉnh Sơn La giảm, nguyên nhân chủ yếu do công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về dân chủ ở xã, phường, thị trấn còn hình thức; một số nội dung cần công khai, minh bạch chưa thực hiện nghiêm túc. Ngoài ra, một số cơ quan chưa thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ công; một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả có trình độ, kỹ năng giao tiếp hạn chế; còn tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn, ảnh hưởng đến sự hài lòng, tín nhiệm...
Cũng cần nhìn nhận sự giảm điểm chỉ số PAPI do một số nguyên nhân khách quan, như: Việc thay đổi nội dung, phương pháp đo lường sự hài lòng với yêu cầu cao, nhiều nội dung, bao trùm hơn; việc lựa chọn ngẫu nhiên các gia đình thực hiện trả lời phiếu khảo sát và lựa chọn địa bàn khảo sát còn ít, trong đó, một số địa bàn điều tra trong diện điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều nội dung quy định, thuật ngữ hành chính phản ánh trong phiếu điều tra trừu tượng, cách hiểu không thống nhất… ảnh hưởng toàn diện đến kết quả chung của toàn tỉnh.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng điểm
Ngay sau khi công bố kết quả, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số SIPAS; phân công trách nhiệm các sở, ngành, địa phương xây dựng giải pháp cụ thể cải thiện chỉ số liên quan thuộc ngành, cấp quản lý.
Liên quan đến tiêu chí mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, đối với việc cung ứng dịch vụ công đều giảm so với năm 2022, ông Phạm Đại Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thông tin: Cải thiện mức độ hài lòng của người dân, tổ chức, đối với cung ứng dịch vụ công, năm 2024, sở tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động, duy trì, cung cấp thông tin trên các cổng, trang thông tin điện tử các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã. Đồng thời, vận hành hệ thống thông tin một cửa điện tử kết nối liên thông tới 100% sở, ngành, huyện, xã; tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát, tăng cường số lượng TTHC liên thông, giảm thời gian đi lại, chuẩn bị hồ sơ, chi phí tuân thủ TTHC của người dân, doanh nghiệp...
Nâng cao mức độ hài lòng của người dân về việc tổ chức thực hiện chính sách cải cách hành chính, tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp đã thông tin, tuyên truyền đầy đủ công tác cải cách hành chính, mục đích, ý nghĩa, nội dung kết quả SIPAS tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp; đổi mới cách thức giải quyết TTHC. Trong đó, thực hiện hiệu quả nguyên tắc “5 tại chỗ” (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả). Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân; xử lý nghiêm công chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ, đảm bảo chất lượng phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, hài lòng hơn.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cấp xã tại cơ sở, nhằm nâng cao trách nhiệm giải trình của chính quyền cơ sở đối với người dân; tăng cường tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở.
Đối với các địa phương, huyện Bắc Yên được lựa chọn điều tra xã hội học về chỉ số SIPAS năm 2023, qua kết quả phân tích, huyện đã rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành cung ứng dịch vụ công của địa phương. Ông Ngô Văn Huynh, Chánh Văn phòng UBND huyện, thông tin: Huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra bộ phận “một cửa” các xã, thị trấn; chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; khuyến khích người dân nộp, nhận kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích, trực tuyến. Từ đầu năm đến nay, 100% số TTHC được công khai, minh bạch về quy trình, thời gian giải quyết, phí, lệ phí, phiếu giao nhận, phiếu báo xử lý chậm; không để có hồ sơ quá hạn trong giải quyết TTHC; quyết tâm nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đến giao dịch.
Tại thành phố Sơn La, nâng cao chỉ số SIPAS, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các xã, phường khảo sát lấy ý kiến của cá nhân, tổ chức đến làm TTHC thông qua mã quét QR. Bà Phạm Thị Thục, tổ 13, phường Quyết Thắng, chia sẻ: Việc thăm dò ý kiến nhân dân, để nâng cao chất lượng phục vụ là rất văn minh, cầu thị, mỗi lần đến làm TTHC tôi đều tham gia quét mã, góp ý, đánh giá đối với việc giải quyết TTHC và thái độ phục vụ của công chức.
Ông Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết thêm: Cải thiện Chỉ số SIPAS, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung và kết quả của chỉ số; nâng cao nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm, thúc đẩy sự tham gia tích cực, khách quan của người dân, tổ chức trong việc giám sát, phản hồi ý kiến về việc cung ứng dịch vụ hành chính công. Đối với các cơ quan, đơn vị có chỉ số sự hài lòng thấp, cần đánh giá, xác định thực trạng, nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục, nâng cao điểm số, thứ hạng của chỉ số trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Những giải pháp cụ thể, các ngành, địa phương đang từng bước cải thiện, nâng cao chỉ số SIPAS, hướng đến mục tiêu xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân, điều hành năng động, quản lý hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực, sự hài lòng của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!