Tiếp sức ngư dân vươn khơi, bám biển

Với đội tàu khai thác thủy sản hùng hậu, hơn 5.700 chiếc, cùng ngư trường rộng lớn, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương có thế mạnh vượt trội về khai thác thủy, hải sản. Tuy nhiên, thời gian qua, trước những diễn biến bất thường của giá nguyên, nhiên liệu, ngư trường cạn kiệt, không ít tàu cá của ngư dân phải nằm bờ.

Lãnh đạo thành phố Vũng Tàu tặng quà, động viên các ngư dân ra khơi.

Lãnh đạo thành phố Vũng Tàu tặng quà, động viên các ngư dân ra khơi.

Tình trạng này kéo dài kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay dù chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp hỗ trợ.

Càng ra khơi xa, càng lỗ

Chia sẻ về những khó khăn trong hoạt động khai thác thủy, hải sản thời gian qua, ngư dân Đăng Quang Đực (khu phố Hải Trung, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) không giấu nỗi buồn: “Chưa khi nào nghề biển khó khăn như vậy, càng ra khơi càng lỗ. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tàu cá hầu như chỉ nằm bờ, không dám đi biển”. Con tàu BV 91980 TS từng là niềm hy vọng của gia đình ông giờ lại là gánh nặng tiêu tán bao tài sản tích góp của cả đời đi biển. Ông Đực tâm sự: “Năm 2017, tôi đóng con tàu công suất 700CV này với số tiền hơn bảy tỷ đồng, trong đó, bốn tỷ đồng vay ngân hàng. Những chuyến biển đầu tiên khá hiệu quả, tôi tích góp trả được 500 triệu đồng cho ngân hàng.

Tuy nhiên, những năm tiếp theo, do giá nguyên vật liệu tăng cao, rồi dịch Covid-19 bùng phát, mỗi chuyến đi đều lỗ trung bình từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Vậy là đành cho tàu nằm bờ”. Gắn bó cả đời với nghề biển, nên khi quyết định cho tàu nằm bờ đồng nghĩa với việc gia đình không còn nguồn thu nào khác, trong khi các khoản lãi ngân hàng, chi phí neo đậu, sửa chữa tàu mỗi tháng vẫn tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Sổ đỏ căn nhà, nơi gia đình ông sinh sống, đang được thế chấp ngân hàng để lấy tiền đóng tàu cũng không biết đến khi nào mới lấy ra được.

Trở về sau chuyến đi biển gần một tháng, ngư dân Nguyễn Minh Đức (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Trừ hết chi phí, chuyến biển này lại lỗ cả chục triệu đồng. Nếu trước đây, mỗi chuyến như vầy chúng tôi được trung bình cả tấn hải sản thì nay chỉ được phân nửa, trong khi giá nguyên, nhiên liệu đã tăng hơn 30% so với trước”. Theo ông Đức, trung bình mỗi chuyến biển hết hơn 2.000 lít dầu, tương đương khoảng 60 triệu đồng, trong khi trước đây chưa tới 40 triệu đồng. “Chi phí đầu vào tăng nhưng giá hải sản không tăng nên tàu càng ra khơi càng lỗ”, ông Đức buồn bã.

Ghi nhận tại nhiều cảng cá lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, như: Lộc An (Đất Đỏ), Bình Châu (Xuyên Mộc), Phước Tỉnh (Long Điền)…, tình trạng tàu cá nằm bờ hay hoạt động cầm chừng để giữ chân bạn ghe, tránh cho tàu hư hỏng, diễn ra khá phổ biến. Không chỉ giá xăng, dầu tăng cao mà hầu hết các chi phí đầu vào khác, như: nước đá, ngư cụ, lương thực, thực phẩm, chi phí thuê lao động… tại các cảng cá đều tăng theo khiến ngư dân nắm chắc phần lỗ mỗi khi ra khơi.

Ông Huỳnh Anh Vũ (ấp An Hòa, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ) chia sẻ: “Hơn 20 năm hành nghề đánh bắt trên biển, chưa năm nào nghề biển lại khó khăn như năm nay”. Ông Vũ tính: “Mấy chuyến gần đây tôi đều lỗ 50-70 triệu đồng/chuyến. Xăng dầu tăng giá, các loại nhu yếu phẩm cũng tăng mà giá thủy sản không tăng. Nếu tình hình kéo dài, nguy cơ ngư dân phải để tàu nằm bờ là điều khó tránh khỏi”.

Ông Vũ nói tiếp: “Để có tiền đóng tàu, gần như 100% các ngư dân đều phải vay vốn ngân hàng. Tài sản thế chấp là chính con tàu và đất đai, nhà cửa tích góp được. Để có chi phí đi biển, ứng trước tiền công cho bạn ghe, nhiều ngư dân phải vay nóng bên ngoài. Nếu cứ lỗ như hiện nay thì chắc không ai dám đi biển nữa”.

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu, chỉ tính riêng số nợ xấu mà ngư dân vay để đóng tàu theo Nghị định 67/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn đã là gần 500 tỷ đồng trong tổng số hơn 1.000 tỷ đồng đã giải ngân.

Trong tổng số 68 tàu đã đi vào hoạt động, có tới 19 tàu cá hoạt động cầm chừng, không hiệu quả, không trả được nợ cả gốc lẫn lãi; 29 tàu hoạt động nhưng không trả gốc, lãi đúng theo cam kết. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Đức Hoàng cho biết: Trong hơn 5.700 tàu cá trên địa bàn thì có gần 3.000 tàu cá khai thác xa bờ.

Theo tính toán, mỗi chuyến biển, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 50 đến 60% tổng chi phí, thì khi giá dầu tăng đồng nghĩa với lợi nhuận của ngư dân giảm đi. Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, trong đó nòng cốt là Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, thống kê chi tiết những khó khăn ngư dân đối mặt, để có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Ngư dân Nguyễn Trính, ấp Phước Hương, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, chia sẻ: Việc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống kê, lập danh sách và giải ngân kịp thời nguồn vốn hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp chúng tôi rất nhiều. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả đánh bắt, ngư dân cũng cần thay đổi phương thức đánh bắt đơn lẻ, tham gia và thành lập các tổ, đội đánh bắt tập trung trên biển nhằm tiết giảm chi phí.

Để chứng minh cho hiệu quả của mô hình tổ đánh bắt trên biển, ông Trính dẫn chứng: “Tổ đánh bắt trên biển của chúng tôi hiện có 18 chiếc tàu với 51 ngư dân tham gia. Quá trình đánh bắt trên biển, mỗi người, mỗi tàu đều được phân công công việc cụ thể. Trước đây, khi đánh bắt đơn lẻ, mạnh ai nấy làm, sau thời gian đánh bắt các tàu đều phải về bờ bán sản phẩm, mua xăng, dầu, nước đá, thực phẩm...

Đây chính là nguyên nhân khiến chi phí đi biển tăng, chất lượng thủy, hải sản không bảo đảm, dễ bị tư thương ép cấp, ép giá. Khi tham gia tổ, đội đánh bắt, các thành viên trong tổ sẽ luân phiên nhau trung chuyển sản phẩm sau đánh bắt vào bờ, hỗ trợ nhau về vật tư, nhân lực khi cần thiết, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Các tàu, thuyền trong tổ cũng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, hiệu quả hơn...”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Công Vinh cho biết: “Tỉnh đã lập sáu văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá đặt tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, ngăn chặn triệt để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tổ chức cho tất cả chủ tàu cá, thuyền trưởng ký cam kết không đưa tàu cá, ngư dân sang vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản trái phép trước khi xuất bến... Trước mắt, để hỗ trợ ngư dân, ngoài các giải pháp về vốn, tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân các giải pháp khoa học giúp bảo quản hải sản tốt hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận…”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Đức Hoàng cho biết thêm: Để hỗ trợ ngư dân, nhiều ngân hàng thương mại cũng đang xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với nhiều chủ tàu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh hướng dẫn thực hiện chuyển đổi chủ tàu trong trường hợp chủ tàu không còn khả năng tiếp tục duy trì hoạt động khai thác hải sản cho tổ chức, cá nhân có năng lực, nhu cầu, nhất là đối với những trường hợp không còn khả năng trả nợ.

Với hơn 5.700 tàu cá, trong đó có gần 3.000 tàu cá khai thác xa bờ, năm 2022, ngành thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu giữ ổn định sản lượng khai thác khoảng 350 nghìn tấn. Như vậy, chỉ còn gần ba tháng nữa là kết thúc kế hoạch của năm 2022 trong bối cảnh thị trường trong nước vẫn diễn biến phức tạp, giá nguyên, nhiên liệu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì một giải pháp đồng bộ động viên ngư dân yên tâm đưa tàu vươn khơi, bám biển trong những tháng cuối năm là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới