Sự thay đổi bất thường của thời tiết, 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Sơn La xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo dự báo, các tháng cao điểm mùa mưa có nhiều đợt mưa lớn gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, các cấp, các ngành đang tập trung thực hiện các biện pháp, ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Mùa mưa trên địa bàn tỉnh Sơn La thường bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 10 hằng năm. Nhưng mùa mưa năm nay bắt đầu khá sớm, từ tháng 2, tháng 3. Một số xã ghi nhận có lượng mưa lớn, như: Mường La, Quỳnh Nhai, Vân Hồ và các phường Tô Hiệu, Mộc Châu... Mưa lớn gây ngập úng cục bộ tại một số điểm trũng, thấp, như khu vực Ngã tư xe khách, khu vực Vincom thuộc phường Tô Hiệu; bản Phiêng Nghè, phường Chiềng An. Ngoài ra, mưa lớn còn gây sạt lở đất tại vùng núi cao, khu vực xung yếu tại xã Mường Sại và km 80+300 trên quốc lộ 279D thuộc xã Mường Bú... làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Chủ động PCTT và TKCN năm nay, tỉnh chỉ đạo kiện toàn, củng cố Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp với 33 thành viên cấp tỉnh, trên 5.000 thành viên cấp xã, bản; rà soát xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động phòng chống thiên tai phù hợp thực tế yêu cầu đặt ra.
Hiện nay toàn tỉnh có 111 hồ chứa, 132 đập dâng và 2.405 công trình thủy lợi. Trong đó, 86 hồ chứa nước lớn đập chiều cao trên 5m hoặc dung tích toàn bộ trên 50.000 m³ trở lên. Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Sơn La phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, chính quyền địa phương thực hiện các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Bằng nguồn kinh phí quản lý khai thác, năm 2025, Công ty cân đối thực hiện sửa chữa 61 công trình, kinh phí khoảng 24,5 tỷ đồng. Đã thực hiện sửa chữa xong, đưa vào khai thác sử dụng 13 công trình. Đồng thời, chủ động xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp có sự cố công trình xảy ra khi mưa, lũ.

Công tác dự báo, cảnh báo sớm đặt lên hàng đầu. Toàn tỉnh đang có 114 trạm khí tượng, 45 trạm đo mưa tự động, 5 trạm thủ công đo mực nước, cảnh báo lũ, bảo đảm theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, cảnh báo, dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Thời gian dự báo, cảnh báo trước khi hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra từ 24 - 48 giờ, phục vụ phòng tránh thiên tai các địa phương trên địa bàn phụ trách. Bản tin dự báo, cảnh báo được phát trên sóng phát thanh, truyền hình kịp thời, đầy đủ; đồng thời, gửi đến các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh cùng các địa phương trong tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Sơn La, cho hay: Đài khí tượng thủy văn Sơn La bố trí lực lượng trực 24/24 giờ thu thập dữ liệu về thời tiết, dự báo lượng mưa và các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở đất. Từ thông tin được tổng hợp, chúng tôi ban hành các bản tin cảnh báo trên nền tảng số, các ứng dụng, như Zalo đưa thông tin đến các địa phương, nhân dân nhanh nhất, giúp các địa phương chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với mưa lớn xảy ra.
Nâng cao khả năng nhận biết các dấu hiệu sạt lở, lũ ống, lũ quét, ngập lụt cho nhân dân luôn được các địa phương quan tâm. Trong đó, tập trung hướng dẫn cộng đồng nhận biết dấu hiệu của sạt lở, lũ quét, di chuyển nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Các địa phương đã rà soát, bố trí điểm tái định cư, khẩn trương ổn định đời sống nhân dân sau khi thực hiện việc di chuyển khẩn cấp ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Ông Lê Xuân Hùng, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy lợi và Tài nguyên nước, cho biết: Chúng tôi tham mưu với Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất với UBND tỉnh rà soát lại các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng khi có mưa lớn, triển khai các phương án khơi thông hệ thống thoát nước, xử lý kịp thời các điểm bị ngập úng.

Là một trong những địa phương thuộc vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình, địa hình bị chia cắt phức tạp, có độ dốc lớn, xã Tường Hạ đã rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét khi có mưa lớn và các đoạn, tuyến giao thông xung yếu, có kế hoạch ứng phó. Bà Hoàng Thị Hồng, Chủ tịch UBND xã Tường Hạ, thông tin: Ngay sau khi đi vào hoạt động chính quyền 2 cấp, xã đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự của xã, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Đồng thời, rà soát các tuyến đường xung yếu khi xảy ra thiên tai có khả năng cô lập một số bản để chủ động khắc phục. Ngoài độ dốc lớn, xã Tường Hạ còn có diện tích mặt nước thuộc lòng hồ thủy điện Hòa Bình ước khoảng 600 ha, nhân dân tận dụng lợi thế này nuôi trên 200 lồng nuôi cá. Do đó, xã chỉ đạo các bản thường xuyên thông tin về tình hình dự báo thời tiết, nhất là dự báo có mưa lớn dẫn đến nước lũ tràn về dâng cao mang theo bùn đất, bà con sớm di chuyển lồng cá đến nơi an toàn.
Chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với mưa lớn, là việc làm đang được các cấp, các ngành trong toàn tỉnh tích cực triển khai, thực hiện, nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản, giúp nhân dân yên tâm phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!