Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu

Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc - Giai đoạn 2” được triển khai tại Sơn La đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao sinh kế và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhân dân.

Giọng nữ
Mô hình canh tác khoai sọ thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Nậm Lầu.
Ảnh: PV

Dự án triển khai từ tháng 8/2024 đến tháng 12/2026 tại các xã: Nậm Lầu, Muổi Nọi, Bình Thuận và Mường É do tổ chức Bánh mỳ thế giới (BftW) cung cấp viện trợ, với tổng vốn thực hiện dự án trên 23,1 tỷ đồng, trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại trên 17,3 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương.

Ông Bùi Quốc Quân, Trung tâm phát triển nông thôn bền vững (SRD) cán bộ vận hành dự án, cho biết: Từ đầu năm đến nay, dự án đã tập trung vào các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn, bảo vệ rừng. Trung tâm đã khảo sát thực tế tại 125 hộ tại các xã trong vùng dự án triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn; tổ chức 15 lớp tập huấn những kiến thức chung về kinh tế tuần hoàn cho 372 người.

Cũng theo ông Quân, mỗi xã lựa chọn từ 3 đến 5 người để đào tạo về kinh tế tuần hoàn và các kỹ năng truyền thông tham gia nhóm giảng viên cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ 29 hộ lắp đặt và vận hành bể biogas; cấp men vi sinh cho 180 hộ để xử lý chất thải chăn nuôi trong các bể ủ; hướng dẫn cách tự chế men vi sinh gốc phục vụ cho việc vệ sinh chuồng nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp như phân thải, rơm rạ.

Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững tập huấn sử dụng men vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi cho nhân dân xã Muổi Nọi. 

Ông Cà Văn Quý, bản Noong Ỏ, xã Muổi Nọi, cho biết: Gia đình nuôi lợn nái, chuyên cung cấp con giống cho thị trường. Từ ngày được dự án hỗ trợ lắp đặt hệ thống biogas, gia đình tôi vừa tận dụng khí để đun nấu mà không tốn tiền mua chất đốt, vừa có phân bón cho cây trồng, giữ môi trường sạch hơn.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững cùng các đối tác đã tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về vai trò của rừng, đa dạng sinh học và kỹ thuật tái sinh rừng bằng pháo hạt giống; thành lập 10 tổ quản lý bảo vệ rừng, mỗi tổ gồm 20 thành viên; tổ chức 5 lớp tập huấn phòng cháy chữa cháy rừng cho các thành viên tổ tự quản. Phối hợp với lực lượng kiểm lâm khảo sát diện tích rừng và đất canh tác đã được tiến hành, xác định các khu vực phù hợp để trồng rừng phục hồi và cây gỗ che bóng cho cà phê, với mục tiêu phục hồi 50 ha rừng thứ sinh và trồng cây phân tán tại các vườn cà phê, nương mận, hoặc nương hoang hóa.

Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững phối hợp với Kiểm lâm tỉnh tập huấn công tác PCCCR tại xã Nậm Lầu.

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Sự thay đổi về địa giới hành chính, nhưng dự án vẫn tiếp tục được triển khai, điều chỉnh thành phần Ban quản lý dự án tại cấp xã. Sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm lâm phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững triển khai các mô hình đã cam kết. Trong tháng 7, dự án triển khai trồng phục hồi 20 ha rừng tự nhiên và 30 ha rừng phân tán trên đất nương của các hộ dân.

Với định hướng bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian tới, dự án tiếp tục triển khai các hoạt động tập huấn về kinh tế tuần hoàn, mở rộng mô hình xử lý phụ phẩm nông nghiệp, tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Từng bước chuyển đổi sang các mô hình kinh tế tuần hoàn hiệu quả, tối đa hóa việc khai thác các phế phẩm nông nghiệp hiện có và phát triển lâm nghiệp bền vững.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới